Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Câu chuyện “Je t’aime, moi non plus” của Serge Gainsbourg

Gửi bàiĐã gửi: Tháng ba 17, 2016, 10:02 am
gửi bởi Admin
Câu chuyện “Je t’aime, moi non plus” giữa Serge Gainsbourg và hai người tình

Đúng 25 năm sau ngày mất của Serge Gainsbourg (02/03/1991), sự nghiệp và những câu chuyện tình của ông vẫn thu hút sự tò mò của thính giả. Nhắc tới Gainsbourg, được mệnh danh là “Người đàn ông có đầu hình bắp cải” (“l’Homme à la tête de chou”), người ta quên những thất bại hay những lúc tưởng chừng không có lối thoát, mà chỉ nhớ tới những vinh quang, những bài hát để đời của người nghệ sĩ tài năng mang vẻ “bất cần đời”.


Hình ảnh

Serge Gainsbourg từng hợp tác với nhiều nữ ca sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng, như Isabelle Adjani, Catherine Deneuve, Nana Mouskouri, Vanessa Paradis. Nhưng có lẽ hai người phụ nữ đánh dấu giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của ông là Brigitte Bardot và Jane Birkin cùng với tình ca “Je t’aime, moi non plus” (tạm dịch: “Em yêu anh… anh không còn yêu em !”

Mối tình cuồng nhiệt và ngắn ngủi Bardot-Gainsbourg

Brigitte Bardot, lúc đó là vợ của tỷ phú người Đức Guter Sachs, và Serge Gainsbourg trở thành một đôi tình nhân lãng mạn sống trong thế giới như chỉ giành riêng cho hai người. Khác với những lời đồn đoán, chuyện tình của họ cũng bắt đầu từ những giây phút đầu gặp nhau rụt rè, đầy e thẹn. Serge Gainsbourg đang là ông vua của làng nhạc Pháp và tất cả các mỹ nhân thời kỳ này đều mong được ông để ý. Còn Brigitte Bardot là “quả bom sex” nổi tiếng trong thập niên 1960-1970.

Cuối năm 1967, khi Brigitte Bardot đang chuẩn bị cho một chương trình truyền hình chào năm mới 1968, Gainsbourg gọi điện nói muốn gặp bà để cho nữ diễn viên nổi tiếng với bộ phim “Và Chúa đã tạo ra đàn bà” nghe thử vài bài hát mà nhạc sĩ đã sáng tác. Đây có thể chỉ là cái cớ để chinh phục người phụ nữ quyền lực và bắt đầu chuyện hẹn hò giữa hai người.

Trả lời tuần báo Le Journal du Dimanche năm 2010, Brigitte Bardot vẫn nhớ rõ như mới ngày hôm qua :

« Khi Serge tới và chúng tôi rất rụt rè, gần như không nói được từ nào. Ông ấy chơi bản Harley Davidson. Một ý tưởng kỳ cục, vì tôi chưa bao giờ lái mô tô. Tôi không dám hát trước ông ấy. Tôi bị khựng lại và mọi từ ngữ đều bị nghẹn lại ở cổ. Serge hỏi tôi có rượu sâm banh không. Chúng tôi uống một chút, sau đó rất nhiều. Nhờ đó, tôi có thể hát ca khúc với chất giọng đầy thách thức và gợi cảm.

Hôm sau, ông ấy gửi tới nhà tôi một thùng rượu sâm banh loại ông ưa thích và tiếp tục luyện cho tôi hát, hát mãi. Mấy ngày sau, sau khi đã thu xong bài hát Harley Davidson, thì những ngon tay của chúng tôi mới đan vào nhau và không còn gì khác, không ai khác tồn tại với tôi nữa. Lúc đó tôi đang kết hôn với Gunter Sachs, một người chồng “ma”, trong khi đó, tôi cần phụ thuộc tâm hồn và thể xác vào một người đàn ông ở bên cạnh tôi, người mà tôi ngưỡng mộ. Serge ở đó và tôi ngưỡng mộ ông ấy tột cùng ».


Brigitte Bardot “thách” Serge Gainsbourg viết tặng bà bài tình ca hay nhất mà ông có thể hình dung ra. Và Serge mang tới “Je t’aime, moi non plus”. Ca từ rất ngắn gọn nhưng mang nặng yếu tố sex, mà nhẹ nhất là « Ôi anh yêu, anh là con sóng còn em là hòn đảo trần trụi » (Tu es la vague, moi l’île nue). Dường như ông muốn gửi gắm vào bài hát những giai đoạn cao trào nhất của cuộc truy hoan, được miêu tả qua những tiếng thở dồn dập được Brigitte Bardot thể hiện.



Ngày thu âm bài hát ở phòng thu B (thuộc Studios Baclays trên đại lộ Hoche, Paris), mỗi người có một chiếc micro và cách nhau một mét. Brigitte Bardot nhớ lại : « Chúng tôi cùng hát, thể hiện những tiếng rên rỉ khi ân ái và những ngón tay của cả hai mớn trớn nhau. Đó là một trong những lúc gợi tình nhất mà tôi từng có ».

Phải chăng chính chuyện tình ngang trái mà Serge Gainsboug đoán được kết cục đã khiến ông đặt lời tựa bài hát “Je t’aime, moi non plus” ? Còn một số người khác lại cho rằng, tiêu đề của bài hát lấy cảm hứng từ một lời phát biểu của họa sĩ Salvador Dali, sau này trở thành từ “cửa miệng” và thậm chí còn được nhiều nhà bình luận chính trị thích thú dùng lại. Salvador Dali nói : « Picasso là người Tây Ban Nha, tôi cũng thế ; Picasso là một thiên tài, tôi cũng thế ; Picasso là người theo cộng sản, tôi không còn như thế ».

Ngay hôm sau khi thu xong, Serge Gainsbourg cho phát thử bài hát trên đài phát thanh Europe 1. Chồng của Brigitte Bardot, tức giận, dọa làm rùm beng nếu Serge Gainsbourg cho phát hành rộng rãi bài hát nói về cuộc tình giữa vợ mình và người tình của bà. Vào phút cuối, Serge đồng ý hủy phát hành đĩa hát khi tất cả đều đã sẵn sàng. Hành động mà sau này Jane Birkin cho rằng ông đã cư xử như một người quân tử.

Ít lâu sau, Brigitte Bardot chuẩn bị sang Almeria (Tây Ban Nha) để quay bộ phim Shalako (với Sean Connery), Serge Gainsbourg tới nhà chào tạm biệt. « Ông muốn tới thăm tôi ở Tây Ban Nha nhưng chồng tôi đang ở đó. Buổi chia lìa của chúng tôi không cãi nhau, không có tiếng hét, nhưng chấm dứt thật sự ». Như lời chào vĩnh biệt, Gainsbourg viết ca khúc “Initials BB” (tạm dịch : Tên viết tắt BB) mà theo Brgitte Bardot là « một bài hát đầy luyến tiếc, ca ngợi hình ảnh nữ thần trong bà theo con mắt nghệ sĩ đặc biệt của Serge ».

Với nữ diễn viên nổi tiếng, quãng thời gian yêu Serge Gainsbourg là « một tình yêu như người ta hằng mơ ước, chỉ có một lần trong đời. Chuyện tình của chúng tôi mãi là khoảnh khắc huyền diệu đầy đam mê. Serge là một người dè dặt và kín đáo, thật sự là rất kín đáo, và tôi luôn giữ một kỉ niệm tuyệt vời về ông ấy ».

“Je t’aime… moi non plus”, bài hát gợi tình nhất nhờ Jane Birkin

Năm 1969, Serge Gainsbourg cho Jane Birkin nghe lại bài hát hát chung với Brigitte Bardot. Trả lời nhật báo Le Figaro (03/2016), Jane Birkin nhớ lại, lúc đó cô mới 23 tuổi và còn là một ca sĩ vô danh, quen chàng ca sĩ nổi tiếng người Pháp trên trường quay bộ phim Slogan năm 1968.

« Sau khi chúng tôi quen nhau, ông ấy cho tôi nghe lại bài hát được thu trước đó trong căn hộ của bố mẹ ông. Khi ông ấy hỏi tôi có muốn hát lại bài này không, tôi chấp nhận chỉ vì ghen : Tôi không muốn ông ấy hát với bất kỳ cô gái nào khác ngoài tôi ».

Để phân biệt giọng của Jane Birkin với giọng của Brigitte Bardot, Gainsbourg để nữ ca sĩ, sau này trở thành vợ ông, hát đoạn điệp khúc cao hơn một “ton”. Jane Birkin nhớ lại : « Trong phòng thu, ông ấy tỏ ra đam mê cuồng nhiệt khi tôi bị cuốn theo những hơi thở mạnh mẽ. Nếu như nghe rõ, có thể thấy một đoạn bị ngừng đột ngột ».

Sợ rằng giọng hát trong và sắc của Jane Birkin cùng với giọng khàn đục nhưng rành mạch của Gainsbourg, có thể không “hòa quện” được vào nhau nên Gainsbourg mang đĩa hát xuống phát thử tại nhà hàng ở khách sạn mà họ đang sống trên phố Beaux-Arts. Sau khi nhìn thấy những chiếc dĩa dựng đứng trên không, ông quay sang nói với người tình : « Em yêu ơi, chúng ta thành công rồi !»

Chưa đầy một năm sau sự kiện “cách mạng” tháng 05/1968, bài hát trở thành một quả bom, khuấy đảo mọi giá trị, từ âm nhạc đến đạo đức. Bài hát đưa Jane Birkin thành biểu tượng tình dục, biểu tượng thời trang của nước Pháp cuối những năm 1960, đầu 1970.

Hãng Philips từ chối phát hành, các đài phát thanh và truyền hình Pháp cũng không dám phát sóng, tương tự với đài BBC của Anh. Trong khi đó, Vatican kịch liệt phản đối. Tờ L’Obsservatore Romano, ấn bản chính thức của toà thánh, kêu gọi tẩy chay bài hát bị coi là tục tĩu với những ca từ mang đầy tính dục và làm cho ma mị. Cuối cùng, bài hát bị cấm ở Ý. Thế nhưng, theo Jane Birkin, «chính Đức Giáo hoàng lại trở thành tuỳ viên báo chí tốt nhất của chúng tôi ».

Không được phát sóng, bị cấm ở nhiều nước, nhưng các hộp đêm lại là nơi để “Je t’aime, moi non plus” thăng hoa và không ngừng leo dần lên vị trí cao ở các bảng xếp hạng. Làn gió tự do của bài hát gây tiếng vang ở những đất nước vẫn còn nền độc tài cai trị như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào thời kỳ đó.

Tương tự, trong chuyến thăm Nam Mỹ, Jane Birkin nhanh chóng nhận thấy bài hát có sức ảnh hưởng như thế nào chỉ trong vòng vài tuần, khi kiểm duyệt tại đây còn chưa kịp “nhăn mặt” khó chịu. “Je t’aime, moi non plus” đánh dấu bước đầu thành công cho sự nghiệp của Jane Birkin và bà « đã biết giai điệu nào sẽ được chơi trong lễ an táng của mình ».

Khi nữ ca sĩ trẻ người Anh cho bố mẹ nghe bài hát, cô cố tình nhấc tay cơ khỏi những đoạn “nhạy cảm” nhất. Mẹ cô thấy giai điệu bài hát rất hay, còn bố cô bảo vệ cô đến cùng khi con gái gặp tai tiếng mang quy mô lớn hơn.

Năm 1986, Gainsbourg gọi điện cho Birkin sau khi họ chia tay từ vài năm trước đó : « Anh có một tin xấu cho em. Anh sẽ cho phát hành phiên bản bài hát với Bardot ». Người tình cũ của Serge đã đồng ý phát hành bài hát thu trước đó, vẫn ngủ yên trong kho từ gần 20 năm, với điều kiện mọi lợi nhuận phải được chuyển cho các hiệp hội bảo vệ động vật. Jane Birkin đã từng lo sợ mọi người sẽ nghĩ cô không thể hiện thành công bài hát bằng Brigitte Bardot. Thế nhưng, chính phần trình diễn của Jane Birkin mới đi vào lịch sử.

Từ đó đến nay, “Je t’aime, moi non plus” được nhiều nhạc sĩ và ca sĩ hát lại. Ngay từ năm 1969, dàn nhạc giao hưởng của Paul Mauriat, nổi tiếng khắp thế giới và ở Việt Nam từ thập niên 1980, đã chuyển thể bài hát thành nhạc không lời.

“Je t’aime, moi non plus” được nữ hoàng nhạc Pop Madonna trình diễn kết thúc buổi biểu diễn dài khoảng 45 phút tại nhà hát Olympia (Paris) vào năm 2012, trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới “MDNA”. Câu chuyện không lãng mạn như phiên bản Gainsbourg và Birkin mà bạo lực hơn như trong thế giới ngầm nhưng vẫn giữ nguyên tính gợi dục.

Mở đầu bài hát là một tiếng súng, Madonna vừa bắn trọng thương “người tình” hay người chồng. Tiếp theo là đoạn “đối thoại” trong day dứt và cuối cùng là một tiếng súng khác nhằm vào thái dương người đàn ông.

“Je t’aime, moi non plus” cũng được phổ lời Việt, với tên gọi “Còn gì để lại không”, dưới ngòi bút lãng mạn của nhạc sĩ Phạm Duy trong tuyển tập “Nhục tình ca”. Cố nhạc sĩ giải thích : « Vào năm 1985-1986, tại Hoa Kỳ, một nữ ca sĩ rất chịu chơi là Kim Ngân, nhờ tôi soạn lời ca tiếng Việt cho một chương trình âm nhạc về tình dục, với đa số những bài hát Pháp nổi tiếng về thể loại này, như Emmanuelle, Scène d’amour (Cảnh tình)… Tôi bèn dùng một biện pháp mới viết những lời hát ca ngợi nhục tình, ca ngợi thân xác, khác với những lời tình ca lãng mạn, mơ mộng trước đây của tôi ».

“Còn gì để lại không” của Phạm Duy là lời chia tay day dứt của một cặp tình nhân. Tình đã xa rồi nhưng vẫn đong đầy kỉ niệm, luyến tiếc những đêm tình nồng bên ánh lửa hồng trong tiết lạnh của trời đông.

Thu Hằng, RFI