Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Dòng nhạc Châu Kỳ, sẽ không chỉ là 60 năm

Âm nhạc

Dòng nhạc Châu Kỳ, sẽ không chỉ là 60 năm

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng mười 14, 2014, 11:39 am

Đêm Thứ Bảy 11/10/2014 là đêm “60 năm dòng nhạc Châu Kỳ,” do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học (CLBVN VVH) tổ chức tại Mỹ để tưởng nhớ cố nhạc sĩ, người con của cố đô Huế.

Hình ảnh
Khi đêm nhạc bắt đầu, cũng là lúc hội trường không còn ghế trống


Đêm nhạc Châu Kỳ bắt đầu cũng là lúc hội trường không còn ghế trống. Một người khán giả với mái tóc trắng bạc phơ mang trên tay tờ giấy có lời của bài hát “Huế Xưa.”

“Tôi nhờ con của tôi viết ra để có thể hát theo. Già rồi, tôi sợ mình không nhớ hết.” Bác Liên, người yêu nhạc Châu Kỳ vì “ổng viết về Huế của tôi ngọt ngào lắm.”

Cố nhạc sĩ Châu Kỳ, người đã khởi xướng cho tân nhạc Việt Nam tại Huế với 310 tác phẩm để lại cho đời, một dòng nhạc mà theo lời ông Bùi Đường, người điều hợp chương trình, đó là “những bài hát phủ đầy chất thơ, thấm đẫm nét lãng mạn, gợi nỗi nhớ bâng khuâng về một thành phố đã xa.”

“Là người con xứ Huế, nên ông là người nhạc sĩ có nhiều bài hát về đất thần kinh nhất,” MC Bùi Đường nói.

Chỉ có thể là Châu Kỳ mới lột tả được nét đẹp của cô gái Huế trong vỏn vẹn ba câu: “Buổi trưa em che nón lá, cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ, lũ chim quyên ngất ngây từ xa…” (Huế Xưa).

“310 tác phẩm của cố nhạc sĩ Châu Kỳ nay được bà Kha Thị Đàn, phu nhân của ông trao lại cho Viện Việt Học, như lời ký gửi, gìn giữ những tâm tư, thao thức của người nhạc sĩ,” bà Kim Ngân, đại diện cho Hội đồng Việt Học gửi lời tri ân đến gia đình cố nhạc sĩ, các thân hữu và CLBVN VVH.

Nét phác hoạ nhanh về cuộc đời tài hoa của nhạc sĩ Châu Kỳ được MC Mai Dung nhắc đến, để hiểu rằng ông được sinh ra và lớn lên trong một môi trường âm nhạc “gốc.” Cha của ông là nghệ nhân cổ nhạc cung đình Huế. Chị ruột, Châu Thị Minh, là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung (trong “Ngũ nữ minh tinh” thời đó, miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ. Miền Trung có Châu Thị Minh. Miền Bắc có Ái Liên, Bích Hợp.) Và chính Châu Kỳ cũng là một trong những ca sĩ thuộc lớp đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam trước khi ông trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.

“Trở Về” vừa là bài hát đầu tay trong cuộc đời sáng tác của ông, vừa là tiếng vang trong giới tân nhạc lúc đó.

“Về đến Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương Giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay ‘Trở Về’” MC Bùi Đường kể về lịch sử ra đời của bài hát nổi tiếng này.

Những người đến với đêm nhạc Châu Kỳ không ai không biết bài hát này. Một vị khán giả lớn tuổi tỏ ý, “đây là bài hay nhất chương trình.”

Được xem là một trong những người tiên phong đưa thể loại boléro của Việt Nam lên đỉnh vinh quang, mà theo lời MC Bùi Đường là “ông hoàng của nhạc mùi,” nhạc của Châu Kỳ thật sự ghi khắc vào tâm hồn người nghe những giai điệu mượt mà của “Huế Xưa,” khắc khoải một nỗi nhớ nào đó của “Tiếng Ca Đó Về Đâu,” hay thổn thức của những lời “Đừng Nói Xa Nhau.”

Hình ảnh
Ca sĩ Kim Thoa với "Sao Chưa Thấy Hồi Âm."


Từng bài hát dặt dìu đưa người nghe về một miền ký ức. Ca sĩ Kim Thoa trong tà áo dài tím đặc trưng của Huế lấy trọn cảm xúc của những mái đầu “hai màu tóc” khi cất lên câu hát đầu tiên “Theo năm tháng hoài mong…”

“Hát không thua gì Hoàng Oanh,” một mái đầu không còn xanh khẽ nói.

“Mỗi một bài hát, là một câu chuyện tình buồn của ông,” MC Mai Dung nói về những tác phẩm của nhạc sĩ Châu Kỳ.

Đó là chuyện tình sáu năm với nghệ sĩ Mộc Lan, “nàng là chim hoạ mi với tiếng hát lảnh lót, chàng là con bướm đa tình gieo rắc giọng hát tiếng đàn.” Từ đó mà người nghe có được những tác phẩm sầu bi để đời như Khúc Ly Ca; Đón Xuân Này, Nhớ Xuân Xưa; Con Đường Xưa Em Đi…

Đó là “Giọt Lệ Đài Trang” ông viết khi hội ngộ với mối tình đơn phương thời tuổi trẻ.

Và lần lượt, từng bài hát được giới thiệu và những tiếng hát của ban hợp ca CLBVN VVH như đưa người nghe đến với từng đoản phim nhạc tình.

Khán thính giả bên dưới hội trường như vỡ oà khi ban tổ chức giới thiệu một người khách mời đặc biệt, ca sĩ Thanh Mỹ, người được cố nhạc sĩ Châu Kỳ dẫn dắt bước đầu tiên vào con đường ca hát.

Hình ảnh
Ca sĩ Thanh Mỹ, khách mời đặc biệt của chương trình.


“Khuya nay anh đi rồi” và “Được tin em lấy chồng,” giọng ca khàn không thay đổi theo thời gian hoàn toàn lấy hết cảm xúc của khán giả, đưa người nghe quay về những con đường không còn tên cùng một thành phố đã xa.

“Tôi đã 52 năm không đi hát. Khác với 52 năm trước, tôi biết đứng trên sân khấu, tôi sẽ không còn tự tin như thời trẻ. Run lắm. Nhưng đêm nay là đêm nhạc của anh Châu Kỳ nên tôi nhận lời. Đó là sự tri ân và tấm lòng tưởng nhớ của tôi về một người thầy, người anh,” ca sĩ Thanh Mỹ trả lời nhật báo Người Việt khi được hỏi về tâm trạng của bà trong đêm nay khác gì với 52 năm trước.

Hình ảnh
Những mái đầu không còn xanh thả hồn theo dòng nhạc Châu Kỳ.


Có vẻ như ban tổ chức có ý dành tất cả những điệu nhạc boléro nhẹ nhàng, “mùi mẫn” cho phần sau của chương trình. Khi đó, khán giả cũng dồn hết về gần sân khấu. Ca sĩ hát, khán giả hát.

Có thấy những tràng vỗ tay vang dội, những lời gọi chào chân tình từ khán giả với giọng hát “52 năm trước,” mới thấy rằng khán giả sẽ không bao giờ quên người nhạc sĩ, người hát, và những tác phẩm đã vượt thời gian đi vào lòng người.

Dòng nhạc Châu Kỳ, sẽ không bao giờ chỉ là 60 năm.

Kalynh Ngô/Người Việt
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron