Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu

Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng một 08, 2014, 12:47 pm

Tôi cũng chẳng nhớ mình biết bài thơ này từ lúc nào, nhưng chắc chắn câu "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" tôi đã thuộc lòng từ hồi còn nhỏ lắm. Và hình như không chỉ có tôi, ở miền Nam câu thơ này không mấy ai là không biết, cho dù cũng chẳng mấy người hiểu được tường tận ý nghĩa, xuất xứ của bài thơ, nhưng có lẽ cái chất vừa lãng mạn, vừa bi tráng ấy phù hợp với tâm trạng của một dân tộc phải thăng trầm trong những cuộc chiến tranh, nên bài thơ ấy đã có sức lan tỏa rộng khắp và sống bền bỉ trong lòng người đọc nhiều thế hệ. Mãi sau này tôi mới biết ấy là bài “Lương Châu từ”của nhà thơ thời Thịnh Đường - Vương Hàn và xung quanh nó còn biết bao điều đáng nói.

tuyngoasatrangquanmactieu.jpg


Lương Châu là miền đất biên cương của Trung Hoa và các nước Tây Vực thời xưa, nay thuộc Vũ Uy, tỉnh Cam Túc – cố hương của rượu Bồ Đào Trung Quốc nức tiếng và là biên trấn quan trọng nhất của con đường tơ lụa.

Nằm ở vị trí yết hầu của tuyến đường giao thông giữa Trung Hoa và các nước phía tây, nên từ thời Hán Vũ Đế đến Tùy -Đường nơi đây luôn là chốn phồn hoa - nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các tộc Hán, Hồi, Mông ,Thổ; các triều đại Tiền Lương, Hậu Lương, Nam Lương, Bắc Lương và cả triều đình nước Đại Lương cuối đời Tùy cũng đều chọn chốn này làm kinh đô. Vào thế kỷ thứ 3 Thiền sư Cưu Ma La Thập đã đến đây thuyết pháp và Đại Pháp sư Huyền Trang đời Đường cũng đã từng đặt chân đến đây trên con đường tìm đến đất Phật.

Từ vị trí đặc thù, cùng với bao thăng trầm lịch sử đã hun đúc cho Lương Châu trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng, giữ gìn những dòng văn hóa rực rỡ như: Văn hóa Ngũ Lương, Văn hóaTây Hạ, Văn hóa Phật Giáo; trở thành miền đất thấm đẩm sắc màu văn hóa dân gian đa sắc tộc, với muôn vàn danh lam kỳ tích. Thử hỏi, một miền đất như vậy thì lấy đâu ra những “chiến trường”, “biên tái”với cảnh sắc và lòng người đầy tiêu sái như các bài “Lương Châu từ” lừng danh kim cổ ?

Vào những năm Khai Nguyên (713 – 741) đời Đường Minh Hoàng, Tiết Độ Sứ Lũng Hữu là Quách Tri Vận sưu tầm được một bản nhạc phổ của người Tây Vực và dâng lên cho nhà Vua. Vốn là người rất yêu âm nhạc, Đường Minh Hoàng bèn giao cho các nhạc sư nghiên cứu để chuyển soạn khúc nhạc này sang điệu hát Trung Hoa và lấy tên là “Lương Châu ca”. Về sau bài hát nhanh chóng lan truyền ra khắp chốn và trở thành khúc nhạc nổi tiếng đương thời. Nhiều nhà thơ tên tuổi đã viết lời cho khúc nhạc ấy và lời ca này đều có tên chung là “Lương Châu từ”, nghĩa là lời của “Khúc hát Lương Châu”, trong đó có bài của nhà thơ Vương Hàn và Vương Chi Hoán là nổi danh hơn cả. Có điều, hầu hết những bài “Lương Châu từ” còn giữ được đến nay đều có nội dung viết về vùng biên tái và tâm trạng của những chiến binh đi trấn biên thùy, chứ không viết về Lương Châu phồn hoa đô hội:

“Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian,
Nhất phiến cô thành vạn nhận san.
Khương địch hà tu oán dương liễu.
Xuân phong bất đáo Ngọc Môn Quan.”


Tạm dịch:
“Hoàng Hà trôi giữa ngàn mây trắng,
Một mảnh thành con, núi chập chùng.
Thổi chi tiếng địch nhớ nhung,
Ngọc Môn Quan – chốn gió xuân không về.”

Ngọc Môn Quan là cửa ải của Trung Nguyên và Tây Vực, nằm cách Thành Đôn Hoàng chừng 90 km, được xây dựng từ thời Hán Vũ Đế và được trùng tu qua các triều đại phong kiến Trung Hoa. Khi con đường tơ lụa được mở ra, khách buôn ngọc từ Hòa Điền – Tân Cương đến Trung Nguyên đều phải qua cửa ải này, do đó mà thành tên gọi. Thời bình là cửa ngõ thông thương, còn thời chiến thì nơi đây chính là bãi chiến trường.Cảnh quan và khí hậu nơi ở Ngọc Môn Quan hết sức khắc nghiệt nhưng vô cùng kỳ thú, thêm vào đó những ký ức chiến tranh đã tạo nên cảm xúc bi tráng cho dòng thơ biên tái đời Đường nói chung và những “Khúc hát Lương Châu” nói riêng, mà bài “Lương Châu từ” (còn có tên là Xuất tái) của Vương Chi Hoán nêu trên là một điển hình.

Bài thơ viết về nỗi nhớ quê hương của người lính thú nơi biên ải, rất da diết, nhớ thương nhưng không hề bi lụy; chất bi tráng của lời thơ đọng trong từng câu chữ. Hai câu mở “Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian/ Nhất phiến cô thành vạn nhận san,” đã vẽ nên một bức tranh lay động lòng người: Đứng trên Ngọc Môn Quan dõi mắt nhìn xa về phía tây là một vùng cao nguyên hoang liêu, và dòng Hoàng Hà cứ như từ trong dãi mây trắng lưng trời tuôn xuống cuồn cuộn chảy về đông. Trong bối cảnh trời đất mênh mông ấy, một mảnh thành nhỏ bé hiện lên giữa trùng điệp núi đồi mà con sông Hoàng Hà như dãi lụa mềm nối liền trời xanh mây trắng với mảnh thành và chập chùng đồi núi biên cương tạo thành một bức tranh tả ý về vùng biên tái phía Tây Trung Hoa thật sống động. Nhà thơ đã khéo thu nhỏ một "ô tòa thành lũy" lại còn “một mảnh thành con”, rồi đem “một mảnh thành con” ấy đối tỷ với “muôn trùng đồi núi” để làm tăng thêm cái cảm giác cô đơn, thương cảm cho người đọc: Cái thành con nhỏ bé ấy như một lá thuyền phiêu bạt giữa đại dương; như một làn mây trắng lẻ loi giữa trời đất vô cùng. Mà xem ra, sự nhỏ bé đơn độc ấy, cũng chẳng thấm vào đâu nếu so với sự cô độc đến cùng cực của những người lính thú nơi miền gió cát.

Từ cảm giác cô đơn ấy, tác giả đã chuyển mạch giọng văn: “Khương địch hà tu oán dương liễu. Xuân phong bất đáo Ngọc Môn Quan”, để nói đến tâm trạng của người chinh phu nơi biên tái. Hai câu thơ này làm ta liên tưởng đến bài “ Lương Châu từ” thứ hai cũng của Vương Hàn:

“Tần Trung hoa điểu dĩ ưng lan,
Tái ngoại phong sa do tự hàn.
Dạ thính Hồ già chiết dương liễu,
Giao nhân ý khí ức Trường An.”


Tạm dịch:
Tần Trung hoa điểu báo xuân tàn,
Gió cát biên thùy rét tận gan.
Đêm lắng sáo Hồ câu “Chiết liễu”,
Xui lòng chinh khách nhớ Trường An.”


Cả hai bài đều nhắc tiếng sáo Hồ và khúc nhạc “Chiết Dương liễu”, nhưng nội hàm thì có đôi phần dị biệt. Vào thời xa xưa, người Trung Hoa có tục bẻ cành dương liễu trao nhau những lúc chia xa, đến đời Đường thì tục này đã rất phổ biến. Trong cách đọc của người Trung Hoa, “Liễu” và “Lưu” là hai từ hài âm, tặng cành dương liễu do đó còn là để nhắc nhau luôn giữ gìn tình cảm:

“Thướng mã bất tróc tiên,
Phản ảo dương liễu chi.
Hạ mã thôi hoành địch,
Sầu sát hành khách nhi.”

(Lời ca bài “Chiết dương liễu chi” thời Bắc Triều.)

Tạm dịch:
“Lên yên chẳng cầm roi.
Lại bẽ cành dương liễu.
Xuống ngựa thổi khúc sáo,
Lòng khách buồn bao nhiêu?”


Vì vậy, dương liễu và biệt ly có mối liên hệ với nhau rất là mật thiết. Cho nên, giữa cảnh đất trời hoang liêu của vùng biên tái, người chinh phu lại nghe tiếng sáo trỗi giọng nỉ non bài “Chiết dương liễu”, thì làm sao không chạnh nỗi sầu ly biệt? Khương địch hà tu oán dương liễu/Xuân phong bất đáo Ngọc Môn Quan. Ở câu ba, tác giả đã không dùng cụm từ “chiết dương liễu” mà lại dùng “oán dương liễu”, ý chừng tác giả không muốn trực tiếp nhắc đến tên của khúc hát; đồng thời qua từ “oán” khơi gợi cho người đọc nhiều mối liên tưởng khác nhau, đấy chính là điểm sâu sắc mà không phải bài thơ nào cũng có. Ở ngữ cảnh này, người đọc càng cảm thông hơn với số phận của người chinh phu, ý thơ vì thế càng thêm thấm thía. Ngọc Môn Quan - nơi gió xuân không đến, dương liễu không xanh - chinh khách có muốn bẽ một cành dương liễu để gửi gắm tâm tình cũng không sao có được; nỗi sầu ấy há chẳng phải còn trĩu nặng hơn cái lúc chia tay bẽ liễu trao cành(?). Trong tập “Thăng Am thi thoại”, nhà phê bình đời Minh Dương Thận có nhận xét: “Hai câu thơ trên hàm ý những gì tốt đẹp sẽ không thể nào đến được với miền biên tái này, cánh cửa quân vương vẫn còn cách xa chốn này ngàn vạn dặm”. Và có lẽ vì thế mà hai câu thơ trên đã được những khách hàn mặc xưa nay xem là tuyệt cú.

Thế nhưng, các bài “Lương Châu từ”, trong đó có cả bài “Xuất tái” của Vương Chi Hoán hầu như đều bị mờ đi trước sự chói chang của bài “Lương Châu từ” của Vương Hàn:

“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.”


Dịch thơ:
“Bồ đào rượu ngát chén lưu ly,
Toan nhắp tỳ bà đã dục đi.
Say khướt chiến trường anh chớ mĩa,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.”
(Trần Nam Trân)

Vương Hàn (ước 687-726), tự là Tử Vũ, người Tấn Dương – Tinh Châu (nay thuộc Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Ông là một trong những nhà thơ tên tuổi của trường phái thơ Biên tái thời Thịnh Đường. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thư hương giàu có giữa thời thịnh trị, đã tạo cho ông lối sống phóng khoáng ngay từ thời tuổi trẻ. Ông thích giao du và trượng nghĩa nên có nhiều bè bạn vây quanh. Trong nhà ông có nuôi nhiều ngựa quý và có cả một ban kỷ nhạc để mua vui cho môn khách, suốt ngày sống trong thơ nhạc, tiệc tùng. Hai đời Thứ Sử Tinh Châu là Trương Gia Trinh và Trương Thuyết đều có giao du thân mật với ông.

Năm Khai Nguyên thứ 9 (721), Trương Thuyết về triều nhậm chức Tể tướng bèn tiến cử ông vào chức Bí thư Chính tự trong triều. Nhưng cuộc đời hoạn lộ xem ra không phải là mệnh của ông, nên năm 726, khi Trương Thuyết thất sủng bị đưa về làm Thứ Sử đất Tương Châu thì ông cũng bị biếm về làm Biệt giá ở Tiên Châu, và lối sống phóng túng pha phần cao ngạo của ông đã không được lòng cấp trên và đồng sự nên một lần nữa ông lại bị biếm đi làm Tư mã Đạo Châu. Sau đó, ông xin từ quan trở về nhà làm thơ, uống rượu.
Vương Hàn để lại cho đời không nhiều thơ, nhưng mỗi bài của ông là mỗi giai phẩm lay động lòng người, trong đó bài “Lương Châu từ” được xem như một thiên cổ tuyệt bút, là đài hoa rực rỡ sắc hương trong vườn hoa “Đường thi” lộng lẫy. Nó không chỉ được người Trung Hoa yêu quý, mà còn được cả những người yêu văn học của thế giới ngợi ca. Đặc biệt, ở nước ta bài thơ được phổ biến hết sức rộng rãi, có ảnh hưởng sâu sắc đối với nhiều nhà thơ và công chúng – từ người dân quê đến bậc trí giả.

Bài thơ viết về một cuộc liên hoan của những người lính biên thùy sau trận chiến. Từ câu đầu, bài thơ đã mở ra một khung cảnh chói chang, lộng lẫy, đậm đặc sắc màu vùng Tây Bắc Trung Hoa với cuộc sống khốc liệt mà tươi nguyên của những người lính biên thùy: Rượu bồ đào đỏ thắm, chén dạ quang sáng ngời, tiếng tỳ bà dục dã… bùng cháy lên trong tim người chiến sĩ biên thùy biết bao niềm cảm khái và làm choáng ngợp cảm xúc người đọc ngay tức khắc.

Từ sự mở đầu mạnh mẽ ấy, tác giả bỗng chuyển mạch mô tả tâm trạng của người lính bằng giọng văn có chút khoa trương pha lẫn chút hài hước đã làm nổi bật tính chất bi tráng của bài thơ: "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi."

Nhà phê bình đời Thanh Thi Bổ Hoa đã viết về hai câu thơ ấy như sau: “Tác bi thương ngữ độc tiện thiển, tác hài hước ngữ độc tiện diệu…”. (Dùng lời lẽ bi thương khi đọc sẽ thấy cạn, dùng lời lẽ hài hước đọc lên lên mới thật là hay…). Nhận xét ấy quả là xác đáng. Bởi vì, việc đối mặt với chiến tranh của người lính đâu phải chỉ có một lần, mà là chuyện “cổ lai” luôn xảy ra. Vì lợi ích riêng, tự ngàn xưa các giai cấp thống trị luôn tìm cách phát động chiến tranh, đẩy hàng ngàn, hàng vạn tướng sĩ ra ngoài mặt trận và rồi có mấy ai may mắn trở về. Bài thơ là tiếng nói phản đối chiến tranh, nhưng không nói lên bằng những lời ai oán, ngược lại tác giả đã bày tỏ sự phản chiến bằng bút pháp hết sức hào sảng, khoáng đạt. Qua đó cho thấy những người lính đã qua chai sạn trước hiểm nguy, họ đành xem cái chết như một sự trở về. Hình ảnh ấy được khắc họa với dáng vẻ ngạo nghễ một cách bi tráng. Vì vậy mà trong “Đường thi biệt thái tập” đã có nhận xét về hai câu thơ này như sau: “Cố tác hào phóng chi từ, nhiên bi cảm dĩ cực”. (Cho nên cách dùng từ hào phóng ấy, đã đẩy cảm giác bi thương lên cực điểm). Đấy chính là chỗ “diệu” của bài thơ vậy!

Về cấu trúc, bài thơ là một phá cách đầy thú vị như chính cách sống đầy phóng túng của tác giả. Trong đó, câu hai “Dục ẩm/ tỳ bà mã thượng thôi”, đã phá vỡ thói quen về nhịp điệu của thơ thất ngôn Đường luật. Bằng cú pháp 2/5 tác giả đã tạo cho bài thơ nhịp điệu mới lạ, làm cho người đọc cảm giác chếnh choáng như vừa uống xong chén rượu, cảm xúc vì thế cũng tăng mạnh thêm hơn và cũng từ đó tạo nên nhiều bàn luận xưa nay.

Do thói quen, nên nhiều người đã chia nhịp câu này theo nhịp 4/3, và dẫn đến cách hiểu cụm từ “tỳ bà mã thượng thôi”có nghĩa là :“tiếng tỳ bà dục dã người lập tức ra trận”. Thực ra, ngày nay qua các cứ liệu văn hóa học đã cho thấy cách hiểu này là không đúng. Bởi vì, đơn giản vào thời ấy người Tây vực thường chơi đàn tỳ bà khi ngồi trên yên ngựa. Còn nếu hiểu “mã thượng” có nghĩa là “ngay tức thì” là hiểu theo cách nói của người Trung Hoa ngày nay chứ ngày xưa thì không như thế. Tuy vậy, sự tranh luận về câu thơ này đến nay cũng chưa đến hồi kết thúc. Nhưng thiển nghĩ, đấy cũng chính là sức sống của bài thơ.

Hơn ngàn năm đã trôi qua, bài thơ vẫn tươi nguyên hồn đương đại. Bởi vì thế giới này vẫn còn đó chiến tranh, vẫn còn những người ra đi không trở lại. Chiến tranh và nỗi buồn chiến tranh vẫn đang là nỗi ám ảnh của loài người. Có phải vì thế chăng mà đến nay bài “Lương Châu từ” và những điều xung quanh nó vẫn tiếp tục được người yêu thơ quan tâm, bàn luận.

Còn tôi, cũng xin góp lòng vào cảm xúc của người xưa bằng cách hiểu riêng của mình về bài “Lương Châu từ” lừng lẫy này:

Bồ đào rượu quý vô vàn,
Rót tràn vào chén dạ quang đêm này.
Vừa nâng chén ngọc trên tay,
Trên yên dục dã tiếng tỳ bà vang.
Mai say khướt chốn sa tràng,
Bạn ơi xin chớ vội vàng cười chê.
Chiến tranh từ cổ đến giờ,
Mấy ai còn được trở về quê hương

Hình Phước Liên
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam
Handphone: 0
Tagsminh hà,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Quay về THƠ VĂN (Poem & Literature)

Points: 0

cron