Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Blues Việt - Đi tìm bản ngã

Âm nhạc

Blues Việt - Đi tìm bản ngã

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng mười hai 28, 2015, 10:47 am

Blues Việt từ thời có những sáng tác đầu tiên đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng dòng nhạc này vẫn mảnh lẻ và trôi chầm chậm trong không gian âm nhạc Việt. Bài viết dưới đây của nhà nghiên cứu âm nhạc Jason Gibbs sẽ khơi lại một chút lịch sử Blues Việt với những mong mỏi rằng dòng nhạc này thật sự vẫn phù hợp với người Việt.

Nhạc Blues đến với Việt Nam qua những ca khúc Jazz Mỹ được phổ thông hóa trong những năm 1930-1950. Có lẽ Ngọc Bích là người soạn Blues đầu tiên, những ca khúc tự xưng là Blues sớm nhất chắc chắn sẽ phải là các bài Hồn theo gió và Dưới trăng thề. Bài Blues nổi bật nhất của thời kỳ này là Ai về sông Tương của Thông Đạt (tức Văn Giảng) soạn năm 1949, nhưng phổ biến rộng rãi từ 1952. Các bài này không có nhiều đặc trưng của Blues và cũng nghe rất giống các bài ca nhịp chậm êm đềm khác. Riêng Ai về sông Tương có thêm chút tiết tấu Swing thong thả, Mạnh Phát từng thu bài này cho hãng đĩa Philips do ban nhạc của Võ Đức Thu chơi phầm đệm kiểu Slow - Foxtrot. Theo quyển Để sáng tác một bài nhạc phổ thông của Hoàng Thi Thơ (soạn năm 1955) thì Blues chậm được biểu diễn với nhịp Slow Fox và Blues nhanh thì theo nhịp Swing. Chắc các nhạc sĩ tự coi những bài này là Blues vì những yếu tố ca từ mang tính tự sự và tinh thần lãng du.

Thời gian sau 1954 thì nhạc thị trường ở Sài Gòn bắt đầu chịu sự ảnh hưởng của nhạc Blues nhiều hơn, nhất là từ khi người Mỹ bắt đầu hiện diện và đóng quân nhiều ở miền Nam. Một số bài kích động nhạc như Năm phút cho em của Trường Hải soạn năm 1966 sử dụng đến cấu trúc 12 ô nhịp theo phong cách Rhythm And Blues (R&B) của Ray Charles. Từ lúc đó có nhiều bài Blues lần lượt thay nhau ra đời, phần lớn là sáng tác trong khoảng 1964 - 1970 như Đường chiều (Hồng Duyệt), Những chiều không có em, Ảo mộng (Trường Hải), Thúy đã đi rồi (Y Vân), Nhớ thành đô, Người nghệ sĩ mù (Hoàng Thi Thơ), Thuở ấy có em, Loan mắt nhung (Huỳnh Anh), Đêm nguyện cầu (nhóm Lê Minh Bằng) và Tôi còn yêu tôi cứ yêu (Phạm Duy). Thời gian này Blues Việt cũng gần gũi với nhịp Slow Rock.

Hình ảnh
Bài Blues nổi bật nhất của thời kỳ đầu Blues Việt là "Ai về sông Tương" của
Thông Đạt (tức Văn Giảng) soạn năm 1949, nhưng phổ biến rộng rãi từ 1952.


Đối với tôi, bài Tình yêu trong mắt một người của Trúc Phương là một tác phẩm Blues rất đặc biệt - có thể coi như là thử nghiệm một chút. Phương Dung thu cho đĩa Asia Sóng Nhạc năm 1964 kiểu hát pha chất Blues với điệu oán nhạc dân gian miền Nam. Cuối các câu kết với nốt thứ bảy cao trong hợp âm thứ (harmonic minor) dẫn lên nốt chủ - nhưng nốt dẫn này thì hát thấp một tí như trong nhạc Blues và điệu oán. Trong phiên khúc thì có nhiều nốt Blues - nốt thứ trong hợp âm hát nửa thứ nửa trưởng, nốt thứ năm được viết với dấu giáng kiểu “blue note”. Trong điệp khúc thì nốt thứ năm hạ thấp này thành nốt thứ tư rung dẫn tới nốt thứ năm trong hợp âm như điệu oán. Theo nhà âm nhạc học Nam Phi Pieter van de Merwe (Origins Of The Popular Style - Nguồn gốc của phong cách phổ thông - 1989) thì gốc của hợp âm Blues là một gam bảy nốt bình quân (equal tempered) rất phổ thông ở châu Phi. Đi bằng đường Ấn Độ dương, gam bảy nốt này rồi cũng có mặt ở Đông Nam Á, trở thành điệu thức chính của nhạc dân gian Thái Lan và theo nhà dân tộc học Úc gốc Việt Lê Tuấn Hùng thì đây cũng là gam cơ bản cùa nhạc Huế và nhạc tài tử Việt Nam. Như vậy nhạc Blues và nhạc Việt cũng có những nét ăn khớp với nhau (song cấu trúc giai điệu của hai hệ thống rất khác nhau).


Hình ảnh
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đã khai thác Blues
sâu xa nhất, nhạc sĩ này đã nhận ảnh hưởng của nhạc Blues
trong các tác phẩm viết những năm 1964 đến 1966.


Blues không thể định nghĩa một cách đơn giản - ngoài những cảm giác được biểu lộ, Blues cũng gồm phong cách, cấu trúc tác phẩm, cách luyến láy, cách đàn hay biểu diễn. Blues cũng là một yếu tố quan trọng của nhiều thể loại nhạc như Jazz, Swing, Rhythm And Blues và Rock. Cũng phải phân biệt loại Blues phổ thông với cái gọi là Country Blues hay Downhome Blues (Blues quê nhà). Country Blues là nguồn gốc của Blues có những ca từ gọn và mặn mà cũng giống ca dao với những nỗi niềm, âu lo bình thường của người da đen nghèo. Khá nhiều lần những câu đôi và câu đầu được lặp đi lặp lại - “I Can Tell The Wind Is Risin’, The Leaves Tremblin’ On The Tree/I Can Tell The Wind is risin’, leaves tremblin’ on the tree/All I need’s my little sweet Woman And To Keep My Company” (Tôi thấy gió vút lên, cành lá run trên cây/Tôi thấy gió vút lên, cành lá run trên cây/Tôi chỉ cần cô bé dễ thương của tôi ngồi chơi cùng tôi - bài Hellhound On My Trail của Robert Johnson). Các câu hát này thường lệ gồm 4 ô nhịp được phát triển thành 12 nhịp Blues.

Có lẽ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đã khai thác Blues sâu xa nhất. Nhạc sĩ này đã nhận ảnh hưởng của nhạc Blues trong các tác phẩm viết những năm 1964 đến 1966 và có lần viết: “Tôi thấy loại nhạc này gần gũi với mình và thấy có khả năng muốn lấy nhạc này để nói lên tâm sự của mình”. Về giai điệu thì các bài như Phúc âm buồn, Vết lăn trầm có nhiều nét Blues trong giai điệu. Như tôi kể ở trên, ca khúc nhạc thị trường ở Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng của nhạc Blues qua dòng Blues phổ thông. Với Trịnh Công Sơn chúng ta mới thấy ảnh hưởng của thế giới quan Blues. Như Hà Vũ Trọng đã viết “nhạc Blues được “Trịnh Công Sơn hóa” nhất là trong những Ca khúc da vàng”. Các ca khúc này về nét giai điệu thì gần gũi hơn với nhạc dân gian Việt Nam, nhưng cấu trúc và khái niệm ca từ thì rất gần với nhạc Blues. Nhạc sĩ Mỹ Townes van Zandt phân biệt nhạc Blues với cái mà ông gọi là “Zip-A-Dee-Doo-Dah” là tên một bài ca của xưởng phim Disney đặt làm cho một phim hoạt hình về các truyện dân gian của dân nô lệ da đen. Ông nhạc sĩ này muốn tương phản giữa nhạc ảo tưởng và giả vờ của ca khúc trong phim này với chất đời thực và tự phát của nhạc Blues.

Trong các Ca khúc da vàng Trịnh Công Sơn cũng đã đơn giản hóa cấu trúc và ca từ. Tôi đang nghĩ đến những thí dụ như các ca khúc Ngụ ngôn mùa Đông, Ngủ đi con, Hát trên những xác người chỉ có phiên khúc và cũng có nhiều cụm từ lặp lại như trong ca từ Blues. Khác với nhiều bài ca khác của Trịnh Công Sơn, các ca từ kể ở trên cũng dễ hiểu và rạch ròi. Blues cũng là một cách để biểu cảm thân phận người, để nói thẳng đến tâm trạng phức tạp của người trần gian.

Tôi cũng nên nhắc đến nhạc Blues Việt qua ngả hát xẩm mà tôi từng được chứng kiến trên đường phố Hà Nội hơn mười năm trước. Nghe lại băng Xẩm đá đỏ (Quỳ Châu) tôi thấy thật khó nếu không nghĩ đến nhạc Blues. Trong những năm gần đây thì thị trường nhạc Việt đã hướng về phía châu Á hơn nước Mỹ, nhưng cũng có một số ca khúc nhạc Blues pha với jazz như Điệu Blues cho ly biệt của Quốc Bảo hay Điệu Blues mùa Thu của Jazzy Dạ Lam. Ngay cả các rocker trong những nhóm Rock Việt hiện nay cũng rất khó tránh khỏi ảnh hưởng của nhạc Blues bởi đây đơn giản là một yếu tố căn bản của Rock. Tôi nghĩ rằng nhạc Blues cũng hợp với nhạc Việt và hy vọng nhiều nhạc sĩ sẽ tìm hiểu nhiều hơn đến thể loại này.

Jason Gibbs
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh hà,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Duyên nợ Blues

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng mười hai 28, 2015, 11:00 am

Theo thời gian, nhạc Blues không phải là thứ âm nhạc của màu da mà là thứ âm nhạc của tâm hồn, những tâm hồn đa cảm. Blues đẹp như nỗi buồn và trong nỗi buồn ấy, ai cũng bắt gặp mình trong ấy.

Duyên nợ

Thời còn du học ở Mỹ, tôi đã có duyên làm quen và tiếp cận với nhạc Blues ngay tại quê hương của nó, thành phố New Orleans. Là một thành phố nổi tiếng về du lịch, New Orleans thu hút du khách khắp nơi bằng lễ hội hóa trang Mardi Gras cuồng nhiệt trên con phố khét tiếng về những điểm ăn chơi Bourbon Street giữa trung tâm thành phố. Lần đầu tiên dạo bước trên đường Bourbon, điều hấp dẫn tôi không phải là những quán bar kiêm câu lạc bộ thoát y vũ hay những cửa hiệu bán đồ lưu niệm với đủ các loại bùa chú mà là hình ảnh những nhạc công da đen khắc khổ với cây đàn guitar và chiếc kèn harmonica ngồi bên một góc đường nào đó mà cất lên giọng ca buồn đến não lòng, khác hẳn với giới trẻ da đen của thế hệ Hip Hop ồn ào. Vốn hâm mộ Eric Clapton, tôi biết rằng thể loại những người nhạc công đường phố kia chơi cũng là thể loại mà “Thượng đế guitar” dành trọn cuộc đời cho nó, nhạc Blues. Cảm giác được nghe nhạc Blues chơi ngay tại một trong cái nôi của nó thật khó tả. Và thế là như một thói quen, cứ mỗi lần có dịp đến với Bourbon Street, tôi lại tìm đến một góc đường vắng để nghe Blues, cảm Blues.

Có lẽ cách đây khoảng hơn một thế kỷ trước, con cháu của những người nô lệ da đen suốt ngày quần quật trên những cánh đồng bông nắng cháy chẳng bao giờ nghĩ rằng những câu hò điệu hát kể về những nỗi thống khổ do tổ tiên để lại lại có một ngày trở thành một thứ di sản văn hóa đặc trưng không chỉ của nước Mỹ mà còn là của thế giới. Nhạc Blues đã ra đời như vậy, từ những câu hò (holler) và đối đáp (call and response) của những công nhân đồn điền da đen để xua tan mệt nhọc khi làm việc. Blues đã từng bị khinh rẻ xem như là thể loại âm nhạc hạ đẳng, bị kỳ thị vì màu da thậm chí còn bị coi là thứ âm nhạc của quỷ dữ. Nhưng cũng chính nhạc Blues có thời đã được tôn sùng ở cả Anh lẫn Mỹ với những tên tuổi lẫy lừng như “Thượng đế” Eric Clapton hay “Chúa tể guitar” Jimmy Page. Và có thể nói, nếu không có Blues, chắc chắn sẽ không có Rock’n’Roll, thể loại âm nhạc tiêu biểu của thế kỷ 20.


Hình ảnh
Những nhạc công đang chơi Blues trên đường phố New Orleans


Chơi blues dễ hay khó?

Đối với một người được đào tạo về âm nhạc một cách bài bản, chính thống, nhạc Blues không phải là thứ nhạc bác học phức tạp đòi hỏi một trình độ cảm âm thiên phú hay kỹ thuật diễn tấu điêu luyện. Bởi một lẽ đơn giản, nhạc Blues không phải được những nhạc sĩ tầm cỡ như Mozart hay Bach sáng tác mà do những người có thân phận thấp kém nhất trong xã hội Mỹ thế kỷ 19 sáng tạo ra dựa vào vốn kiến thức âm nhạc ít ỏi của mình và những nhạc cụ đơn giản nhất. Một bài nhạc Blues tiêu biểu được chơi bằng nhịp 4/4 với tốc độ chậm vừa phải trên vòng lặp 12 khuôn nhạc của ba hợp âm I (chủ âm), IV (hạ át âm) và V (át âm).

Khác với âm nhạc phổ thông phương Tây với hệ thống 7 nốt nhạc, giai điệu của nhạc Blues được xây dựng trên thang âm ngũ cung (năm nốt nhạc) với các nốt 3 và 5 được chơi thấp hơn nửa cung với các nốt 7 và 9 được đưa vào để tăng hiệu ứng “sầu thảm”. Nhạc cụ chủ đạo để chơi Blues là những nhạc cụ rẻ tiền dễ kiếm nhất như guitar thùng và harmonica. Để tối giản hóa những thế bấm hợp âm phức tạp, những nhạc sĩ Blues đã nghĩ ra cách lên dây đàn theo các hợp âm mở (open tuning) với các hợp âm Mi trưởng, Sol trưởng, Rê trưởng hay La trưởng. Với cách lên dây này, chỉ với một ngón tay hoặc cán con dao nhíp, người chơi nhạc có thể dịch chuyển trên một số ngăn cố định trên cần đàn để chơi những hợp âm cần thiết.

Phần ca từ của một ca khúc Blues cũng được tối giản hết mức và được lặp đi lặp lại do sự hạn chế về mặt từ vựng và ngữ pháp của người da đen đối với tiếng Anh chuẩn. Những lỗi về mặt ngôn từ và cú pháp của mình như “gonna, Ain’t, wanna, whole lotta, she done me no good…” nhờ sự phổ thông của Blues lại trở thành một phần đặc trưng của tiếng Anh kiểu Mỹ. Mặc dù không phức tạp, nhạc Blues lại không phải là một thể loại nhạc dễ chơi ra chất. Vì để chơi được Blues, người chơi trước tiên phải cảm được nó, cảm được nỗi buồn, nỗi cơ cực của người sáng tác thì mới có thể thả cái hồn của mình hòa quyện vào từng nốt luyến (slide) hay nhíu dây (bend) đầy tâm trạng được.

Hình ảnh
B.B.King, một trong những ông vua nhạc Blues


Các thể loại chính

Thể loại Blues nguyên thủy được gọi là “Delta Blues” (nhạc Blues châu thổ) xuất phát từ Mississippi và Georgia với nghệ sĩ tiên phong Robert Johnson, người gắn liền với huyền thoại bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy tài đàn hát và là nghệ sĩ Blues được Eric Clapton hết mực tôn sùng. Đặc điểm của thể loại Blues này là kỹ thuật diễn tấu bằng ống slide (được cải tiến từ cổ chai rượu hay cán dao nhíp) trên cần đàn tạo nên những âm thanh đặc trưng. Khi di cư sang Memphis, cái nôi của nhạc Country, nhạc Blues lập tức kết nạp các nhạc cụ Country như violin hay mandolin để tạo ra Memphis Blues mang hơi hướng nhạc đồng quê. Những năm 50 của thế kỷ trước, nhạc Blues theo chân các chàng trai da đen lên những thành phố lớn như Chicago để đổi đời. Thế là thể loại Blues thành thị (Chicago Blues) cũng từ đó ra đời với tiếng harmonica mê hoặc. Với sự giúp đỡ của một người da trắng mang tên Leonard Chess, ông chủ của hãng đĩa Chess nổi tiếng, hàng loạt tài danh Chicago Blues đã được biết đến như Muddy Waters, Little Walter, Howlin’ Wolf và Etta James. Cũng từ thập niên 1950, nhạc Blues dần lan rộng ra miền Viễn Tây Hoa Kỳ, kết hợp với thể loại nhạc Country & Western ở các quán bar honky tonk để tạo thành thể loại Boogie Woogie với phần đệm piano rất sôi nổi.

Ở New Orleans, Blues kết hợp với nhạc kèn đồng của nhạc Jazz với tên gọi Big Band Blues nhưng cuộc se duyên này có vẻ không được mặn nồng lắm. Rời bỏ những nơi trần tục, Blues vào nhà thờ hóa thân vào những bài thánh ca được diễn xướng bằng dàn đồng ca nữ để tạo ra thể loại Gospel đầy cảm xúc. Khi cảm xúc dâng trào đến cực điểm khiến người hát không còn có thể đứng yên một chỗ nữa mà phải giật, lắc, gào thét hay khoa chân múa tay để âm nhạc phát tiết ra cùng với tâm hồn, nhạc Soul cũng từ đó mà hình thành với ông vua “Soul” James Brown.

Cũng trên đà phát triển của mình, nhạc Blues và Gospel được chơi với tiết tấu dồn dập của trống đã tạo ra thể loại R&B, tiền thân của Rock’n’Roll. Và khi âm nhạc được điện khí hóa bằng guitar điện và bass điện, Electric Blues ra đời với những đại diện nổi tiếng như B.B.King, Buddy Guy hay Johnny Lee Hooker. Và thật thiếu sót nếu kết thúc bài viết mà không kể đế thể loại Blues Rock đỉnh cao của thập niên 1960-1970 với tiếng đàn guitar bị bóp méo huyền ảo. Điều kỳ lạ là những người làm nên tên tuổi cho thể loại này lại là những nghệ sĩ Anh da trắng mắt xanh như Eric Clapton, Jimmy Page hay Jeff Beck. Điều này chứng tỏ nhạc Blues không phải là thứ âm nhạc của màu da mà là thứ âm nhạc của tâm hồn, những tâm hồn đa cảm.


Huỳnh Chí Viễn
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện, power saving, thực phẩm chức năng

Những ông thần Blues

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng mười hai 28, 2015, 11:07 am

Họ được phong thánh trong ngôi đền Blues, họ được các thế hệ tôn sùng như thủy tổ Blues, họ đặt những viên gạch xây nên ngôi đền của những vị thánh và đến giờ ánh sáng của ngôi đền đã tỏa đi khắp nơi.

Tiên phong

Nhắc đến Blues mà không nhắc đến Robert Johnson (1911-1938), người đặt nền móng cho dòng Delta Blues, chẳng khác nào bảo xe hơi chạy không cần bánh xe. Trong cuộc đời 27 năm ngắn ngủi của mình, Robert Johnson để lại rất ít những bản thu âm hoàn chỉnh, và hơn 20 năm sau khi ông mất, người nghe nhạc mới thực sự biết đến danh tiếng của ông. Cuộc đời của Robert Johnson cũng là một ẩn số vì thông tin ghi chép về ông không nhiều. Có lẽ huyền thoại nổi tiếng nhất về Robert Johnson là ông đã bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy tài năng đàn hát siêu việt và vì điều đó năm 27 tuổi, ông đã mất tích một cách bí ẩn. Về sau sự thật về cái chết của Robert đã được làm sáng tỏ. Robert Johnson sau một cuộc cãi vã nơi quán rượu đã bị kẻ thù hạ độc bằng cách bỏ hạt mã tiền vào chai whisky ông đang uống. Robert Johnson chết sau ba ngày vật vã hấp hối. Khi nói về Robert Johnson, những bậc thầy của dòng Blues Rock guitar sau này như Eric Clapton và Keith Richards đều không tiếc lời tán dương ông như một “nghệ sĩ Blues quan trọng nhất đã từng sống trên đời”.


Hình ảnh
Robert Johnson, một trong những nghệ sĩ Blues quan trọng nhất đã từng sống trên đời


Thời kỳ hoàng kim của nhạc Blues là giai đoạn từ cuối thập niên 40 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ trước khi hai anh em nhà Chess là Leonard và Phil thành lập nên hãng đĩa Chess trứ danh và chiêu mộ các anh tài nhạc Blues về đây tụ hội. Đây là nơi những tên tuổi huyền thoại của dòng Chicago Blues và Electric Blues như Muddy Waters, Little Walter, Willie Dixon, Bo Diddley và Howlin’ Wolf đã được ghi danh bằng những đĩa nhạc bất hủ. Là người da trắng gốc Do Thái, Leonard Chess lại có một tình yêu mãnh liệt đối với nhạc Blues. Với sự thành lập của hãng đĩa Chess, Leonard đã biến những nghệ sĩ Blues vô danh trở thành những ngôi sao sáng giá với những hợp đồng thu âm và lưu diễn hấp dẫn. Và cũng nhờ hãng đĩa Chess mà người yêu nhạc ở Mỹ và trên thế giới mới có được những bộ sưu tập đĩa LP có giá trị của nhạc Blues. Nếu hãng đĩa Atlantic nổi danh với nhạc Rock, Motown đồng nghĩa với Soul. Sun là bệ phóng của các anh hùng Country Rock thì Chess xứng đáng được tôn vinh như cái nôi của dòng Electric Blues. Tiếc thay, đến cuối thập niên 1960, hãng đĩa Chess lâm vào tình trạng nợ nần khốn đốn dẫn đến phá sản. Leonard Chess chết do bệnh tim ở tuổi 52, vài tháng sau khi sang nhượng lại hãng đĩa của mình cho General Records năm 1969.

Nhắc đến Blues mà quên kể đến B.B.King thì có thể coi như chiếc xe ô tô không có vô-lăng. Chịu ảnh hưởng từ hai nghệ sĩ Jazz Blues huyền thoại là T-Bone Walker và Charlie Christian, B.B.King đã tạo được dấu ấn riêng của mình với tài chơi guitar đầy ngẫu hứng và chất giọng tenor tuyệt vời. Giờ đây, ở tuổi ngoài tám mươi, mặc dù phải ngồi xe lăn khi di chuyển, ông vua nhạc Blues vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong các buổi liên hoan nhạc Blues, nhất là trong Festival Blues thường niên Crossroad do Erip Clapton tổ chức.

Không như những thể loại nhạc khác, nhạc Blues có vẻ không phải là một sân chơi cho nữ giới. Hầu hết tất cả các huyền thoại Blues đều là giới mày râu. Tuy nhiên, người được trả cát-sê cao nhất trong giới nhạc Blues lại là một ca sĩ nữ. Trong sự nghiệp khá ngắn ngủi và đầy những thăng trầm của mình, Bessie Smith (1889-1937) đã từng được trả 50.000 USD cho một buổi diễn, một số tiền kỷ lục đối với một phụ nữ da đen thời kỳ đó. Được tôn vinh là “Nữ hoàng của dòng Big Band Blues”, Bessie Smith đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách của rất nhiều nữ nghệ sĩ Blues, Gospel và Blues Rock sau này, trong đó có thể kể đến Etta James và Tina Turner.

Người kế nghiệp xuất sắc của Bessie Smith trong giới nhạc Blues nữ là Etta James. Ký hợp đồng với hãng Chess từ cuối thập niên 1950, Etta James dần trở thành một tên tuổi quan trọng và là đối thủ cạnh tranh với nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin của hãng Atlantic trong suốt hai thập niên 60 và 70 thế kỷ trước. Cuộc đời của bà đã được nữ ca sĩ Beyonce Knowles thể hiện lại khá thành công trong bộ phim Cadillac Records nói về hãng đĩa Chess môt thời vang bóng.

Blues bên kia bờ Đại Tây Dương

Ở Anh, nhạc Blues đến với công chúng muộn hơn so với Mỹ nên ít chịu sự kỳ thị so với quê hương của nó. Những cái tên như Muddy Waters, Howlin’ Wolf hay Bo Diddley sau những chuyến lưu diễn ở Anh còn được tôn sùng hơn cả ở quê nhà. Tất cả đều nhờ công của hãng đĩa Chess. Dòng Chicago Blues của nước Mỹ khi sang đến Anh đã phát triển một cách nhanh chóng và sản sinh ra những huyền thoại guitar kiệt xuất như Eric Clapton (nhóm The Yardbirds, Cream), Jimmy Page (nhóm The Yardbirds, Led Zeppelin), Jeff Beck (nhóm The Yardbirds, Jeff Beck group) và Keith Richards (nhóm Rolling Stones).


Hình ảnh
Eric Clapton, Jimmy Page, Jeff Beck - 3 tay guitar rất được nể trọng của Blues


Đối với người Anh, nhạc Blues được chơi với tiết tấu nhanh mạnh, dồn dập và tiếng đàn guitar điện bị biến dạng gọi là R&B. Và dĩ nhiên nói đến Blues Anh quốc, không ai có thể quên được nhóm The Yardbirds với thành phần gồm ba tay guitar thuộc hàng siêu đẳng: Eric Clapton, Jeff Beck và Jimmy Page. Mặc dù The Yardbirds không tồn tại lâu, nhưng tên tuổi của ba tay guitar kia đã trở thành bất tử đối với người yêu âm nhạc bằng những sự nghiệp riêng quá ư lừng lẫy. Riêng với Eric Clapton, mặc dù sau này vẫn nổi tiếng với nhiều thể loại như Rock, Psychedelic, Soul, Pop… ông vẫn trung thành với nhạc Blues, thể loại nhạc đã mang đến cho ông danh xưng “Chúa trời”. Chính ông đã khiến giới hâm mộ của thế hệ 9X tìm về nguồn cội của nhạc Blues bằng việc giới thiệu những album thu chung với B.B.King và cả một album chơi lại những ca khúc của huyền thoại Robert Johnson. Và để tỏ lòng tri âm với nhạc Blues, từ năm 2007 đến nay, Eric Clapton đã tổ chức festival guitar nổi tiếng Crossroad, lấy tên dựa trên một ca khúc nổi tiếng của Robert Johnson, để tụ tập các tài danh từ B.B.King, Buddy Guy tới những nghệ sĩ của những thế hệ sau.

Ma mị và biến ảo là những gì có thể miêu tả về tiếng đàn của Jimmy Page, trụ cột của nhóm Rock huyền thoại Led Zeppelin. Từ khi còn chơi cho The Yardbirds, Jimmy Page đã mang đến cho nhạc Blues một âm hưởng siêu thực với kỹ thuật bowing (dùng vĩ kéo đàn violon để chơi trên guitar điện) hoặc dùng anten theremine để làm méo tiếng guitar. Trong thời gian tung hoành với Led Zeppelin, Jimmy Page đã cover lại bản Blues kinh điển của Muddy Waters và Willie Dixon bằng phong cách psychedelic huyền ảo độc đáo. Và khi Led Zeppelin tung ra ca khúc Since I’ve Been Loving You trong album Zoso thì hết thảy các anh tài guitar dòng Blues Rock đều ngả mũ bái phục trước tiếng đàn của Page.

Rất ít khi khoa trương về tài nghệ cũng như không thiên quá về kỹ thuật, tiếng đàn Blues của Keith Richards, một trong hai trụ cột chính của nhóm Rolling Stones, lại khiến những người hâm mộ hoài cổ xúc động vì vẻ đẹp tinh khiết của nó. Thần tượng Muddy Waters và Howlin’ Wolf, nhóm Stones thời kỳ đầu mới thành lập đã cover lại rất nhiều bản Blues kinh điển của Chess Record cho tới khi tìm được con đường riêng của mình. Mặc dù vậy, những sáng tác sau này của Keith Richard và Mick Jagger vẫn mang nặng dấu ấn của Chicago Blues với những câu riff guitar đơn giản nhưng hiệu quả và tiếng kèn harmonica ảo não.


Huỳnh Chí Viễn
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện, power saving, thực phẩm chức năng


Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron