Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Âm nhạc

Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng một 27, 2013, 11:03 pm


Hình ảnh

Người nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc Việt Nam, Phạm Duy, vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh ở tuổi 93, các nguồn thân thiết với gia đình ông cho biết.

Off Topic
Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, Phường 13, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1. Lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.


Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho hay ông được tin nhạc sỹ qua đời vào buổi trưa Chủ nhật 27/1. Có nguồn tin nói ông ra đi trong bệnh viện.

Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim.

Ông Đỗ Trung Quân không giấu nổi nghẹn ngào: "Tôi thực sự rất xúc động khi nghe tin ông [Phạm Duy] qua đời". "Ông là một trong những nhạc sỹ đã tạo nên diện mạo nền âm nhạc Việt Nam."

Các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy đã kết hợp được những nét của âm nhạc cổ truyền, dân ca, với các trào lưu phong cách hiện đại.

Ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC: "Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một nhạc sỹ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca. Đó là chuyện rất giản dị".

"Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa."

Mới tháng trước, con trai lớn của nhạc sỹ Phạm Duy, ca sỹ Duy Quang, cũng qua đời tại Mỹ. Vợ của ông là ca sỹ Thái Hằng, bà qua đời năm 1999.

Tài năng lớn

Nhạc sỹ Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921. Tên thật của ông là Phạm Duy Cẩn. Không chỉ là tác giả của một khối lượng đồ sộ các sáng tác, ông còn là nhà nghiên cứu âm nhạc lớn, với công trình khảo cứu về âm nhạc có giá trị.

Phạm Duy bắt đầu con đường âm nhạc trong vai trò ca sỹ. Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng sau di cư vào Nam.

Sau sự kiện 30/4/1975, khi ông vượt biên sang Hoa Kỳ. Các ca khúc của ông bị cấm ở trong nước một thời gian dài.

Việc ông trở về Việt Nam định cư năm 2005 đã gây ra nhiều tranh cãi.

Kể từ đó, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được phép phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, mới khoảng 1/10 số bài hát của ông được biểu diễn ở trong nước.

Trong cuộc trao đổi với BBC, nhạc sỹ kỳ cựu thừa nhận ông từng có giai đoạn sáng tác tuyên truyền trong các giai đoạn chiến tranh, nhưng cho rằng ông chỉ làm như vậy vì yêu nước.

"Lẽ tất nhiên bổn phận của chúng tôi là thế. Bổn phận của người nhạc sỹ khi đi theo kháng chiến, thì phải dùng cái đàn của mình để xưng tụng cuộc kháng chiến."

"Ngoài những bản nhạc về tình ái, hay về những chuyện khác, thì những bản nhạc có tính chất gọi là tuyên truyền đó thực ra cũng là những bản nhạc yêu nước thôi. Đừng nói là tuyên truyền hay không tuyên truyền."

Nhạc sỹ cho rằng âm nhạc của ông đa dạng và luôn biến đổi vì thân phận và tâm trạng của ông luôn "vui buồn" và "trôi nổi" theo vận nước.
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
TagsÂm Nhạc

Re: Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Gửi bàigửi bởi Prebronzer » Tháng hai 03, 2013, 6:41 am

Mấy ngày qua, sau khi Phạm Duy mất, Pre có ngồi đọc lại 04 hồi ký của ông.

Tập 1, thời thơ ấy của ông ngợi Pre nhiều ký ức lẫn nỗi buồn về một Hà Nội xa xưa của Ông và Pre đã không còn nữa.
RANDOM_AVATAR
Prebronzer
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Đến cấp kế tiếp:
88%
 
Bài viết: 94
Ngày tham gia: Tháng ba 30, 2012, 5:34 am
Đến từ thành phố: Hanoi
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng hai 07, 2013, 1:16 am

Cả Hội nhạc sỹ Việt Nam và Hội nhạc sỹ thành phố Hồ Chí Minh đều không gửi vòng hoa tới chia buồn khi biết tin Phạm Duy, cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam qua đời.

Nhạc sỹ Phạm Duy được an táng tại nghĩa trang Công viên Bình Dương ngày 3/2/2013. Từ sáng sớm, hàng ngàn người đã đưa tiễn nhạc sĩ từ tư gia ở một phố nhỏ quận 11, thành phố HCM đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cái chết của người nhạc sĩ tài hoa cao niên, một trong những đỉnh cao của nền âm nhạc Việt Nam, đã để lại rất nhiều xúc động.

Hình ảnh
Hình ảnh
Dòng người đông nghẹt cùng tiễn đưa người nhạc sĩ tài hoa


Hình ảnh
Giáo sư Trần Văn Khuê ngồi xe lăn đến tiễn người bạn thân của mình về nơi an nghỉ cuối cùng





Nhà thơ Lưu Trọng Văn, con Lưu Trọng Lư, bạn thân của Phạm Duy nói rằng điều quan trọng là công chúng đã đến tiễn đưa nhạc sỹ và làm thành dàn đồng ca hát vang các bài Tình ca, Việt Nam Việt Nam hay Những gì sẽ đem theo vào cõi chết.

Ông Trọng Văn cũng nói các hội đoàn như hội nhạc sỹ Việt Nam "không có giá trị bao nhiêu" và nói ông đồng ý với nhận xét rằng cách ứng xử của Hội nhạc sỹ là sự "tội nghiệp" cho chính hội.

Ông nói hội này đã ứng xử khác nếu có lương tâm và sự công bằng nhưng nói thêm "lương tâm còn xa xỉ đối với không ít trí thức".

Tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã nói tại tang lễ rằng 'Âm nhạc của Phạm Duy còn, tiếng Việt còn thì Tổ quốc còn' mượn ý của Phạm Quỳnh 'Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn thì nước Việt còn'.

Trong 70 năm sáng tác, gia tài nhạc sĩ Phạm Duy để lại lên đến cả nghìn ca khúc cho nền âm nhạc Việt Nam.

Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng hai 26, 2013, 12:42 pm

"Phạm Duy's Travels through History"
(Hành trình Phạm Duy qua dòng lịch sử)
Jason Gibbs (2002)


Tôi rất hân hạnh được phát biểu trước quý vị hôm nay tại một buổi hội luận quan trọng như thế này. Thật là đáng ngại phải phát biểu trước một cử tọa quảng bác đã sống với nhạc Phạm Duy, và thậm chí tôi còn phải e sợ hơn nữa khi trình bày trước mặt đề tài bài nói chuyện của tôi. Tôi biết tôi không thể bắt đầu từ một sự nghiệp âm nhạc phong phú đa dạng như vậy để xét đoán nhạc Phạm Duy, vì thế tôi sẽ chỉ chọn một mảnh nhỏ hẹp trong số tác phẩm của ông. Việc khảo cứu của tôi từ bấy lâu chuyên về ca khúc Việt Nam hiện đại. Tuy trọng tâm của tôi đặt vào âm nhạc, thật khó có thể tách rời âm nhạc khỏi những biến cố lịch sử rộng lớn hơn, nhất là trong trường hợp Việt Nam, đất nước mang một lịch sử gian nan đầy tranh chấp. Trong bài nói chuyện của tôi hôm nay, tôi muốn nói về một phần nhạc Phạm Duy thể hiện kinh nghiệm sống trong những thời kỳ hết sức gian nan. Tôi xin được nói ca khúc của ông là sự phản hồi trung thực trước những biến cố thường là hi hữu, và do đó là hình ảnh chính xác của những thời kỳ này.

Suốt dòng đời Phạm Duy, Việt Nam là một nước thuộc địa, bị chiếm đóng trong Thế Chiến, chịu nạn đói, đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua cuộc chiến người Việt đánh người Việt, kinh qua bất ổn về chính trị, và sau hết hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi làm thân tị nạn rải khắp bốn phương tám hướng. Người ta có thể hiểu ý nghĩa lâu bền của một tác phẩm như "Truyện Kiều" của Nguyễn Du với những câu như:

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Người nghệ sĩ sáng tác đóng vai trò gì trong những giai đoạn phức tạp như vậy? Tôi cho rằng họ làm chứng nhân, và biểu lộ những gì đẹp nhất, cao quý nhất của nhân sinh.

Năm 1946 Việt Nam ở vào đêm trừ tịch của cuộc kháng chiến chống Pháp. Phạm Duy viết một ca khúc mà chính ông cũng đã quên, tựa đề "Phương Trời Xa". Hai câu đầu của bài hát như sau:

Một bước ra đi không cần hoài nghi
Nhắm tới phương trời xa xa ca khúc nhạc đời!

Tiếng Anh chúng tôi có thành ngữ "Coi chừng điều bạn ước, có ngày sẽ gặp" ("Be careful what you wish for, yet may just get it"). Từ bước đầu tiên ấy, khi gia nhập kháng chiến, lên đường với cây đàn trên tay, ông không ngừng vận hành theo "nhạc đời". Những ai trong quý vị biết về Phạm Duy đều biết ông vẫn liên tục trên bước đường - qua Paris, London, Hà Nội, Sài Gòn và khắp vùng Bắc Mỹ. Trong bài này tôi muốn nói đến một vài cuộc lữ hành những năm đầu cuộc đời sáng tác của ông đã đưa ông va chạm với những biến cố lịch sử, và những nhận thức ông đem đến cho chúng ta về lịch sử, về đời sống.

Nếu quý vị chưa đọc, tôi xin được mời tất cả quý vị đọc hồi ký của Phạm Duy về giai đoạn này. Những trang hồi ký chứng tỏ lòng yêu nước Việt không mệt mỏi diễn đạt bởi con người mang nhiệt huyết nghệ sĩ vô bờ. Ông viết nhiều bài hát cho kháng chiến như "Nhạc Tuổi Xanh", "Khởi Hành", và "Nhớ Người Thương Binh". Những ca khúc này rất phổ thông và được giới lãnh đạo Việt Minh đánh giá rất cao. Lúc này ông cũng hiểu ra chủ nghĩa xã hội với nghệ thuật chủ đích tìm vào đề tài hiện thực và sử dụng cuộc đấu tranh trong thực tế để tạo ra những điển hình khích động quần chúng. Phương thức này có thể dẫn đến những thể hiện một chiều, giáo điều, nhưng qua tay Phạm Duy chúng ta có được những hình tượng bất hủ mạnh mẽ, vì những nhân vật của ông có thật bằng xương bằng thịt và vì ông nắm bắt được cái hồn của sự việc.

Một số ca khúc đặc sắc nhất của ông viết trong chuyến công tác ông đảm nhận đi cùng một nhóm nhỏ các nghệ sĩ từ Thanh Hóa ở liên khu 4 đến Thừa Thiên ở liên khu 5. Chuyến đi này cực kỳ nguy hiểm, đưa ông đến vùng có những bạo hành khủng khiếp tàn hại dân làng vốn dĩ đã nghèo khổ. Đây là một vùng sâu trong thời kỳ vệ tinh và phóng viên toàn cầu chưa phổ biến, do đó những sự việc này không hề được công bố. Những ca khúc của Phạm Duy có lẽ là bản tường trình chính xác nhất chúng ta có được. Tôi muốn đem chương 29 tập hai hồi ký của ông, đoạn ông mô tả chuyến đi, làm tài liệu bắt buộc cho sinh viên muốn học về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.

Trường hợp ông đảm nhận công tác này cũng rất đặc biệt. Ông vừa đính ước với người vợ tương lai, Thái Hằng, lúc ấy ông cảm thấy bị áp lực phải đi để thuyết phục vợ và thượng cấp rằng ông là người nghiêm túc và sẽ từ bỏ cuộc đời đãng tử. Chuyến đi đưa đến nhiều ca khúc đặc sắc - "Bao Giờ Anh Lấy Đồn Tây"(Sau đổi thành "Quê Nghèo" cùng với một vài sửa đổi trong lời ca), "Về Miền Trung", "Mười Hai Lời Ru", và "Bà Mẹ Gio Linh". "Về Miền Trung" là bản tả thực sắc nét một khung cảnh trải qua bao đau thương không cùng. "Bà Mẹ Gio Linh" là câu chuyện người mẹ một chiến sĩ bị Tây chém đầu. Người mẹ ra chợ nhặt lại cái đầu đứt lìa của con. Quang cảnh này cực kỳ mãnh liệt và xúc động. Tôi có nghe một cuộc phỏng vấn ca sĩ Thái Thanh trên đài phát thanh, cô kể mỗi lần hát cô lại xúc động ứa nước mắt. Nhưng hơn cả cảm xúc của sự kiện, bài hát là lời chứng đời đời cho tình yêu và lòng can đảm trong những giai đoạn cực kỳ đau thương nguy hiểm.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở lại Thanh Hóa, kết hôn. Chẳng bao lâu sau ông lại đi bộ một chuyến nữa, lần này với người vợ mới cưới đang mang thai, đến Việt Bắc, nơi giới lãnh đạo văn hóa của Việt Minh mời ông tham dự Đại Hội Văn Nghệ năm 1950. Giới lãnh đạo biết rất rõ hiệu quả và tính phổ thông của ca khúc của ông. Trong khi chuyến đi này không đem lại cho chúng ta bản nhạc nào, nó lại dẫn đến tình huống giúp chúng ta có được những ca khúc sau đó. Trong cuộc họp, nhạc sĩ lão thành Nguyễn Xuân Khoát báo cho ông quyết định của lãnh đạo gửi ông đi dự một hội nghị quốc tế ở Đông Đức - một vinh dự lớn lao mà hầu như bất kỳ nhạc sĩ đồng chí nào của Phạm Duy trong kháng chiến cũng sẽ hân hoan đón nhận. Phạm Duy từ chối đề nghị này, nói rằng ông không thể đi không có vợ bên cạnh, cảm thấy ông cần có mặt bên vợ khi bà sinh nở. Nhưng nếu đọc hồi ký của ông, hình như lý do thực sự là ông khó chịu trước sự khống chế nghệ thuật tập trung tăng dần từ giới lãnh đạo Việt Minh. Nhạc sĩ Tô Vũ kể với tôi chuyện ông được cử đi tìm Phạm Duy để bảo ông rằng lãnh đạo đã khoan hồng và đồng ý cho phép vợ ông đi cùng ông nếu ông chịu đi Đức. Tô Vũ không gặp được ông, nhưng khẳng định là nếu ông gặp được, Phạm Duy có lẽ đã ở lại với kháng chiến. Cá nhân tôi không nghĩ ông sẽ ở lại.

Trong lần trở lại Thanh Hóa, không khí nghệ thuật đã thay đổi đầy kịch tính. Tướng Nguyễn Sơn, người ủng hộ nghệ sĩ trí thức hết mình, bị thay thế, và thành phần lãnh đạo mới chú trọng nhiều hơn vào việc tăng cường kỷ luật. Theo một nguồn tư liệu tôi phỏng vấn được, Phạm Duy và gia đình thỉnh thoảng bị quản thúc. Sự đổi thay điều kiện hoạt động, thêm vào mối lo cho vợ và con trai mới sinh đưa ông rời bỏ kháng chiến hồi cư về Hà Nội.

Chuyển biến lớn kế tiếp trong đời Phạm Duy thực chất là việc tiên liệu cuộc di cư vĩ đại dân chúng miền Bắc vào Nam diễn ra từ đầu đến giữa thập niên 50. Trong hồi ký, ông viết năm 1950 ở Việt Bắc ông đã biết Việt Minh sau cùng sẽ đánh bại Pháp, do đó ông hẳn đã dự liệu ông sẽ rời bỏ phe chiến thắng, và có lẽ chưa nhất định liệu trong tương lai ông có thể trở về Hà Nội, sinh quán của ông. Hành trình từ Bắc vào Nam cùng với gần một triệu đồng hương, được diễn tả qua những ca khúc như "Tình Hoài Hương", "Tình Ca", "Thuyền Viễn Xứ", . "Tình Hoài Hương" là hình ảnh một Việt Nam lý tưởng, một quê hương lý tưởng. Nhưng quê hương trong bài hát là một quê hương mà tác giả nuối tiếc đã mất đối với ông. "Tình Ca" là tình khúc cho nước Việt ấy, cho tiếng nói, giang sơn, và người dân. Nhưng đây là ý thức trở nên khẩn thiết trên bối cảnh đất nước chiến tranh, bên bờ chia cắt. Với những gì Việt Nam trải qua, làm sao tất cả những yếu tố này có thể tồn tại? Phạm Duy xác định sự tồn tại của quốc gia qua tiếng nói, qua lời mẹ ru, câu Kiều, qua miệng cười thiếu nữ, qua sức lao động miệt mài của nông dân nghèo.

Đến 1954, có hai nước Việt Nam. Trước thảm trạng này, Phạm Duy viết một ca khúc về cuộc lữ hành tưởng tượng và bất khả thi lúc ấy dọc chiều dài Việt Nam từ Bắc xuống Nam - "Con Đường Cái Quan". Trước đó Phạm Duy đã du hành tương tự dưới những tình huống rất khác, là thành viên gánh hát cải lương Đức Huy năm 1944. Người lữ khách của trường ca này cũng là một ca nhân, nhưng ông không du hành để biểu diễn, mà để gặp gỡ và tái hợp người người trên đường ông đi dọc chiều dài đất nước. Tác phẩm này được coi như là một kiệt tác và tôi tin rằng sức sống của nó xuất phát từ những diễn biến phức tạp vốn đã sinh ra cảm xúc cho cảnh sống trong một đất nước bị chia cắt.

Một kết quả tốt đẹp khác của những vốn sống lãng du khắp đất nước của Phạm Duy là việc khảo cứu dân ca. Lần đầu tiên tôi biết đến Phạm Duy là khi đọc quyển "Đặc Khảo về Dân Nhạc ở Việt Nam" (Musics of Vietnam) của ông và hai dĩa nhạc ông thực hiện cho một hãng dĩa Mỹ, Folkways Records. Ông soạn hai bài dân ca mới thể hiện kiến thức này, và giúp duy trì phát triển nhạc dân tộc Việt Nam. Ông cũng sang Mỹ để giúp phổ biến những hiểu biết về Việt Nam và âm nhạc Việt Nam.

Quyển "Tìm Hiểu Việt Nam" (Understanding Vietnam) của Neil Jameson kể lại lần Phạm Duy trình diễn trên truyền hình Mỹ trong một lần đi này. Lần ấy ông hát cho khán giả nghe ca khúc "Nhân Danh". Đó là một ca khúc nhức nhối, hiển nhiên mối thù hận khát máu tăng dần sức hủy diệt.

Vì giữ mình tôi phải giết một người
Vì gia đình tôi phải giết mười người
Vì xóm làng tôi phải giết ngàn người

Jameson viết: "Câu cuối được hát lên chói tai, lạc điệu. Sau một khắc lặng im sững sờ, cử tọa đang bàng hoàng bắt đầu vỗ tay tán thưởng. Nhưng Phạm Duy, nhà nghệ sĩ biểu diễn bậc thầy, ngắt ngang tiếng vỗ tay khi đến hồi nhiệt liệt nhất. Ông bảo mất mát và hủy diệt chỉ để hối tiếc, không bao giờ hoan nghênh hay tặng thưởng. Rồi ông bắt đầu hát lại, trình bày một khía cạnh mới: Vì giữ mình tôi phải cứu."

Đây là một Phạm Duy nhận biết rất rõ sự tàn phá của chiến tranh, sự chai sạn có thể có với bạo lực không cùng. Một trong những ca khúc nhức nhối nhất của ông viết trong lần thứ hai đến Hoa kỳ năm 1970. Đây là thời điểm công chúng Mỹ biết đến sự cố gọi là "Thảm sát Mỹ Lai". Đây là một trong những thời khắc đen tối quay cuồng trong lịch sử nước tôi. Người Mỹ chúng tôi luôn luôn tưởng tượng mình là những "chính diện" nón trắng đến giải cứu để thế giới tốt đẹp hơn. Bỗng dưng chúng tôi phải đối diện với thực tế có những bối cảnh mà đồng bào tôi có thể gây ra tội ác khủng khiếp. Phạm Duy thấy mình trong một phòng khách sạn ở New York, một mặt xa rời cuộc chiến ở quê nhà, mặt khác qua báo chí, ở giữa trạng thái tự nhận diện thảm hại của nước Mỹ.

Ca khúc ông viết trong tình huống này, tựa đề "Kể Chuyện Đi Xa", về buổi hội ngộ của người cha và các con sau chuyến đi từ nước ngoài. Ca khúc trong lần trình diễn này mở đầu với hồi kèn lạc lõng - người cha của những đứa trẻ, thân yêu và khả kính, trở về như một anh hùng. Nhưng ông không cảm thấy mình là anh hùng. Những diễn biến ông nhận thấy trên thế giới khiến ông cảm thấy thua cuộc. Những đứa con ngây thơ nài nỉ "Cha ơi, cha ơi, cha đã đi nhiều! Cha đi đâu? Cha thấy gì? Kể chúng con nghe đi cha". Chúng ta nghe một giọng nói, mỏi mệt vì thấu hiểu bất công trên thế giới, trước tiên kể những điều tốt đẹp ông đã nghe đã thấy. Rồi ông phải đối chiếu những điều tốt đẹp này với sự xấu xa của thế giới - "Mỹ Lai đã thành món quà Giáng Sinh". Ông có thể tưởng tượng mọi người lợi dụng chiến tranh trục lợi cá nhân, buôn súng, và tự thỏa mãn.

Có một thành ngữ Việt Nam - "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Trong chuyến đi này, sàng khôn của Phạm Duy đầy lên, bung rách. Ông kết thúc "Cha cứ đi hoài? Chỉ buồn thêm thôi". Nhưng với tôi ca khúc này rất tuyệt và rất hợp lúc, vì nó nói lên tình hình hiện tại cho tất cả chúng ta. Trong khi ông hát về những diễn biến ở một thời điểm nhất định trên quê hương ông, ông đồng thời phát ngôn vấn đề nan giải chung của chúng ta. Ông đối diện với nhận thức rằng nhân loại, mặc cho bao nhiêu tôn chỉ tiến bộ và văn minh, vẫn có thể có bạo lực và tham tàn không nói hết được, đôi khi thậm chí không hay biết việc mình đang làm. Và nhân loại xem ra không đủ sức ngăn chận sự vô nhân đạo này. Tôi thấy rõ điều này trên thế giới ngày 9-11, mâu thuẫn Trung Đông, Nam Tư cũ, Phi châu, và nhiều nơi khác. Vì thế Phạm Duy đã viết một bài hát mạnh mẽ vượt qua những nền văn hóa và nói lên những rối ren dai dẳng của tình hình hiện tại.

Nhưng tôi không muốn kết thúc trong âm sắc tuyệt vọng. Còn một nơi nữa Phạm Duy đã đến, không xa trong không gian, mà rất xa với những gì từ các cuộc hành trình kia. Đây là hành trình vào địa đàng. Mặc cho những hiểm nguy và thương đau có thể bão hòa bất kỳ ai trong chúng ta, lúc nào cũng vẫn còn chỗ cho tình yêu và hoan lạc. Phạm Duy viết quá nhiều và quá hay về cuộc hành trình ái ân này, tôi thậm chí không cố gắng liệt kê các ca khúc. Nhưng tôi đặc biệt nghĩ đến bài "Giã Từ Ác Mộng" viết gần như cùng lúc với bài tôi vừa kể. Trong bài hát này là chuyến đi cùng nhau vào Địa Đàng.

Ta đưa nhau đến cõi địa đàng
Về một nơi sông dài nước rộng
Ta yêu nhau trên bãi cỏ hoang

Tôi nghĩ tầm quan trọng của Phạm Duy xuất phát từ việc ông có thể vừa nhìn vào ác mộng rong mắt vừa quay lưng lại ác mộng và tìm về thế giới đam mê ngập tràn.

Kết thúc "Kiều", Nguyễn Du viết:

"Chữ tài liền với chữ tai một vần"

Nói cách khác, người có tài năng sẽ gặp tai ương. Phạm Duy rõ ràng đã lâm vào những tai ương - ông chứng kiến những đau thương của chiến tranh, ông bị buộc phải rời quê hương hai lần. Và rồi Phạm Duy diễn dịch tai ương vào ca khúc mang lại sự hiểu biết, và thậm chí ở mức độ nào đó, ý nghĩa cho một giai đoạn khó khăn trong lịch sử. Phạm Duy viết quá nhiều ca khúc với thật nhiều đề tài từ thật nhiều quan điểm mà tôi biết có những chỉ trích về ông cho sự không đồng nhất hoặc không gắn bó trung thành với một lý thuyết hay lý tưởng định sẵn.

Thế nhưng tôi nhìn thấy sự nhất quán rõ ràng xuyên suốt tác phẩm của ông - tình yêu đất nước, yêu đồng bào, và tôi nghĩ một tình yêu lớn lao hơn cho cuộc đời và tình yêu nhân sinh. Tôi thích những lời ông muốn dùng để viết trong bài "Viễn Du":

Phiêu du
Khắp nẻo đây đó .. Bỗng người say sưa
Thấy hoàn cầu mơ khúc đại đồng ca

Ca khúc Phạm Duy, trong khi có lẽ thuộc về dân tộc Việt Nam, rất quan trọng cho tất cả chúng ta. Chúng đem lại cho chúng ta sự hiểu biết về nhân sinh trong những thời kỳ đen tối nhất và tốt đẹp nhất.
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Gửi bàigửi bởi hasinh » Tháng ba 09, 2013, 11:42 am

Cháu xin chia buồn cùng gia đình nhạc sĩ,những bản tình ca của nhạc sĩ sẽ sống mãi trong lòng những thế hệ về sau
http://www.seoitc.com - seo joomla
http://www.xapxinh.com - tai nhac mien phi
http://tranhtheuchuthap.asia - tranh thêu chữ thập
http://xemboi.asia - xem bói
http://cuathudo.com - cửa cuốn
RANDOM_AVATAR
hasinh
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Tháng ba 09, 2013, 11:38 am
Điểm (Points): 0
Handphone: 0

Re: Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng năm 13, 2013, 12:53 am


Kể Chuyện Đi Xa

Đó là tên một ca khúc ít được biết đến của cố nhạc sĩ Phạm Duy nhưng phản ánh rõ mong muốn và lập trường của tác giả giữa một thời kỳ lửa đạn ở Việt Nam, theo lời cây bút Jason Gibbs viết nhân 100 ngày mất của ông Phạm Duy.

Bài ca "Kể chuyện đi xa" của Phạm Duy theo nhịp slow rock (12/8) bắt đầu với tiếng trumpet như kèn lệnh. Có những đoạn của các con hát (viết chữ ngả) được ban Bốn Phương (các nữ ca sĩ Quỳnh Giao, Vân Quỳnh, Vân Khanh và Vân Hòa) biểu diễn.

Bài ca được thu thanh lần duy nhất cho băng cát xét Jo Marcel 25 năm 1972.

Đây là một trong những bài ca của Phạm Duy mà ít người biết đến, chắc vì chỉ có tác giả mới hát được. Bài ca này có tính thời sự kể về tình hình toàn cầu và Việt Nam cách đây hơn 40 năm. Phạm Duy soạn bài ca này ở Mỹ - hình như ở thành phố New York năm 1970. Phạm Duy năm ấy là du khách được nhà nước Mỹ ưu đãi. Trong chuyến đi ấy ông được biểu diễn nhiều chỗ kể cả trên đài truyền hình.
Lời ca của "Kể chuyện đi xa" có một tấm nhìn bao quát với chất tâm sự, tiêu sử, thời sự, và lịch sử. Phạm Duy nhắc đến kinh nghiệm ông trải qua được kể lại cho các con. Ông cũng ôn lại thông tin được biết đến qua sách báo. Và tất cả các sự kiện đi qua cái lọc của bộ não và trái tim của ông.





Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Đi những nơi nào ?
Cha biết những gì ? Kể chuyện con nghe
Cha biết những gì ? Kể chuyện con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Cha đã đi từ ruộng đồng quê ta
Lê gót trên hè của nhiều kinh đô
Châu Á đông người, ở rồi ra đi
Âu, Mỹ xa vời, tạt về Châu Phi
Nhưng con ơi !
Cha đã đi nhiều mà chẳng bao nhiêu
Cha đã la cà mà chẳng đi xa
Con muốn nghe, thì kể chuyện cho nghe
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !

Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Đi những nơi nào ?
Nghe thấy những gì ? Kể lại con nghe
Nghe thấy những gì ? Kể lại con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Cha đã nghe toàn là lời cao sang
Nhân Ái, Nhân Quần ngập Đại Tây Dương
Cha đã soi mình vào dòng sông Seine
Ôm ấp nhân tình ở ngọn Effel
Nhưng con ơi !
Trong lúc xuân tình vừa bừng hơi men
Cha bỗng se mình vì chợt nghe lên
Tiếng khóc la rền của Mẹ Gio Linh
Chen tiếng vô tình của bọn yêu tinh
Buôn súng buôn tiền, làm giầu lên trên
Thân xác dân hiền. Cuộc đời như điên
Nghe súng bom liền, nổ từ hai bên
Nghe tiếng dân mình chửi bọn lưu manh
Nghe thuế điên cuồng (cùng) thịt gạo leo thang
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !

Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Đi những nơi nào ?
Trông thấy những gì ? Thuật lại con nghe
Trông thấy những gì ? Thuật lại con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Đêm Giáng Sinh nào ở miền Tân Châu (1)
Cha đứng trên lầu chọc trời trông theo
Dân chúng ra vào, quà tặng khen nhau,
Chơi tuyết bên cầu, trẻ đùa xôn xao
Nhưng con ơi !
Trên những hoa đèn chập chờn công viên
Bỗng thấy in hình một miền tre xanh
Đôi bé quê mình quỳ gục trên mương
Anh lớn tay choàng chịu đạn cho em
Vết máu trên đường, một tràng liên thanh
Ôi ! Mỹ Lai thành quà tặng No-en
Cho những thiên đường của từng con em
Trong những gia đình gọi là văn minh
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !

Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Cha đã đi nhiều
Cha nhắn nhe gì ? Để tụi con nghe
Cha nhắn nhe gì ? Để tụi con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Cha muốn thưa rằng: Địa cầu xoay nhanh
Kiếp sống thanh bình, người người mưu sinh
Sao nước non mình còn nhiều điêu linh
Ai đã cố tình đẩy cuộc đua tranh
Đem cháu con mình làm vật hi sinh
Đất nước hai miền chật chội oan khiên.
Ôi con ơi !
Cha có đi tìm một niềm vui riêng
Cũng thấy thẹn thùng vì tội gom chung
Thế giới lẫy lừng để một quê hương
Chua sót vô vàn ! Thật là vô lương
Cha muốn thưa rằng: Người Việt đau thương
Thế giới âm thầm, thủ phạm lâu năm
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !

Con ơi ! Con ơi !
Thế giới bên ngoài, cha đã đi nhiều
Nhưng cha có đi hoài, chỉ buồn thêm thôi
Cha có đi hoài, chỉ buồn thêm thôi
Chỉ buồn thêm thôi
Chỉ buồn... thêm... thôi !
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0


Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron