Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Những lời nguyền “chết chóc, điên dại” ở VN

Những lời nguyền “chết chóc, điên dại” ở VN

Gửi bàigửi bởi misavn » Tháng chín 25, 2013, 11:41 am

Những lời nguyền “chết chóc, điên dại” ở VN
- Không ít địa phương ở Việt Nam lưu truyền những câu chuyện kinh hoàng về các lời nguyền kỳ bí, ám ảnh người dân trong suốt nhiều thế hệ…
Lời nguyền khủng khiếp chỉ dành cho phụ nữ
Người dân xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai kể rằng, ngày xưa, có một ông buôn thuốc phiện lên Bắc Hà (Lào Cai), khi đi đến bản Trung Đô thì trời tối. Không có chỗ ngủ, ông ta mới chui vào một cái lều bên đường trú tạm. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, ông thấy một bát hương ngự trên bụng. Thấy lạ, người đàn ông mới mang về với ý định tìm một chỗ nào đó để thờ cúng. Tuy nhiên, mỗi lần ông đặt xuống thì bát hương cứ lăn vòng tròn mãi không thôi.
Thử ở nhiều chỗ không được, ông buôn thuốc phiện mới chán nản cho rằng mình bị thần phạt, khó có thể sống tiếp trên cõi đời này. Tuy nhiên, khi ông lang thang qua khu vực bản Nà Đình thì vô tình bát hương tuột khỏi tay lăn vài vòng rồi dừng lại. Người này mừng quá, vội vàng làm lễ tại chỗ tạ ơn thần linh. Người dân xung quanh biết chuyện cũng đem đèn hương đến thờ cúng. Đền Nghĩa Đô có từ lúc đó.

Đền Nghĩa Đô ngày nay chỉ còn là phế tích, nhưng lời nguyền vẫn được lưu truyền.
Người ta đồn rằng, đền Nghĩa Đô gắn với một lời nguyền, nếu đàn bà, con gái đi lạc vào thì sẽ bị báo oán. Dù ngôi đền ngày nay chỉ còn là phế tích, nỗi khiếp đảm vẫn cứ được thêu dệt, truyền miệng nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu đàn bà, con gái đi vào đất của đền thì người bị điên, người bệnh tật, người thì tai nạn chết đường, chết chợ không rõ nguyên nhân...
Sự việc xôn xao dư luận gần đây nhất là vào năm 2006 - 2007 khi Trường THCS Nghĩa Đô được xây dựng, người ta vô tình làm nhà vệ sinh sang nền đất cũ của đền. Ngay sau đó, mấy em học sinh nữ của trường đã bị rối loạn tâm thần khiến cho người dân trong vùng hoang mang cực độ. Gia đình những em học sinh này phải mời "thầy phù thủy" cao tay nhất vùng về cúng bái thì các bệnh nhân mới trở lại bình thường (?). Sự việc đó càng khiến cho người ta tin hơn vào một lời nguyền từ hàng trăm năm trước.
Tuy vậy, hiện tại, người dân và các em học sinh vẫn đi lại qua vùng đất đền cũ nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Câu chuyện về lời nguyền kể trên có lẽ chỉ là một sự trùng hợp hi hữu mà thôi.
Lời nguyền của thần rừng Dìn Chin
Khu rừng cấm Dìn Chin cách trung tâm thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai chỉ chừng 15km luôn nhuốm màu sắc thần bí bởi những lời đồn đại về một “lời nguyền của thần rừng” sẽ trừng phạt bất cứ kẻ nào cả gan đánh thức “giấc ngủ của thần rừng”. Nhiều câu chuyện rùng rợn về sự trừng phạt của thần rừng đã được người dân địa phương kể lại..
Cách đây 10 mùa rẫy, anh chàng Lùng Seo Lìn của bản Tả Gia Khâu liều vác dao đi sâu vào rừng đốn củi. Không phải nhọc công, Seo Lìn nhanh chóng kiếm được hai gánh củi đầy. Nhưng kì lạ, là ngay buổi tối hôm đó, về nhà bỗng dưng anh cứ lớ ngớ, điên điên dại dại. Gia đình Seo Lìn hoảng sợ, liền mời già làng bản Gia Khâu về cúng, rồi xin phép vào rừng cấm, lập lễ tạ lỗi với “thần rừng”, mâm lễ phải thịnh soạn gồm một con lợn, một con gà trống sống, gạo, muối, hoa quả và nước uống. Vài hôm sau bệnh của Seo Lìn có đỡ hơn, song vẫn không trở lại bình thường.
Câu chuyện khác kể về một thanh niên tên Chèn ở dưới Bảo Yên tìm lên Tả Gia Khâu tán gái bản. Khi đi qua khu rừng Cấm, không biết anh này bực tức chuyện gì mà dùng tay chân đấm đá vào gốc cây cổ thụ rồi chửi bậy. Sau này về xuôi, Chèn bị ngớ ngẩn, bỏ nhà đi lang thang cả ngày khắp làng xã. Khủng khiếp hơn, anh này không ăn chín uống sôi, cứ để nguyên đồ sống mà nhai nuốt ngấu nghiến như thú rừng lâu ngày bị bỏ đói.
Vài thập niên trước, có một cây cổ thụ trong rừng bị đổ, dân làng họp bàn và quyết định bán cây gỗ đấy cho một đại gia dưới Lào Cai, nhưng khi vào rừng lấy gỗ, ông đại gia này nổi lòng tham, chặt trộm thêm mấy cây cổ thụ trong rừng Cấm. Về thành phố, ông ta thuê tốp thợ trên bản dựng kèo làm nhà sàn. Thế nhưng, trong tốp thợ cứ vài ba ngày lại có người lăn ra ốm, mà căn bệnh cũng rất kì lạ, họ không bị sốt, không đau, chỉ là mỗi khi cầm dụng cụ xây nhà thì tay chân người nào người nấy cứ run cầm cập, miệng cứ lảm nhảm những câu khó hiểu. Đám thợ còn lại sợ quá cũng bỏ luôn việc.
Gia chủ vốn không tin vào những chuyện ma quỷ hoang đường, nên khi tốp thợ này nghỉ, ông ta mời tốp thợ khác tiếp tục hoàn thành công trình dang dở. Khi căn nhà mới được hoàn thiện thì điều lạ kì hơn xảy ra, cứ đêm xuống người trong nhà đều nghe những tiếng kêu lục cục, nỉ non như ai oán. Hoảng quá, gia chủ phải thuê thầy cúng về làm lễ, nhưng dù đã mời cả pháp sư về đuổi tà ma nhưng những âm thanh lạ hằng đêm vẫn vang lên não nề. Cuối cùng gia chủ phải phá dỡ ngôi nhà đem làm cầu cho dân đi…
Lời nguyền của hang Nủa huyền bí
Cư dân ở huyện Bá Thước, Thanh Hoá coi hang Nủa là một cái hang thần bí. Đời ông, đời cha truyền lại rằng ở trong đấy đã từng có nhiều người sinh sống, họ lập mộ, giấu vàng, rồi yểm bùa, nên hễ ai xâm phạm vào cái hang đó, đào bới lấy đi những đồ vật bên trong như chén, bát, tiền xu lập tức gặp tai họa. Nhiều người dân trong bản kể lại, họ đã chứng kiến rất nhiều trường hợp thanh niên trai tráng hay những người vô thần mò vào trong hang đào bới hoặc chơi bời phá phách. Nhưng sau đó có nhiều người gặp phải vận hạn. Người thì chết bất đắc kỳ tử, người thì tâm thần bấn loạn.
Ông Khánh, một nhân chứng sống kể rằng, hồi trước ông sinh sống bằng nghề buôn bán cổ vật, khi biết tin đã có người phát hiện có dấu tích người cổ thời trước sinh sống trong hang Nủa và đào được một ít tiền vàng, ông cũng chuẩn bị cơm nắm quyết tâm săn lùng cổ vật. Lặn lội mấy ngày trong hang, lần mò đến những bãi đất trống bên dòng sông ngầm, hì hục mãi ông Khánh cũng đào được một cái bình sứ nhỏ có hoa văn rất lạ và mấy cái đĩa bát cổ. Nghĩ mấy thứ này bán cho dân buôn đồ cổ cũng được khối tiền nên ông hí hửng ra về.
Bỗng dưng ông Khánh nghe một tiếng gầm, không rõ là của con vật gì. Nháo nhác nhìn xung quanh, ông thấy ngay trên bãi cát chỗ hồ nước xuất hiện một vết chân trâu cực lớn, rồi một luồng gió cực mạnh ào ào thổi đến. Ngay lúc ấy, cây đèn măng - xông ông mang theo bỗng phát nổ, cháy sém hết quần áo. Đau quá ông nằm ngất lịm. Không biết bao lâu mới tỉnh lại, thần hồn nát thần tính, ông Khánh vội tìm vào chỗ đào đất cũ trả lại những cổ vật ấy, rồi nhanh chóng tìm đường thoát ra ngoài.
Sau lần ấy, ông trở nên điên điên khùng khùng, lơ nga lơ ngơ, không biết gì suốt mấy tháng trời. Gia đình hoảng hồn nhờ thầy mo cúng bái trong hang suốt cả tuần, cộng với điều trị trên bệnh viện, mãi về sau mới trở lại bình thường. Tuy nhiên, thi thoảng nổi bệnh, ông lại kêu rú ầm ĩ, bỏ đi khắp nơi báo hại gia đình đi tìm nháo nhác.
Cách đây vài năm, có một ông ở ngoài thị trấn Cành Nàng cách đó 40km vào hang Nủa chơi, thấy có 2 hòn đá tròn trịa rất đẹp, trông giống 2 đồng tiền xu, thích quá liền vác về nhà trưng bày. Sau đấy gia đình liên tiếp làm ăn thất bại. Chợt nhớ về những lời can ngăn của dân bản hồi trước, ông nghĩ là do 2 hòn đá ở hang Nủa bèn đem trả lại chỗ cũ. Thế nhưng được một năm sau thì ông bị một tảng đá lăn xuống đè chết khi đang ngủ ở công trường dưới chân núi, trong khi những người khác đều bình yên vô sự.
Hay là câu chuyện về một thanh niên ở bản Hin gần đó mò vào trong hang, phát hiện thấy có một thanh thạch nhũ mọc phía trên cây cột đá đẹp quá, liền bẻ về bày trong nhà. Hôm sau đi qua bãi nổ mìn khai thác đá, không hiểu sao anh ta bị một viên đá bay đập vào mặt, máu chảy lênh láng. Khi lành, vết sẹo trông giống hệt cái hình cột đá trong hang Nủa mà anh bẻ trộm. Về sau vợ con gia đình ly tán, anh ta cứ dở dở hâm hâm, bỏ đi theo đám làm than thổ phỉ, ít khi thấy về nhà…
Lời nguyền ở ngôi làng không ăn thịt bò
Theo sử làng Võng La (Đông Anh, Hà Nội), hàng nghìn năm trước, làng có một gia đình cả 3 anh em đều là tướng dưới triều vua Hùng. Một lần, nhà vua cử đi đánh giặc, 3 ông dẫn quân đi, trúng kế, bị vây hãm nhiều ngày. Quân sĩ đều bị đói khát, tình hình vô cùng nguy cấp. 3 ông cùng ngửa mặt lên trời khấn vái. Giữa lúc đó, trong gò đất bỗng xuất hiện một con bò sữa. Ba ông vắt sữa uống, thấy hết khát lại tăng thêm sức lực. Tiếp sau đó, cả đàn bò kéo ra rất đông, đủ sữa cho toàn bộ binh sĩ tăng thêm sức khỏe. Hăng hái tinh thần, 3 ông dẫn quân phá vây, đánh tan hàng vạn quân giặc, thu được vô số khí giới, lương thực. Thắng trận giòn giã, 3 ông được vua thăng tước, ban cho về quê hương hưởng bổng lộc đời đời. Biết là được "bò Trời" giúp, 3 anh em phát thệ: Từ nay về sau, vào các ngày cúng tế, người làng không được dùng thịt bò.
Sau ngày 3 ông mất, theo sắc chỉ của vua, dân làng lập miếu thờ cúng, không quên xây miếu thờ “Thần bò” để tạ ơn. Một lệ làng đã được hình thành, đó là không dùng bò để cày và tuyệt đối không ăn thịt bò, đến hàng nghìn năm sau vẫn được dân làng tuân theo.
Không chỉ kiêng ăn thịt bò, trong nhiều thế hệ dân làng Võng La còn tuân theo lệ đến mức cho rằng không được nuôi bò. Điều này chỉ thay đổi từ những năm 1970, khi nghề nuôi bò được du nhập vào làng để phát triển kinh tế. Dù vậy, dân làng vẫn tuyệt đối không xẻ thịt ăn thịt bò và dùng bò để cày cấy.
Nhắc đến việc này, dân làng không ai không nhớ một chuyện từng xảy ra, mà họ cho rằng do “các ngài quở”. Số là, có người trong làng cũng nuôi đàn bò. Sau khi bán xong, lãi kha khá, chủ nhà đã liều "tự thưởng" cho mình một con bê. Con bê bị "xẻ thịt" khá bí mật. Sự việc ăn thịt bò chỉ vỡ lở khi mấy hôm sau, dân làng bỗng thấy ông chủ nhà không còn tỉnh táo. Ông cứ đi ra ngoài đê, tay cầm cỏ miệng lẩm bẩm những điều không rõ nghĩa. Ông cứ điên dại như vậy suốt nhiều ngày.
Quá sợ hãi, người nhà thú nhận với các cao niên chuyện ăn thịt bê. Được các cao niên mách nước, gia đình khẩn trương sửa lễ ra đình tạ tội với 3 ngài. Rất trùng lặp, sau đó, người chủ nhà không còn đi lang thang ngoài đê nữa, tinh thần dần ổn định, minh mẫn trở lại. Từ đó, dân làng Võng La e dè, ngại ngần mỗi khi nhắc tới việc... ăn thịt bò.
Lời nguyền điên loạn ở hang Thiên Phúc
Người dân Bản Tía (Xã Đồng Khê, Văn Chấn, Yên Bái) luôn tỏ ra sợ hãi khi nhắc đến hang Thiên Phúc, một hang đá nằm sâu trong ngọn núi cao trên địa phận Bản Tía. Họ cho rằng, lời nguyền của các thần linh trong hang này đã khiến bao chàng trai khỏe mạnh bỗng trở nên điên dại vì trót xâm phạm.
Nhiều câu chuyện ly kỳ về sự trừng phạt của thần linh đã được dân làng kể lại. Ông Đào Văn Bảo, người trông nom hương khói của hang Thiên Phúc cho biết: “Hồi đó, tôi đi bộ đội rồi về đây sinh sống, thấy có hang động sau bản, tôi cũng tò mò vào hang. Khi đó, hang Thiên Phúc có những nhũ đá rất đẹp hình mặt người, hình đôi lứa yêu nhau, hình các vật dụng… Tôi cũng trót lấy của hang vài thứ mang về, sau đó bản thân tôi cũng hóa điên dại mất mấy năm. Gia đình phải nhờ thầy cúng và làm lễ trong hang thì tôi mới trở lại bình thường”.
Mấy năm trước, trong làng có 3 thanh niên tên Chung, Hiếu và Thắng, đều ở xã Đồng Khê rủ nhau vào hang lấy nhũ đá. Sau đó, gia đình không thấy họ về. Gia đình đi xem thầy bói mới biết 3 thanh niên đang ở trong hang. Gia đình đến hang và tìm thấy 3 thanh niên này bị điên loạn. Họ phải nhờ thầy cúng mấy tuần mới trở lại bình thường.
Ngoài ra còn có nhiều câu chuyện thanh niên trai tráng hay những người ngoài mò vào trong hang đào bới, lấy nhũ đá, tìm cổ vật… đều gặp vận nạn, kẻ ngã gãy chân, người hóa tâm thần…
Cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là những lời đồn thổi để bảo vệ hang khỏi sự xâm hại của con người. Đáng tiếc rằng những câu chuyện này không giúp cho hang Thiên Phúc khỏi bị tàn phá tan hoang như ngày nay.
Lời nguyền mê tín cản trở trai gái hai làng kết hôn
Lâu nay, người dân xã Cẩm Chế và Tân Việt (Thanh Hà, Hải Dương) vẫn rỉ tai nhau về một câu chuyện nhuốm đẫm màu sắc mê tín. Chuyện rằng, thuở trước, có một người con gái xã Cẩm Chế yêu tha thiết một chàng trai xã Tân Việt và họ đã kết hôn. Thế nhưng, khi người vợ mang bầu thì bị người chồng phụ bạc. Quá uất ức, cô nhảy xuống dòng sông ngăn cách giữa hai xã tự vẫn và để lại lời nguyền: Nếu chàng trai nào của xã Tân Việt lấy con gái của xã Cẩm Chế sẽ phải chết.
Đến nay, câu chuyện về lời nguyền trải qua nhiều thế hệ cùng với sự thêm thắt, "tam sao thất bản" của người dân càng trở nên ly kỳ và vẫn là một ẩn số khó giải. Ngoài ra, việc có nhiều gia đình vợ là người xã Cẩm Chế lấy chồng là người xã Tân Việt sớm phải chịu cảnh chia lìa, tang tóc đã khiến cho người dân ở đây tin rằng lời nguyền này là có thật.
Một số trường hợp bị “nguyền” gần đây có thể kể đến như chuyện hai người phụ nữ chưa đầy 40 tuổi nhưng đã chịu cảnh góa bụa, là chị Lê Thị Sang có chồng bị tai nạn giao thông, chị Phương có chồng bị điện giật chết. Từ trước đến nay có bao nhiêu trường hợp như vậy không thể thống kê hết được.
Thực hư những câu chuyện chết chóc ấy như thế nào đến nay vẫn chưa có cơ sở giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên, có một thực tế là trai Tân Việt vẫn lấy gái Cẩm Chế và... nhiều gia đình đang sống rất hạnh phúc. Vì vậy có thể những câu chuyện về lời nguyền trên chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.
Trên thực tế, chính quyền hai xã đã nỗ lực tuyên truyền để người dân hiểu và không tin vào những điều mê tín như thế.
T.B (tổng hợp)
RANDOM_AVATAR
misavn
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
55%
 
Bài viết: 355
Ngày tham gia: Tháng chín 27, 2012, 5:51 pm
Đến từ thành phố: ha noi
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam
Handphone: 0

Quay về Phong thủy - Bói toán (Geomancy - Fortune telling)

Points: 0

cron