Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Khiêu vũ Sàigòn hình thành và phát triển như thế nào?

Các vũ điệu giao tiếp Sài Gòn như Bebop, Twist, Tango, Rumba, Pasodoble, Valse..

Khiêu vũ Sàigòn hình thành và phát triển như thế nào?

Gửi bàigửi bởi docco » Tháng sáu 04, 2012, 3:04 pm

Lịch sử Khiêu vũ Sàigòn
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
docco
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
95.6%
 
Bài viết: 978
Ngày tham gia: Tháng hai 29, 2012, 2:38 pm
Đến từ thành phố: HCMC
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagskhiêu vũ, dance

Nhảy Đầm Lậu

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng hai 18, 2014, 4:38 pm

Nhảy Đầm Lậu
Viết bởi Trần Ngọc Phương


Tôi còn nhớ rất rõ buổi nhảy đầm lậu đầu tiên hôm ấy. Buổi party do người bạn tổ chức ngay trong trường Đại Học Sư Phạm nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng, ngôi trường trước kia là lớp học bây giờ đã trở thành khu nội trú tập thể cho gia đình giáo sư và nhân viên ngành sư phạm.

Khi chúng tôi đến đã có sẵn được năm sáu cặp, nghĩa là hơn chục người, đang quây quần trò chuyện vui vẻ, bên cạnh là bàn trái cây và nước ngọt được bày biện sẵn. Chúng tôi vừa ngồi xuống nhấm nháp chút nước ngọt thì nhạc khiêu vũ trổi lên, các bạn bắt đầu ra sân. Sàn nhảy nhỏ xíu độ khoảng bốn mét và sáu mét mỗi bên, chứa cũng vừa chừng đủ bấy nhiêu cặp nhảy. Bản nhạc này nối tiếp bản nhạc khác và điệu nhạc cũng thay đổi theo từng bài, nhưng tôi vẫn còn ngần ngại chưa ra sân. Tôi ngại ngùng vì lối nhảy các bạn có chút khác biệt với kiểu tôi từng biết, thêm nữa đây là lần đầu tiên nhảy cặp với một người phụ nữ khác trước mặt bà xã đang ngồi nhìn ra từ hàng ghế sát tường, cảm thấy không thoải mái lắm. Tôi không nhớ ai đã kéo tôi ra sân, nhưng khi bắt nhịp theo điệu nhạc thì tôi quên hẳn mọi thứ, cứ tự nhiên nhún nhảy, nhịp nhàng với partner đối diện. Chẳng mấy chốc tôi hoà đồng vào tập thể. Người ta nói thông qua lao động con người hiểu nhau hơn, thật đúng thế, chỉ vài bước nhảy đơn giản mà tôi kết thân với nhóm bạn nhảy này, không khí trở nên hào hứng. Bà xã và người bạn học, chủ xị party này, thấy không khí rộn rịp, cũng phấn khích ngồi chuyện trò rôm rả.

Sau buổi party ấy, bà xã cảm thấy trò chơi hào hứng, và biết được trong nhóm nhảy đó có Giao là vũ sư, cùng với Hùng, người nhảy khá thành thạo, là chủ lực của nhóm. Trong nhóm có cô Nguyệt, bạn đồng nghiệp với bà xã và cũng là người tôi quen biết từ thời những năm đầu đại học. Tất cả các bạn còn lại đều có tác phong lịch sự, tạo ấn tượng tốt, gây được niềm tin, nên bà xã muốn tham gia và nhờ họ tập dợt dùm. Gặp may, nhà của bạn Giao và Hảo, người em gái anh ta nhảy khá điêu luyện, ở gần kề nhà tôi, chỉ cách nhau con hẻm ngắn. Bà xã là người nhạy bén, phần nào nữa cũng gốc từ trường âm nhạc Đà Lạt, nên bắt nhịp rất nhanh, chẳng mấy chốc nắm vững những nhịp điệu cơ bản. Phần vì tôi đã thành thạo nhịp điệu nên bà xã rất yên tâm, đi với tôi không sợ sai nhịp. Nếu bước sai, người có lỗi là tôi, đương nhiên là thế, bà xã thì đâu có sai bao giờ.

Thế là từ đó, chúng tôi với các bạn ấy kết thành một nhóm, rồi dần dần qua các buổi party khác lại quen biết nhóm khác nữa, cứ thế mà lan rộng ra. Khi tổ chức ở đâu, địa điểm nào, họ hú nhau cho biết. Dĩ nhiên tất cả đều hoạt động bí mật, nếu bị bắt có khi phải bị nhốt vài ngày vì thời áy nhảy đầm không đượcphổ biến như bây giờ. Mỗi buổi nhảy được các bạn tổ chức kín đáo để qua mặt nhà chức trách. Nhóm nhảy có nhiều chiêu trò khá vui, như nhiều bạn nữ ăn mặc bình thường, đến tận nơi rồi vào phòng riêng thay đồ đẹp, thêm chút son phấn trước khi ra sàn nhảy. Hoặc để khỏi bị nghi ngờ, các bạn gởi xe một nơi cuốc bộ đến nơi khác để nhảy. Bạn nam có khi mang dép lào áo bỏ ngoài quần ra vẻ lè phè, rồi khi đến nơi mới rút đôi giầy từ túi xách ra mang vào, và vội vàng nhét áo vào quần cho nghiêm chỉnh, cho lịch sự, cho đúng điệu dân chơi... nhảy đầm lậu.

Qua những buổi nhảy đầm kín đáo bí mật này, tôi học thêm được nhiều điều mới mẻ nữa. Trong những buổi nhảy đầu tiên, tôi đã nhận ra lối nhảy của mình hơi xưa. Chẳng hạn, với Rumba bước nhịp cuối, chân tôi theo thói quen, đá nhẹ ra trước. Các bạn cười bảo xưa quá, thời trước (bảy lăm) như thế là đúng nhưng bây giờ thì khác, đừng dùng kiểu “Rumba đá nữa”, mà đến nhịp cuối khẻ chụm chân lại nên gọi là “Rumba chụm”. Với Tango, lúc trước tôi đi nhẹ nhàng phiêu bồng bây giờ tôi phải đổi lại đi khuỳnh tay thẳng lưng, mắt nhìn thẳng, giống như một con robot đang khiêu vũ. Hoặc là tôi được học hỏi thêm cách nhảy Bebop mà trước thời trước tôi chưa dịp được biết.

Vào thập niên sáu mươi phong trào giật A go go thịnh hành, sau đó cuối những năm sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi phong trào nhảy Twist rất phổ biến. Trong các đại nhạc hội ca vũ nhạc kịch hoặc trong các buổi văn nghệ của quân đội (trong khu gia binh) thế nào cũng có tiết mục biểu diễn điệu Twist, mà phần nhạc nền bao giờ cũng là bản “quai pao” (Wipe out) của ban nhạc The Ventures. Tôi đã xem không biết bao nhiêu lần cảnh các anh các chị trên sân khấu nhảy rất đẹp, rất vui. Cao trào là một người vừa lắc vừa quì ngửa chui lòn qua hai chân một người khác. Hoặc một người khác vừa nhảy vừa đi qua đầu người quì ngửa. Bây giờ nhảy Bebop lại phổ biến hơn Twist, chẳng mấy chốc tôi đâm ra thích thú với điệu nhảy này hơn tất cả những điệu khác, do tính nhịp nhàng sôi động và vui nhộn của nó, cho đến bây giờ sau mấy chục năm sự thích thú với điệu này cũng vẫn không thay đổi.

Môn chơi nào cũng có những cái khổ luyện của nó, “nghề chơi cũng lắm công phu” thật là đúng lắm. Để nhảy đẹp, bạn phải tập luyện đến toát mổ hôi cục, các bắp thịt phải ê ẩm, bởi những động tác cứ phải lập đi lập lại nhiều lần cho thuộc bước, cho khớp nhịp, cho thân hình uyển chuyển nhẹ nhàng. Khi cần cứng, thì lưng thẳng đơ như khúc gỗ biết đi như trong điệu tango. Khi cần mềm thì uyển chuyển rắn đang bò trong điệu Rumba.

Vào thời đầu sinh viên, một người bạn học đã dạy tôi chiêu nhảy Twist khá đặt biệt, rất ngộ nghĩnh. Bằng cách vào phòng tắm, đứng trước gương bật nhạc lớn, rồi nhún nhảy. Và tưởng tượng mình đang cầm chiếc khăn tắm, một tay đằng trước, một đằng sau, hai tay nắm chặt hai đầu khăn kéo căng ra, cứ thế mà chà xát kì cọ lưng theo nhịp nhạc. Theo cách tưởng tượng ấy, một tay ở bên trái một tay ở bên phải, ta chà xát quanh cổ. Rồi tay bên dưới, tay bên trên, ta kì cọ bả vai. Cứ thế, vòng tay xuống, ưỡn người lắc tới lắc lui, theo nhịp nhạc, cái này có vẻ hơi giống Micheal Jackson trong điệu nhảy “quái chiêu”, nẩy người bốc bộ đùm giật mạnh và hú lên một tiếng. Các động tác ấy phải tập nhiều lần cho khớp với tiết tấu nhịp điệu. Xong phần tay tiếp đến là phần chân. Lấy đầu mũi giầy dí dí vào cái tàn thuốc lá (tưởng tượng) trên nên gạch theo nhịp nhạc. Hoặc dùng gót giầy dí dí, hay xoáy xoáy, nhay đi, nhay lại vào con kiến, con cóc, con nhái, hay con gì đó (tưởng tượng) ở phía trước mặt, cho tiêu đời cóc nhái của nó luôn. Cứ thế, thay đổi chân này qua chân khác, lắc lư theo điệu nhạc. Cố gắng tập dợt các động tác chân và tay đó cho thật nhuần nhuyễn, cho thật thuần thục điệu nghệ. Và như thế là ta đã luyện thành công một điệu Twist tuyệt vời! Ta đã trở thành một cao thủ võ lâm trong điệu Lắc! Xí quên, trong điệu Twist.

Còn điệu Pasodoble có cách tập khác, không chui vô toilet hay phòng tắm được. Điệu này phải tập trong phòng trống, không bàn ghế, và phải thoáng đãng, tốt nhất là leo lên sân thượng mái nhà tập thì tốt hơn. Pasodoble xuất phát từ môn đấu bò của Tây Ban Nha bước đi ưỡn ngực thẳng người, thể hiện nét tự tin. Paso bước như đi duyệt binh, nghĩa là lưng thẳng, chân bước sải tới trước nhưng không đúng bước, phải bước ngắn thôi. Nếu bạn chân dài mà sải thẳng ra đúng bước, chỉ độ ba nhịp là lọt ra khỏi sàn nhảy, ồ không, lọt khỏi sân thượng, rơi xuống đất chết queo. Bước chân có vẻ xa nhưng đặt xuống thì gần, có thể nói là đường đi không đến, hoặc đến mà không tới. Nếu không biết kiềm chế bước đi bạn sẽ tông vào các cặp nhảy khác trên sàn nhảy. Điệu Pasodoble có nét đẹp quí phái lịch lãm trong bước đi và thường được chọn mở đầu cho các buổi khiêu vũ.

Mỗi cuối tuần, buổi sáng nghe tiếng nghe hú, là cả ngày đó rộn ràng, hồn lâng lâng như đi trên mây, các cặp lo thu xếp công việc nhà trong ngày cho gọn gàng, để buổi chiều rảnh rổi chuẩn bị cho buổi tối sắp đến. Những thứ như dày dép quần áo, được ủi, được đánh bóng cẩn thận, thỉnh thoảng là tập dợt lại các cú “phăng” cú “te” cho nhuần nhuyễn vừa mới học được, chúng tôi thường tập dợt ở nhà nhưng đôi khi chúng tôi chỉ bảo nhau ngay trên sàn nhảy những kiểu mới. Không gian sàn nhảy (lậu) thường chật hẹp, lại tối tăm (đèn mờ) nên cũng thường va chạm nhau, hay lạc mất nhau trong giây lát hay cả một điệu nhạc. Trong buổi nhảy đông người, nhiều khi đang 'phăng', người nam vừa buông tay tung bạn nữ ra, chưa kịp kéo lại, thì các cặp nhảy khác chen vào giữa, che chắn mất, tìm đâu cho thấy bạn mình về đâu. Thôi đành vào lại ghế ngồi chờ, còn cô bạn dớn dát tìm không ra cũng lùi tìm chỗ gần nào đó ngồi tạm. Đây chỉ là chuyện nhỏ, chuyện lớn là do bạn nhảy vụng, hoặc do sơ ý bạn dậm lên chân người khác. Cứ tưởng tượng khi bạn lui gót, cả gót chân với sức nặng năm sáu chục kí nhấn mạnh xuống mũi chân của người nữ sau lưng đang bước tới... Điếng người, kêu trời không thấu, có thấu đi nữa ông trời cũng nghe không rõ là tiếng con gì kêu, ngoài âm thanh ồn ào, và bước chân rầm rập. Lời xin lỗi hét lên chỉ thấy văng vẳng. Trong vũ trường bây giờ thì lớn chuyện, nhưng với chúng tôi khi đó, với tinh thần đoàn kết cao độ dù chẳng biết nhau, chẳng gặp nhau từ trước, và cũng sẽ chẳng gặp nhau sau này, chỉ tụ lại như bèo bọt rồi đường ai nấy đi, mà vẫn lịch sự chán. Khoả tay ra hiệu là không sao, rồi ôm chân bước vô lại chỗ ngồi. Đôi lúc nhiều chị nhiều cô ghiền quá ra (cà nhắc) nhảy tiếp. Lại thêm nữa, có khi bột phấn để làm trơn sàn nhảy rắc xuống hơi quá tay, các bạn nam cũng như nữ đang nhảy trợt chân ngã xuống té uỳnh uỵch như sung rụng, ê ẩm châu thân. Các bạn xuýt xoa cho bớt ê ẩm một chút, rồi lại nghiêm chỉnh đứng dậy đề-pa lại nhảy tiếp, cảnh tượng trông rất buồn cười. Ôi nhảy đầm đam mê thế là cùng!

Không phải cứ đến sàn nhảy là phải ra sân, tôi còn nhớ có lần, vài ba nhóm tụ họp lại tổ chức bên trong một con hẻm sâu ở ngã ba đường Kì Đồng và Trương Minh Giảng, đêm đó có khoảng chục cặp. Âm nhạc nổi lên, nhưng cái máy Cassette âm thanh nghe tệ quá, lại thêm nữa các bản nhạc chọn không gây hào hứng. Điệu Cha-Cha nhịp quá chậm, nghe đều đều dễ buồn ngủ. Tango thì chơi nhịp trống chỏi ở phần điệp khúc. Bài Bebop thì quá nhanh, nhưng nếu giật Soul thì thấy không hăng lắm. Tóm lại phần hoà âm của bản nhạc để cho ca sĩ hát, và để cho người ta nhắm mắt ngồi thưởng thức, chứ không phải để cho các buổi nhảy đầm. Nhạc khiêu vũ có nét riêng của nó, ban nhạc phải hoà âm khác đi một chút, họ phải lựa chọn tiết tấu và nhịp điệu phù hợp với điệu nhảy. Do đó ban nhạc hoà tấu nghe hay, chưa hẳn là ban nhạc đệm khiêu vũ giỏi, làm mọi người hưng phấn. Tôi không thấy hứng thú để ra sân, cộng thêm tâm lý lo ngại khu vực không kín đáo, có khả năng dễ bị phát hiện. Một thân hữu của nhóm (không biết khiêu vũ) được phân công đứng ở bên ngoài canh cửa, bạn ấy đã không làm tròn phận sự. Một lát bạn chạy vô coi nhảy nhót, một lát chạy ra ngoài canh chừng, cứ thậm thà thậm thụt như thế, có nguy cơ bị tóm cổ rất cao. Trong khi các bạn hăng say nhảy nhót dập dìu, tôi chỉ đứng nhìn và chút lo lắng. Dĩ nhiên về phần bà xã thì được các bạn khác mời liên tục vì tuy không nhảy giỏi nhưng khéo dìu dắt thì bà bước đi rất nhẹ nhàng. Kết thúc Party kéo dài mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng không ra sân đi bản nào cả. Khi ra về tôi chợt nảy ra một sáng kiến là tại sao mình không thu một tape nhạc nhảy đầm chọn lọc riêng.

Nhiều Party nhảy đầm đi qua tôi khó nhớ hết, nhưng có một tối nhảy đầm tôi lại chẳng bao giờ quên. Chiều tối hôm ấy, chúng tôi chuẩn bị đi party như thường lệ, tắm rửa sạch sẽ, ăn tối khá nhẹ không dám ăn no, chỉ tạm khỏi đói đến khuya mà thôi. Một cô bạn nhảy nhắn cho chúng tôi biết, hôm nay đi nhảy xa không phải trong vùng quận Ba, hay Phú Nhuận mà ở ngoại ô quận Bình Thạnh, bạn cho biết địa điểm để tới. Tôi chở bà xã và cùng mấy cặp bạn rủ rê nữa đến. Địa điểm tìm đến có chút khó khăn, phải đi vòng vèo qua nhiều ngỏ ngách, nhưng rồi cũng xong. Khi bước vô, thấy đó là một nhà kho lớn, trước cửa có một nhóm bốn năm người đứng thu tiền, họ tự động nói thu lệ phí tượng trưng một chút cho phần trái cây và nước ngọt. Họ cho biết số lượng hôm nay tham gia khá đông có thể lên đến tám chục cặp, có nghĩa là lên đến hơn một trăm rưỡi người. Nói là lấy tiền tượng trưng, nhưng tính ra không rẻ, bởi vì đi nhảy đầm lậu, đâu có ai có tinh thần ăn uống, chỉ nhấm tí nước lạnh đỡ khác khi toát mồ hôi mà thôi chứ không dám bia bọt như bây giờ. Móc túi trả số tiền lớn mà mình biết chỉ uống được ly nước chanh múc trong cái chậu xô bự (chẳng biết có vệ sinh không) đặt góc bàn kia thì thấy cũng chút đau lòng.

Nhưng không sao, dân chơi cầu ba cẳng mà, nỡ nào chút xíu tiền đó làm mình mất vui. Tôi hỏi cô bạn, ai đứng ra tổ chức, cô bạn nói bạn cô ấy nhắn cô đến đây vui chơi tối nay, chứ không thông báo rõ ai là người đứng ra tổ chức. Cô bạn tin lời bạn cô, còn tôi tin vào lời cô nói. Bạn tôi lại tin vào lời mời của tôi, cứ xây cù như thế đấy, không biết ai chủ xị đêm nay mà số lượng người tham gia đông đảo, coi như đạt kỉ lục đông nhất trong những buổi nhảy lậu tôi từng trải qua. Càng đông càng vui, số người hiện diện đã lên đến khoảng gần bốn chục cặp, và thời gian đã trễ gần một tiếng mà buổi nhảy chưa bắt đầu, mọi người xôn xao hối thúc, thôi thì đừng chờ nhau nũa. Một người đứng ra tuyên bố bắt đầu. Tiếng ồn ào râm rang dịu xuống, đèn phụt tắt. Tiếng nhạc điệu Pasodoble nổi lên, mọi người lục tục kéo nhau ra sân, chẳng mấy chốc sân chật kín. Tôi đang xem xét chung quanh, sân nhảy khá rộng thoải mái với bất cứ điệu nào, nhưng với Paso thì không đủ chỗ, bởi phạm vi hoạt động của điệu nhảy này khá rộng. Còn đang lưỡng lự có nên ra sân hay không. Bỗng nhiên có riêng ai đó hô lớn: Bố ráp. Thế là ánh đèn mờ heo hắt nhỏ nhoi cũng tắt ngấm, tiếng nhạc ngưng bặt, mạnh ai nấy khom người: Cong đuôi...lủi !

(Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không biết bị lừa để lấy tiền hay bị bố ráp thật)

Chuyện nhảy nhót tuy chơi trò ú tim như thế, nhưng tuổi trẻ sung mãn, cái vui vẻ sôi động lấn át nỗi sợ hãi hồi hộp. Tạm ngưng cho đỡ sợ vài tuần chúng tôi lại rủ rê bày cuộc chơi khác. Cứ thế tiếp tục. Cùng lúc tôi hỏi thăm lùng sục tìm những bản nhạc từ hải ngoại gởi về, lựa những bài hát phù hợp với không khí vui nhộn, chọn ra một số bài hát mà phần hoà âm theo đúng các điệu nhảy: Pasodoble, Rumba, Tango, Cha cha, Valse, Slow, Boston, Bebop, Twist, Soul. Nhạc từ hải ngoại rất khó tìm vào thời đó, vì chỉ có người bà con với người ở nước ngoài đem về mới có. Nếu có, người ta cũng nghe lén thôi, không dám nghe công khai, nên rất ngại khi mình hỏi mượn đem sang lại. Dần dần mấy tháng trời tôi cũng chọn ra được một tape nhạc khiêu vũ, với những bản nhạc mình thích. Nghe tới nghe lui thấy hay. Để cho chắc ăn, tôi phải tự nhảy hoặc cùng với bà xã thử hết tất cả những bản mình lựa chọn, cuối cùng cũng có một tape nhạc khiêu vũ vừa ý. Từ đó, buổi nhảy đầm nào cũng mang theo, và các bạn đa số dùng nhạc của tôi chứ không phải của gia chủ hay của người khác.

Người ta nói buôn có bạn, bán có phường, nhảy thì phải có nhóm. Có được một tape nhạc khiêu vũ vừa ý rồi, phần kế tiếp là rủ rê họp lại thành một nhóm riêng, gồm những người bạn của tôi và của bà xã, những bạn học cũ từ Sư phạm, Văn khoa, Luật khoa, Chính trị Kinh doanh Đà lạt...kết họp lại thành nhóm, có một số người chưa biết hoặc chưa rành thạo thì cố gắng tập tành, bởi thấy không khí bạn bè hoà đồng rất vui. Cuối cùng cũng hình thành được một nhóm bạn nhảy, chuyên nhảy đầm hàng tuần, gọi là nhóm yamaha (gọi thế vì cả nhóm nam nữ còn chơi với nhau trên sân quần vợt), dù bọn tôi lúc ấy chỉ ở lứa tuổi ba mươi mà thôi. Nhóm yamaha đầu tiên có bảy cặp gia đình bạn bè gồm các bạn Đẩu-Hà, Bảy-Liên, Khoan-Vinh, Toán-Oanh, Vinh-Thuỷ, Nho-Xuyến, sau đó tăng cường thêm ba cặp nữa là Minh-Lan, Hiền-Lan, Thiện-Thuý. Tổng cộng là mười cặp chẵn.

Từ khi có nhóm riêng - mà sự hình thành không phải có ngay, phải trải qua một thời gian lâu dài - tôi và bà xã không còn, hoặc rất ít khi đi với nhóm bạn nhảy hình thành lúc ban đầu (với các bạn Giao, Hảo, Nguyệt, Hùng, Sinh...) nữa. Chúng tôi nhảy đầm hàng tuần, luân phiên tổ chức ở từng nhà của mỗi bạn. Chuyện nhảy nhót trong thời điểm này tuy không bị ruồng bố căng thẳng như thời gian trước nữa, nhưng để an toàn bọn tôi cũng tổ chức kín đáo làm ra vẻ là một party sinh nhật hay tiệc mừng điều gì đấy, để tránh bị phiền toái. Như thế cứ xoay tour, căn nhà nào của mỗi bạn cũng bị trưng dụng trở thành sàn nhảy, mà chủ nhà trở thành chủ xị của buổi nhảy, mười căn nhà trở thành mười sàn nhảy thay đổi cho mỗi tuần. Phần đồ ăn thức uống các bà lo chu đáo, phí tổn chia đều ra cho mỗi cặp, chơi với nhau rất công bằng và bình đẳng. Bạn bè cũ có niềm tin tưởng tuyệt đối nên dìu nhau trên sàn nhảy hay chỉ dẫn nhau trên sàn nhảy không thấy e dè ngượng ngập. Nhưng những buổi party gây ấn tượng khó quên nhất và cũng thường được tổ chức thường xuyên nhất là những buổi ở nhà bạn Bảy-Liên. Căn nhà mới xây theo kiểu biệt thự trong một khu vườn rộng, bạn thiết kế phòng khách khá đặc biệt khi sắp xếp lại nó biến thành sàn nhảy chính qui. Ngoài ra, bên ngoài khu vườn lớn, bạn bỏ những chiếc ghế đá rải rác, khi cần nó trở thành những chỗ ngồi cho bàn tiệc ngoài trời với khoảng hơn hai chục thực khách. Đây là địa điểm lý tưởng nên chúng tôi thường tụ tập ở đây nhiều nhất trong năm.

Năm 1991 khi mối quan hệ Việt Nam - Mỹ được cải thiện, Mỹ cho phép các khách du lịch, báo chí và doanh nhân Hoa Kỳ đến Việt Nam (nhưng mãi ba năm sau mới bỏ lệnh cấm vận). Phong trào nhảy đầm trở nên rầm rộ, chính quyền cho phép khai thác kinh doanh bộ môn khiêu vũ. Các tụ điểm văn hoá cấp quận huyện trong thành phố đều có dạy 'múa đôi', nhiều vũ trường mới mở ra khắp nơi. Nhóm yamaha nhảy đầm chúng tôi bớt tổ chức ở nhà mà tiến quân ra ngoài. Và hầu như khắp Sài Gòn lúc ấy, không vũ trường nào chúng tôi không đến. Mỗi vũ trường ở Sài Gòn lúc ấy mang một nét khác nhau. Có thể kể ra một số đặc điểm của các vũ trường mà chúng tôi thường lui tới. Cao nhất (thời điểm ấy) là sàn nhảy Caravelle, trên tầng thứ mười một của khách sạn. Thấp nhất và dáng dấp cổ điển nhất là sàn nhảy của vũ trường Continental, nằm ở tầng trệt khách sạn. Bịt bùng, bí lối nhất là vũ trường khách sạn Rex. Rộng lớn nhất và mới mẻ nhất (mới xây) là vũ trường Shangrila ở Chợ Lớn. Vẻ trang trí hiện đại hơn cả là vũ trường Đệ Nhất Khách Sạn ở Tân Bình. Bát nháo nhất và cave đông đúc nhất là vũ trường Phú Nhuận ở ngã tư Phú Nhuận, ngoài ra những nơi sớm nở tối tàn như các vũ trường: Thương xá Tam Đa, Thương xá Tax, Nam Quang Chợ Đuỗi, Thanh Đa Bình Quới...

Tất cả vũ trường ở Sài gòn đều quá quen thuộc nên có cơ hội là chúng tôi tìm đến những chỗ mới lạ. Nhân một dịp thuận lợi, chúng tôi thuê cả một xe lớn, loại xe khách chạy dường dài, chở hết cả 8 gia đình và con cái nhóm yamaha đi Vũng Tàu. Buổi tối xe chở 8 cặp đến vũ trường nằm ở trung tâm thành phố Vũng tàu. Bỏ lại đám con nít ở nhà trọ, có tất cả 16 đứa con nít, nhỏ nhất là 3 lớn nhất là 14 tuổi, nhốt chung lại trong một căn phòng và giao một cô bé Ôsin của gia đình tôi trông coi. Khoảng gần một giờ khuya cả nhóm từ vũ trường đi về hỏi thăm cô bé Ôsin tình hình bọn con nít ra sao, cô bé trả lời là bọn nó với hàng chục cái miệng khóc vang trời đất, ăn uống vung vãi khắp cả nhà, đến khuya bọn nó mệt quá lăng đùng ra ngủ hết, bây giờ có đứa còn thút thít trong giấc ngủ đó.

Người ta nói cái gì hiếm thì quí, cái gì cấm thì thì thèm, cái gì vụng trộm thì hấp dẫn, cái gì lén lút thì đam mê. Nhảy đầm đối với chúng tôi cũng vậy. Cái rạo rực háo hức thầm lén trong buổi đầu nhảy đầm lậu có ấn tượng mạnh với chúng tôi hơn là những buổi khiêu vũ đường hoàng lịch sự sau này. Thời kì ấy các bạn ra sân với lòng đam mê âm nhạc và các động tác của vũ điệu. Không thấy, hoặc rất ít thấy cảnh như hiện nay, nhạc vừa nổi lên, một cặp ra sân chiếm dụng cả khoảng trống lớn, dang tay xoè cánh múa lượn phất phới, mặt toát lên vẻ nghiêm trọng để tỏ ra rằng mình thành thạo bậc sư trong vũ điệu này, nếu bị dậm chân thì phản ứng sừng sộ ngay. Hoặc có những cặp thiếu tin tưởng lẫn nhau, chơi với nhóm nhưng không bao giờ mời nhau, sợ rằng khiêu vũ xong bản nhạc là đối phương bợ partner của mình chạy vù đi mất tiêu. Hoặc có những gã lợi dụng mồi chài để cặp với người đẹp mà gạ tình. Nhảy đầm lậu khó xảy ra những cảnh ấy giữa sân, vì nếu nhận ra một cặp nào đó, hay một cá nhân nào đó có vấn đề lôm côm thì những cặp ấy hay cá nhân ấy sẽ không được mời trong buổi kế tiếp, không nghe tiếng hú mỗi cuối tuần. Các buổi nhảy đầm vụng trộm lén lút này thường được tổ nơi hang cùng ngõ hẻm, một căn nhà nào đó vùng ngoại ô, hoặc một nơi bất ngờ nhất để không bị chú ý tới. Chúng tôi, những dân ghiền khiêu vũ thường có tâm trạng chung: Vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ: Canh Cửa. Bước chân đang trong cơn đam mê với cú fantasy điệu nghệ cũng sẵn sàng: Bỏ chạy. Tóm lại, đôi chân đang nhảy nhót, nhưng con tim cũng đang: Nhảy múa. Trong nhảy đầm lậu vì có “đối tượng chung” để cùng lo sợ tránh né, đó là mấy ông “bạn dân” nên họ tỏ ra rất đoàn kết nhau. Vì cùng hội cùng thuyền, cùng cảnh ngộ (lén lút, giấu kín) nên họ dễ cảm thông nhau. Tinh thần nhảy đầm lậu phe ta lúc ấy rất là trong sáng vô tư. Hoan hô tinh thần nhảy đầm lậu!


Vu3030Tru31B0o31B03000ng1990_zps642a2f4f[1].png

Vũ trường - 1990
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, thực phẩm chức năng


Quay về KHIÊU VŨ SÀI GÒN (A popular style of social dance in Vietnam)

Points: 0

cron