Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Forever Gentlemen đời xinh như mộng tình đẹp như mơ

Âm nhạc

Forever Gentlemen đời xinh như mộng tình đẹp như mơ

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng mười một 10, 2013, 12:30 am

Trong tuần này, giới nghệ sĩ Pháp trình làng tập nhạc mang tựa đề Forever Gentlemen. Mười sáu tên tuổi của làng giải trí tập hợp xung quanh một dự án âm nhạc hoành tráng : làm sống lại thời đại hoàng kim của các giọng ca crooner, từ sân khấu Broadway của Manhattan cho tới các vũ trường sòng bạc Las Vegas.

Dự án ghi âm Forever Gentlemen (hiểu theo nghĩa Muôn thuở hào hoa) đã được khởi xướng cách đây hơn 6 tháng, qua việc tuyển lựa các nghệ sĩ mà theo như chủ đề đặt ra cho tập nhạc, tuyệt đại đa số các nghệ sĩ tham gia dự án phải là những giọng ca nam.

Từ New York, Los Angeles, Montreal đến Paris, các nghệ sĩ Pháp như Emmanuel Moire, Vincent Niclo, Damien Sargue, Dany Brillant, Sinclair, Corneille, Gad Elmaleh, Bruce Johnson làm việc dưới sự điều khiển của nhà sản xuất kiêm nhạc sĩ người Mỹ Russ Titelman. Ông từng đoạt 5 giải Grammy sau khi hợp tác với hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi trong đó có George Harrison, Brian Wilson, Paul Simon, James Taylor, Gordon Lightfoot, Eric Clapton và nhóm Bee Gees.



Thay vì tái tạo các nhạc khí bằng máy móc điện tử, nhà sản xuất Russ Titelman đã triệu mời một dàn nhạc big band thực thụ đến phòng ghi âm, để hồi sinh cái âm sắc lộng lẫy mượt mà của một thuở huy hoàng, cái thời mà giọng ca vàng Frank Sinatra ghi âm nhiều bài hát cực kỳ ăn khách với hãng đĩa Capitol Records.

Khách mời danh dự trên album này là nam ca sĩ Paul Anka, người đã viết lời tiếng Anh cho tình khúc vượt thời gian My Way. Bên cạnh đó, còn có hai giọng ca đến từ vùng đất lạnh là Garou và Roch Voisine tham gia vào đội ngũ casting (thành phần nghệ sĩ) gần như là hoàn hảo.

Trích đoạn đầu tiên từ tập nhạc Forever Gentlemen là tình khúc La Belle Vie (Cuộc đời đẹp xinh). Ca khúc này do nam ca sĩ người Pháp Sacha Distel sáng tác vào năm 1962 cho bộ phim Les Sept Péchés Capitaux (Bảy trọng tội). Khúc nhạc ban đầu mang tựa đề Marina, tên của nhân vật chính trong phim. Ca khúc này lọt vào tai của nhà sản xuất Duke Niles, làm việc cho hãng đĩa Capitol Records. Do Frank Sinatra lúc đó đang quá bận lưu diễn, nên Duke Niles mới đưa bài hát cho nam ca sĩ Tony Bennett.



Được ghi âm dưới tựa đề The Good Life vào năm 1963, tức cách đây vừa đúng 50 năm, bản nhạc thành công rực rỡ trên thị trường Anh Mỹ, để rồi trở thành bài hát tủ của ca sĩ nhạc jazz cho đến tận bây giờ. Về phần mình, do là tác giả ca khúc, nên Sacha Distel là người đầu tiên ghi âm bài hát trong tiếng Pháp. Tính đến nay, bài La Belle Vie đã có gần cả ngàn phiên bản. (Lời tiếng Anh là của tác giả Jack Reardon, lời tiếng Pháp của nhạc sĩ Jean Broussolle).

Tập nhạc Forever Gentlemen bao gồm 14 ca khúc, trong đó có đến gần hai phần ba là các bản nhạc tiếng Anh, phần còn lại là bài hát tiếng Pháp. Tất cả đều là những nhạc phẩm ăn khách trong nhiều thập niên qua, trong giai đọan từ những năm 1950 đến 1970. Khi nghe qua album này, ta liên tưởng đến ngay nhóm Rat Pack vô cùng nổi tiếng vào những năm 1960 nhờ các show truyền hình Mỹ cũng như nhờ vào các đợt biểu diễn tại các sòng bài Las Vegas.

Chữ Rat Pack gắn liền với tên tuổi của ba giọng ca crooner là Frank Sinatra, Dean Martin và Sammy Davis Junior. Nhiều người tưởng lầm rằng nhóm này là do Frank Sinatra thành lập, thế nhưng người khởi xướng câu lạc bộ này chính là nam diễn viên Humphrey Bogart. Gọi là câu lạc bộ, nhưng thật ra Rat Pack ban đầu là một nhóm bạn có từ đầu những năm 1950 tại Hollywood.



Họ thường xuyên đi chơi với nhau và tụ họp tại nhà của cặp vợ chồng diễn viên Humphrey Bogart và Lauren Bacall. Tuy nhỏ tuổi nhất, nhưng Frank Sinatra là một trong những người đầu tiên tham gia vào nhóm. Mãi đến nhiều năm sau, Dean Martin và Sammy Davis Jr mới được kết nạp. Có lẽ cũng vì mỗi lần đón nhận thành viên mới, thì thường phải có sự đồng ý của cả nhóm.

Giai thoại kể rằng Humphrey Bogart rủ các bạn cùng nhóm đi chơi suốt đêm tại Las Vegas mà không dẫn vợ đi theo. Mãi đến sáng hôm sau, cả nhóm mới mò về đến nhà. Ông Humphrey Bogart bị vợ mắng cho một trận. Bà Lauren Bacall thẳng thừng phán cho một câu : bọn anh đi chơi ở đâu mà mặt mày bơ phờ, áo quần xốc xếch trông như một bầy chuột cống !!!

Chữ Rat Pack (có nghĩa là Bầy Chuột) có lẽ cũng xuất phát từ đó. Sau khi nổi trận lôi đình, bà Lauren Bacall được cả nhóm tôn lên làm Chuột Mẹ, chủ của hang động (Den Mother). Còn Humphrey Bogart thì chỉ lo phần tiếp tân và quan hệ với bên ngoài.



Theo lời kể của đứa con trai Stephen Bogart, do quen biết nhiều và giao thiệp rộng nên cặp vợ chồng Lauren Bacall Humphrey Bogart lôi cuốn rất nhiều tên tuổi của làng điện ảnh, ca nhạc thời bấy giờ : một số sau đó trở thành thành viên chính thức như các diễn viên Cary Grant, David Niven, đạo diễn George Cukor, cặp vợ chồng Katharine Hepburn và Spencer Tracy …

Chính với biệt hiệu Rat Pack mà Frank Sinatra lên sân khấu trình diễn cùng với hai đồng nghiệp là Dean Martin và Sammy Davis Jr, mở ra giai đoạn thứ nhì sau khi Humphrey Bogart qua đời vào năm 1957 do bệnh ung thư. Mỗi ca sĩ đều có sự nghiệp riêng nhưng khi đứng chung sân khấu, họ rất ăn khớp và nhờ vậy mà để lại dấu ấn sâu đậm với phong cách vuốt chữ crooner, vóc dáng bảnh bao, ánh mắt tình tứ, tướng mạo đào hoa, địêu bộ có duyên.

Rat Pack chỉ hát nhạc tình và đối tượng cần phải chinh phục là phái nữ. Trong một số tiết mục truyền hình song ca, do có sự tung hứng đối đáp, nên nhóm này mới mời các bạn đồng nghiệp nữ như Judy Garland hay Shirley MacLaine để tham gia vào chương trình của họ. Trên tập nhạc Forever Gentlemen, các nghệ sĩ Canada và Pháp sẽ làm tương tự khi triệu mời hai giọng ca nữ là Sofia Essaidi và Élodie Frégé ghi âm cùng với họ.



Ngược dòng thời gian để đưa người nghe tìm lại tiếng thầm ký ức, những kỷ niệm đẹp của quá khứ gắn liền với cái thời vàng son của Rat Pack, là một ý tưởng khá hay. Chỉ có một điều hơi đáng tiếc là bài Strangers in the Night không có mặt trên album này, trong khi bài For Me Formidable của Aznavour hay là Raindrops Keep Fallin’On My Head do Burt Bacharach viết cho bộ phim Butch Cassidy & the Sundance Kid chẳng có ăn nhập gì với nhóm Rat Pack hay là thời kỳ huy hoàng của hãng đĩa Capitol.

Các nhà sản xuất có lẽ đã muốn mở rộng répertoire sang nhạc phim nhưng cũng vì thế mà tập nhạc hơi bị pha loãng thay vì xuyên suốt cô đọng. Một số ca sĩ tái tạo được phong cách crooner, ở vóc dáng phong độ nhiều hơn là trong cách hát. Dany Brillant dù có tài cách mấy cũng không dí dõm, có duyên bằng Dean Martin. Garou thì quá lễ độ chừng mực khi hát chung với bậc đàn anh Paul Anka.

Nhưng nhìn chung, Forever Gentlemen tựa như là một tuyển tập gồm toàn là những ca khúc chọn lọc, đã thành công trong việc đưa người nghe về khung trời hoài niệm, gợi nhớ lại hạnh phúc thuở nào, cái thời của The Good Life khi đời xinh như mộng, khi tình đẹp như mơ.

Tuấn Thảo
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron