Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Nhạc JAZZ

Âm nhạc

Nhạc JAZZ

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng bảy 25, 2012, 10:07 am


Jazz


Vào khoảng thời gian Stravinsky và Schoenberg thổi một làn gió mới vào ngôn ngữ âm nhạc Âu Châu thì ở bên Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ xuất hiện một thể nhạc mới gọi là: Nhạc JAZZ.

Nhạc JAZZ

Nhạc Jazz đến với chúng ta lúc đầu từ những nhạc sĩ da đen, trình diễn trên đường phố, trong các bar rượu, trong các nhà chứa, trong các phòng nhảy ở New Orleans và một số các thành phố khác ở miền Nam Hoa Kỳ vào những năm đầu của thế kỷ 20. Chữ “Jazz” xuất hiện rộng rãi trong quần chúng vào khoảng năm 1917, nhưng trên thực tế, Jazz đã được nghe trước đó từ lâu. Không có tài liệu chính thức về sự khởi đầu và sự hình thành nguyên thủy nhạc Jazz vì lúc ấy loại nhạc mới này chỉ mới xuất hiện dưới hình thức trình diễn, và chưa được viết thành bài bản hoặc được hệ thống hóa. Không những thế, rất ít nhạc Jazz đã được thâu âm trước năm 1923 và hoàn toàn không có một thâu âm nào trước năm 1917 khi ban nhạc Original Dixieland Jazz Band thâu âm lần đầu tiên. Khởi nguồn xuất phát từ New Orleans tiểu bang Lousiana, nhạc Jazz đã phát triển qua nhiều thể loại.

Tiến triển theo thời gian:

  • Khởi thủy là New Orleans style (còn gọi là Dixieland Jazz): 1900 – 1917
  • Bebop style: thập niên 1940
  • Cool Jazz: thập niên 1950
  • Free Jazz: thập niên 1960
  • Jazz Rock (fusion): cuối thập niên 1960
  • Từ thập niên 1970 trở về sau Jazz Rock là style được ưa chuộng nhiều nhất.

Trong hơn 100 năm không ngừng phát triển, nhạc Jazz đã sản xuất ra nhiều nhạc sĩ và nhà soạn nhạc tài ba như: Louis Armstrong, Duke Ellington, Benny Goodman, Charlie Parker, Miles Davis……. . Nhạc Jazz không những ảnh hưởng đến rất nhiều thể loại nhạc phổ thông trên thế giới mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ trên âm nhạc của một số nhà soạn nhạc lừng danh như Maurice Ravel, Darius Milhaud, Debussy… của Pháp, Aaron Copland của Hoa Kỳ, và một số các composer khác nữa.

A. Vị trí của nhạc Jazz trong xã hội:

Khởi đầu thánh địa của Jazz là New Orleans. Về sau các nhạc sĩ Jazz vì sinh kế đã di chuyển ra khỏi Lousiana, và đã biến các thành phố Chicago, Kansas City, New York thành các trung tâm nhạc Jazz nổi tiếng. Ngày nay Jazz lan tràn khắp thế giới từ New York đến Paris, đến Tokyo, đến Amsterdam, đến Singapore……. đến Sài Gòn ….

Cùng với sự thay đổi về yếu tố địa lý, nhạc Jazz cũng có những đổi thay lớn về vị trí nhạc học. Từ nguyên thủy Jazz xuất hiện như là một loại nhạc để khiêu vũ, giải trí (entertaining). Nhưng từ sau 1940 nhiều thể điệu nhạc Jazz được sáng tạo nhằm mục đích thưởng ngoạn (listening).

Ngày nay Jazz không phải chỉ nghe thấy ở những Bars hay Night Clubs mà còn được nghe trình diễn ở các concert hall (Ex:hàng năm ở Dale Carnegie Hall, Lincoln Center, N. Y) và ở hầu hết các lớp Jazz trong các trường Ðaị học Hoa Kỳ.

Không những thế ngay cả ấn tượng về nhạc Jazz cũng hoàn toàn thay đổi, khởi thủy người ta nhìn nhạc Jazz nặng về dục tính (sexuality), ngày nay Jazz đã được nhìn nhận là “Art Music” của Mỹ, được nghiên cứu và hệ thống hóa, đã có các nhạc viện Jazz Institutes, Jazz Libraries, Jazz Museums trên khắp nước Mỹ.

B. Nguồn gốc nhạc Jazz

Nếu trong các lọai rược nho, có một loại được gọi là “meritage” tức là loại rượu được làm bởi nhiều loại nho trộn chung với nhau. Thí dụ như chai rượu rất ngon và rất có tiếng là chai Opus One (của nhà làm rượu Baron Philippe Rothschild và Robert Mondavi) chai này làm bằng 5 loại nho: cabernet sauvignon, cabernet franc, merlot, malbec và petit verdot.

Khác với chai Kathryn Kennedy cũng rất nổi tiếng nhưng chỉ làm thuần bằng 1 loại nho cabernet sauvignon, cả hai chai rượu này uống rất ngon, mỗi chai ngon một cách riêng và người uống thường hay nói là: “Chai Opus One này là một chai meritage uống rất thú vị. còn chai Kathryn Kennedy là chai thuần Cab uống khi ăn steak thì tuyệt vời. ”

Nhạc Jazz giống như một loại Meritage của rượu nho (như chai Opus One nói trên) Jazz phát sinh từ một hỗn hợp tạp chủng của “Folk music, Popular music, và Light classical music”.

Sự kết hợp này xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 khởi đầu từ New Orleans. Lúc ấy người Pháp và Tây Ban Nha thay nhau nắm chủ quyền và người da đen bị bắt về từ Phi Châu để làm nô lệ ở đấy (năm 1718 người Pháp bắt đầu xây dựng thành phố New Orleans). Khi bị bắt về Mỹ, người Phi Châu không được phép mang theo dụng cụ âm nhạc, nhưng họ đã mang theo trong dòng máu của họ cái “tastes” riêng về âm nhạc của xứ sở Phi châu xa xôi ấy.

Jazz nẩy sinh từ sự kết hợp của nhiều văn hóa âm nhạc khác nhau mà chính yếu là Tây Phi châu, Âu châu và Mỹ châu.

Phi Châu đóng góp chủ yếu vào ngẫu hứng (improvisation), bộ trống (drum), bộ gõ (percussion) với nhịp kép phức tạp (complex rhythm).

Dân ca da đen (afro-american country blues) với một đặc điểm gọi là: call and response (hỏi, đáp). Sắc thái này phát xuất rõ rệt trong các buổi lễ nhà thờ của người nô lệ da đen lúc bấy giờ.

Văn hóa Âu châu đóng góp cho nhạc Jazz qua các người chủ đồn điền mang theo họ dòng nhạc cổ điển tây phương, cùng lúc các mục sư, và các giáo sĩ truyền giáo đã gieo rắc thánh ca trong các thánh lễ nhà thờ ngày chúa nhật…. Một cách rất tự nhiên âm nhạc âu châu đã cung cấp hòa âm cho nhac Jazz lúc khởi đầu.

Ngoài ra sau thế chiến, các ban quân nhạc American Marching Band cũng đóng góp những yếu tố quan trọng trong sự hình thành của nhạc Jazz lúc ấy. .

C. Các nhân tố cấu thành nhạc Jazz:

1. The Blues:

Blues là một thể nhạc bao gồm thanh nhạc và khí nhạc, với một phong cách trình diễn đặc biệt. Blues xuất phát từ dân ca của người nô lệ da đen, các ca khúc hát lên trong khi làm lao động nơi các đồn điền, ca hát nhẩy múa trong các buổi lễ cầu thần, . v. v… Không có ghi nhận Blues bắt đầu xuất phát từ lúc nào, vào khoảng năm 1890 Blues bắt đầu được nghe thấy ở các vùng thôn dã miền Nam nước Mỹ.

Có một điều chắc chắn là Blues không đến từ Phi Châu!

Blues được khai sinh ra trên đất Mỹ bởi những người nô lệ châu Phi và truyền đến các đời sau qua con cháu của họ. Bản chất của Blues là những bài dân ca nói lên nỗi thống khổ của thân phận con người nô lệ, của nỗi đau tình phụ, nỗi hận đời bạc bẽo, nỗi khổ của đói nghèo, của sa đọa, hút sách, của chém giết…sầu đời. Từ trong ca từ, trong cách trình diễn, dựa trên cái Blues Scale làm nền tảng, tất cả tạo nên một ngôn ngữ âm nhạc rất “poetic”, rất “thân phận con người”.

Nhạc sĩ Blues nơi thôn dã
Khởi đầu Blues chỉ là những bài dân ca, khi trình diễn không có đàn đệm, về sau người ca sĩ cô đơn ấy thường vừa hát vừa gẩy guitar hay với một cây Banjo!

Cách hát nhạc Blues giống như kỹ thuật hát hoặc đánh đàn của người Senegal hay Gambia ở phía Bắc của Tây Phi châu. nốt nhạc phát ra khi hát nghe rã rời, thê lương, thống khổ, nốt nhạc được bẻ cong đi, nghe như hát sai nốt và sai nhịp, tạo cho người nghe (và dĩ nhiên người hát) cái cảm giác ngây ngây, rã rượi – gọi là một trạng thái “rất Bluesy”, “rất soulful”.

Cho đến khoảng 1910, nhạc Blues trưởng thành và lan rộng trong quần chúng, tiêu biểu lúc bay giờ là 2 nhạc phẩm: Memphis Blues (1912) và St Louis Blues (1914) của W. C Handy đã được Bessie Smith thâu âm và bán nhiều triệu đĩa (năm 1920).

Cho đến thập niên 1920 hai thể điệu Blues và Jazz thường trộn lẫn trong các trình diễn của nhạc sĩ Jazz và ca sĩ nhạc Blues . Theo với thời gian ảnh hưởng của Blues càng rõ nét hơn trong nhiều thể loại nhạc khác như Rhythm and Blues, Rock and Roll, country music… v. v…

2. Ragtime

Xuất hiện tại New Orleans khoảng năm1890 và thịnh hành đến 1915. Ðây là một thể loại âm nhạc dành cho piano phát sinh ra từ các pianists da đen chơi nhạc trong các hộp đêm và phòng nhẩy. Nhạc viết ở nhịp 2/4 và đặc biệt tay phải đánh melody rất nhiều ở nhịp chỏi (syncopated).

Khi trình diễn người ca sĩ hay nhạc sĩ cố tình nhấn những nốt mạnh vào giữa hai nhịp tạo thành các nhịp chỏi liên tiếp (chữ “rag-time” xuất phát khi người ta nói về người ca sĩ đang trình diễn Blues rằng là: cô ấy đang “ragging” cái bài hát ấy).

Các nhạc sĩ Jazz sau này, chơi các nhịp lơi, nhịp chỏi, nhấn nốt trước hoặc sau phách mạnh (playing around the beat) tạo ra cái cảm giác “swing” là do lấy từ syncopation của Ragtime music mà ra.

Tại Hoa Kỳ nhà soạn nhạc, nhạc sĩ da đen được mệnh danh là “The King of Ragtime” - Scott Joplin (1868 - 1917) với bản “The Entertainer” đặc biệt nổi tiếng và vẫn còn được trình diễn đến ngày hôm nay.

3. Nhu cầu giải trí của New Orleans

Cuối thế kỷ 19 thành phố New Orleans là một trung tâm thương mại lớn với cửa biển của sông Mississippi là hải cảng nối đường biển của Mỹ châu, Âu châu và vùng Caribbean. New Orleans trở thành một trung tâm lớn đón nhận du khách, đủ mọi thành phần từ khắp nơi trên thế giới, và dĩ nhiên phải tự phát triển để đáp ứng các nhu cầu giải trí đủ loại, trong đó có dancing, bars, brothels là chủ yếu. Các nơi ấy chính là nơi “nẩy sinh” và “phát triển” nhạc Jazz lúc đầu. (thậm chí lúc đó còn có một “famous prostitutions district” có tên là Storyville nữa)

4. Các ban kèn đồng

Nhân tố thứ 4 trong sự hình thành Jazz là sự hiện diện của các ban kèn đồng trong các ban quân nhạc của quân đội Pháp taiï New Orleans.

Cũng giống hệt như ở Việt Nam khoảng 1920 lúc khởi sinh nền tân nhạc VN, khi chiều chiều tiếng kèn đồng, tiếng accordéon vọng ra từ các trại lính lê dương, tiếng dương cầm, tiếng vỹ cầm vọng ra từ các máy 78 tua từ trong các dinh quan toàn quyền, quan công sư. Chính những mầm mống âm nhạc ấy nẩy sinh ra nền âm nhạc thất cung lúc khởi đầu.

5. The Creoles

Một yếu tố nữa trong sự hình thành nhạc Jazz lúc bấy giờ là một lớp người mới tại New Orleans: “the creoles” người da đen lai da trắng, con của các ông lớn người Pháp, người Tây Ban Nha. Họ được ăn học và có đẳng cấp xã hội, có con em được gửi đi âu châu du học, có người đi học nhạc tại các nhạc viện âu châu như conservatoire de Paris v. v…. và chịu ảnh hưởng sâu xa của âm nhạc cổ điển tây phương.

Lớp Créoles musicans này cũng đã đóng góp lớn lao vào sự phát triển và cấu trúc của nhạc Jazz .

D. Kết luận

Ðể tóm tắt lại chúng ta có thể nghĩ về nhạc jazz như sau:

1. Jazz là nhạc Mỹ (lúc đầu là của mỹ da đen)
Jazz là một hỗn hợp tạp chủng của 3 nền văn hóa: Tây Phi châu, Âu châu và Mỹ châu.

Mà một cách nhìn giản dị có thể coi như:

  • West Africa cung cấp Rhythm
  • Classical music- cung cấp harmony
  • Country blues của người nô lệ da đen cung cấp melody và lyrics.

2. Jazz có rất nhiều định nghĩa khác nhau nhưng đa số đều đồng ý là:
Off Topic
Jazz = Improvisation + Swing


3. Các nhân tố đầu tiên kết hợp để hình thành nhạc Jazz khởi đi từ New Orleans ở những ngày đầu của thế kỷ 20 là: Blues, Ragtime và Brass band.

4. Blues và Jazz chỉ gặp nhau ở lúc đầu sau đó Jazz tự phát triển, hệ thống hóa, trở thành “Art Music” và “lang chạ” có DNA trong hầu hết các thể loại nhạc khác.

E. Tâm tình người viết

Thưa các bạn hôm nay trời mưa buồn quá, nhớ bạn nhớ bè, nhớ thơ nhớ nhạc, không biết làm gì bèn mở lại mấy cuốn Jazz Texts và nảy ra ý định viết vài hàng gửi đến các bạn yêu nhạc đọc cho vui. (đặc biệt là thi sĩ Lê Hân của chúng ta)

Mình học jazz piano cũng đã lâu và phải nhận là jazz không dễ chút nào!

Hình như “swing” và “syncopation” là những gì vốn không có trong ngôn ngữ và văn hóa âm nhạc của mình. Có lần một người bạn bảo tôi: khi nào ông phải vừa đi vừa nhún nhẩy và ngoáy đít như tụi Mỹ đen và phải ăn nói lè nhè như Mỹ đen thì khi đó chơi nhạc jazz mới khá được! Nghĩ cho cùng thì thấy cũng có vẻ có lý! Nhưng hãy để đấy như một ý kiến chủ quan .

Riêng tôi rất thích “jazz harmony, jazz chords, jazz progressions”. Rất bị quyến rũ bởi những mầu sắc mới và những âm thanh lạ của những harmony mà đa số là “cột dọc” (vertical) của Jazz . Nó “táo bạo” và mới mẻ hơn những harmony ảo diệu, tuyệt vời nhưng quen thuộc của “classical harmony” mà đa số là “hàng ngang” (horizontal) .

Tuy vậy mình lại không thích nhạc Jazz. Hàng ngày nếu phải tập bài jazz thì phải tập nhưng khi mở CD nhạc để nghe thì thế nào cũng lại chọn không Chopin thì Beethoven đó thôi.

Có bạn lại hỏi tôi: thế ông học jazz làm gì? Cái vụ này thì hơi khó trả lời! Có lẽ nếu mình sử dụng được Jazz harmony và jazz language vào nhạc Việt khi sáng tác (đã có khá nhiều composers VN trẻ đã làm arrangements theo các styles này) mình nghĩ sẽ có nhiều điều thú vị hơn trong âm nhạc chăng? (giữa một G7 rồi về C và một G7-9 về C6 hay giữa một Bb7 về Eb và Bb7-9(13) về EbMaj9 thì đây là những điều rất quyến rũ đối với người nhạc sĩ! phải không các bạn?) Xin lỗi mình đi quá xa đề tài rồi!.

Trước khi chấm dứt bài Jazz? này tôi xin mời bạn nghe một bản nhạc rất quen thuộc đó là bài Autumn Leaves của Joseph Kosma (lời của Jacques Prevert) của Pháp với tên là Les feuilles Mortes viết năm 1945 theo thể loại Ballad. Năm 1947 nhạc sĩ người mỹ Johnny Mercer viết lời tiêng anh. Từ đó đến nay không biết bao nhiêu phim ảnh, CD, DVD, Concerts đã trình diễn Autumn Leaves. Và ngày nay Autumn Leaves đã chính thức trở thành Pop Standard và Jazz standard của thế giới âm nhạc chúng ta.



Xin thành thật cám ơn các bạn đã đọc bài Jazz này.


Ðăng Khánh
Houston. Texas
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
TagsÂm Nhạc

Re: Bình Luận Về Nhạc JAZZ

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng bảy 25, 2012, 10:28 am




Jazz - Một hiện tượng toàn cầu hoá

GS Mart Stewart (Khoa lịch sử, ĐH Western Washington) cùng phu nhân- nhà văn, dịch giả Lý Lan - đã đến toà soạn Tia sáng trò chuyện thân mật về vấn đề toàn cầu hóa thông qua một hiện tượng văn hóa thú vị của thế kỉ XX mà ông hết sức say mê: Nhạc Jazz.

1. Ở Mỹ hiện có rất nhiều kênh radio chuyên phát nhạc Jazz và Jazz đã được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường đại học ở Mỹ. Dầu vậy, số lượng người nghe Jazz và say mê Jazz chắc chắn không thể nhiều bằng số lượng người nghe Britney Spears. Theo tôi, đó là điều tất yếu. Nghe Jazz tương đối khó. Trong khi Pop dụ dỗ và "nịnh tai" thì Jazz lại thách thức tâm hồn người nghe. Nhạc pop có tính tiêu khiển mạnh mẽ hơn Jazz rất nhiều trong khi đó Jazz lại có tính hướng thượng. Và tôi cũng nhớ đến một câu chuyện về Chick Corea, một nghệ sĩ da trắng chơi Jazz fusion rất nổi tiếng. Trong những năm 70 của thế kỉ trước, trong một buổi hòa nhạc, khi có người hỏi anh ấy về số phận của Jazz, Chick Corea trả lời đại ý rằng Jazz sẽ trở thành âm nhạc cổ điển của tương lai. Ở thời của mình, chưa chắc đã có nhiều người biết đến Mozart hay Beethoven. Hoặc ít nhất, chắc gì có ai nghĩ rằng họ sẽ trở thành bất tử. Số phận của Jazz cũng sẽ là như thế. Đến một ngày, nó sẽ trở thành kinh điển. Tôi đồng cảm với cái nhìn lạc quan của Chick Corea. Một ngày nào đó, Jazz cũng sẽ trở thành một thứ âm nhạc cổ điển mới của thế kỉ XX bởi lẽ, trong bản chất của thể loại âm nhạc này đã tiềm ẩn tố chất của điều đó và hơn thế nữa, số phận của Jazz chính là một hình mẫu của một tiến trình nổi bật nhất của thế kỉ XX: toàn cầu hóa.

2. Jazz chính là một sản phẩm của toàn cầu hóa. Tổ tiên xa xưa của Jazz là âm nhạc lao động và âm nhạc tôn giáo - negro spiritual, gospel – của người da đen. Đến đầu thế kỉ XX, cũng chính người da đen là những người đã làm một cuộc pha trộn giữa nhạc blues, ragtime và âm nhạc châu Âu để khai sinh ra Jazz. Có lẽ chính vì nguồn gốc pha trộn và "địa vị" xuất thân như thế nên cho đến giờ, chưa có một lời giải thích thật sự thuyết phục cho cái tên Jazz. Vậy là Jazz chính là sản phẩm của một cuộc gặp gỡ và pha trộn văn hóa trên một vùng đất mới. Toàn cầu hóa là một tiến trình tự nhiên đã diễn ra một cách nổi bật từ mấy trăm năm nay, tuy nhiên, phải đến thế kỉ XX, toàn cầu hóa mới bắt đầu trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng bởi sự gia tốc khủng khiếp của nó nhờ sự hỗ trợ của những phương tiện kĩ thuật hiện đại. Điều này cũng đúng với Jazz. Theo nhiều nhà nghiên cứu về Jazz thì tiến bộ kĩ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình biến Jazz trở thành một thể loại có tính toàn cầu. Chính những nhạc cụ biểu diễn và những phương tiện truyền bá hiện đại đã khiến cho Jazz trở thành một thứ âm nhạc được phổ biến trên toàn thế giới rất nhanh. Với một bức tranh, người ta có thể cảm nhận ở những thời điểm khác nhau. Nhưng với một bản Jazz thời kỳ sơ khai lại khác, nó chỉ là một sản phẩm phù du. Công nghệ ghi âm đã khiến Jazz "bất tử hóa". Tất nhiên nghe Jazz "sống" vẫn là một lạc thú.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Jazz trở nên phổ biến là khoảng từ 1930 trở đi, các ban nhạc Jazz bắt đầu đi lưu diễn nhiều nơi. Trên hành trình ấy, Jazz đã vay mượn và thu nhận những yếu tố ngoại lai để làm phong phú chính mình. Chính quá trình thoát khỏi ranh giới tồn tại có tính địa phương tiếp xúc và đối thoại với bên ngoài để làm mới chính mình mới là một hình ảnh điển hình của toàn cầu hóa. Theo con đường ấy, Jazz đã dần chiếm địa vị quan trọng trong đời sống văn hóa ở Mỹ. Trong khoảng 40 năm gần đây, các đại học Mỹ đều có dạy Jazz nhưng nổi tiếng nhất là ở Berkeley nơi đã có người Việt đến học Jazz. Chính những du học sinh học đó đã mang theo nền văn hóa của nước mình và làm phong phú cho Jazz Mỹ.

3. Trước thập niên 60 – 70 của thế kỉ trước, Jazz là một thể loại underground, một thể loại nhạc "ngoài lề". Sau đó, chính phủ Mỹ có chủ trương giúp các Jazz band ra biểu diễn nước ngoài, đặc biệt là đến châu Phi để thuyết phục họ đứng về phe Mỹ. Như vậy, việc toàn cầu hóa âm nhạc, ở một khía cạnh, có vấn đề chính trị. Thật cay đắng, mỉa mai là những nghệ sĩ Jazz Mỹ trước đó rất nghèo khó nhưng lại được chính phủ Mỹ đưa ra các nước khác như một hình mẫu tiêu biểu của văn hóa Mỹ và nước Mỹ. Tất nhiên Jazz quá hay, và người ta yêu Jazz mà không nhất thiết phải yêu nước Mỹ. Ở Éthiopie, một nước nghèo, trong những năm 60, người ta mê Duke Ellington như điếu đổ. Và từ đây, xuất hiện một hiện tượng đặc biệt: Jazz được "xuất khẩu" sang châu Phi vì mục tiêu chính trị, thế nhưng những người châu Phi lại tiếp nhận Jazz như loại âm nhạc "nội địa" được sáng tạo bên ngoài châu lục này. Đó cũng là thời điểm Jazz mở cửa tiếp nhận những ảnh hưởng của nhiều phong cách âm nhạc trên thế giới, của nhạc châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, để trở thành loại nhạc toàn cầu với những tour biểu diễn vòng quanh thế giới của các nghệ sĩ và nhóm nhạc Jazz. Từ đó bắt đầu khuynh hướng World jazz pha trộn nhiều phong cách âm nhạc khác nhau trên thế giới vào Jazz. Ở Việt Nam, theo như tôi biết thì hai cha con các ông Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc là những người kiên trì khuynh hướng này. Ở Mỹ, trong những năm 1970, Miles Davis đã vay mượn Rock&Roll để sáng tác Jazz. Ông là nghệ sĩ Jazz lớn nhất ở Mỹ. Ông tạo ra một thứ nhạc pha trộn Rock&Roll và những hình thức âm nhạc khác sử dụng âm thanh điện tử tổng hợp. Ông sử dụng đồng thời nhiều loại nhạc cụ. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, nhiều nhạc sĩ Jazz bắt đầu dùng nhạc cụ điện tử. Ý thức khám phá, thám hiểm trong lĩnh vực Jazz đã khiến Miles Davis tìm tòi những phương tiện, những ảnh hưởng từ những nền âm nhạc ngoại lai. Trong bản thân việc trình diễn âm nhạc của nhạc sĩ đã có sự toàn cầu hóa.

4. Vì sao Jazz lại lan tỏa nhanh đến vậy? Có lẽ trước hết bởi một chân lí vô cùng xưa cũ: âm nhạc cuối cùng phải là âm nhạc, tài năng của người nhạc sĩ là điều quyết định. Âm nhạc phát triển bằng giá trị tự thân của mình. Âm nhạc có tính hấp dẫn toàn cầu. Điểm thứ hai là tính linh hoạt của Jazz, Jazz vừa là ban nhạc tập thể nhưng lại có khoảng trống cho từng cá nhân ứng tác (improvisation). Việc Jazz phát triển cùng với quá trình toàn cầu hóa chính là nhờ tính mở thuộc về bản chất của Jazz. Jazz hàm chứa một tiềm năng lật đổ, phản kháng âm thầm. Năm 40, Charlies Parker lấy những hình thức nhạc truyền thống, tháo ra, ráp lại tạo thành bebop music. Thứ âm nhạc ấy có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông lấy nhạc truyền thống châu Âu, tách ra, ráp lại theo một hòa âm (harmonie) mới. Từ giai đoạn đó về sau người ta thường chia thành Classic jazz và những loại Jazz có tính cách tân. Có những nhạc sĩ cổ điển như Charlies Parker, Miles Davis, Dizzy Gillespie... mà những người sau chỉ việc ứng tác, ứng biến ra thêm trên những bản nhạc của họ.

5. Năm 2000, lần đầu tiên đến Việt Nam, khi nghe âm nhạc truyền thống Việt nam, tôi thấy rằng những giai điệu của dân ca Việt Nam có thể dùng nhạc cụ Jazz để biểu diễn. Tìm hiểu kĩ hơn, tôi biết rằng đã có những nghệ sĩ Việt Nam cách tân Jazz theo hướng đó. Sau đó tôi phát hiện ra câu lạc bộ của cha con ông Minh, Đắc. Họ đã làm việc đó và làm rất tốt. Vài năm sau, năm 2003 khi tôi quay lại Việt Nam, ở đây đang có một festival Jazz. Trong Festival đó có nhiều người trẻ, và cả những người Âu trình diễn Jazz. Nhìn xuống khán giả tôi cũng thấy rất nhiều người trẻ. Nhiều buổi biểu diễn diễn rà vào ban ngày. Có thể, họ đã bỏ công việc để đi xem. Nhìn họ nói chuyện về âm nhạc, giao lưu với nhạc sĩ, hào hứng và thú vị, tôi tin vào sức sống của Jazz trên đất nước này. Đó cũng chính là một hình ảnh cụ thể của toàn cầu hóa về văn hóa.

6. Không chỉ có vậy, nhạc Jazz còn là một thành tố góp phần vào những thay đổi tích cực của xã hội. Ở Mỹ, nhạc Jazz gắn với những thay đổi về địa vị của người da đen trong xã hội. Nó góp phần xóa nhòa ranh giới đen – trắng. Năm 1920, Bix Beiderdecke và L. Amstrong, một trắng một đen, gặp nhau. Hai người cùng chơi nhạc và thứ âm nhạc đó được cả người da đen và người da trắng yêu thích. Đó là một thứ âm nhạc đa sắc tộc. Tuy Jazz là nhạc của người da đen nhưng cũng có cả những người da trắng tài hoa chơi Jazz. Trong nhạc của Minh và Đắc chơi có cả nhạc Jazz của người da trắng. Điều thú vị là nhiều người ở ngoài nước Mỹ coi Jazz là nhạc của người da đen nhưng thực ra đó là một thứ âm nhạc đa sắc tộc. Jonh McLaughlin vừa chơi với Miles Davis vừa chơi với các nhóm nhạc Ấn Độ và biểu diễn ở Nhật Bản. Ông này là người da trắng. Khi lên sân khấu người Nhật không cho ông lên vì họ nghi ngờ tài năng của ông ta. Vậy nên nếu như nguyên thủy Jazz là âm nhạc của người da đen thì giờ đây, nó không còn là thế nữa. Thật khó để nói Jazz hay cuộc đấu tranh vì quyền của người da đen cái nào là tiền đề của nhau nhưng rõ ràng, hai điều đó có mối quan hệ thật gắn bó. Một trong những lí do mà thanh niên Mỹ trong thập niên 60 thích nghe Jazz, Blues vì phong trào đấu tranh cho người đen rất mạnh.

Hãy trở lại điểm bắt đầu. Tôi vẫn tin rằng, Dù ngày nay, số người nghe Jazz có thể không nhiều như số người nghe nhạc Pop nhưng tôi vẫn không tin rằng Jazz có thể biến mất. Tôi vẫn nhớ khi tôi còn nhỏ, không radio, không internet, chỉ một lần duy nhất, tôi được nghe Modern Jazz Quarter biểu diễn ở làng. Lần ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vẫn tin rằng Jazz có khả năng giáo dục con người. Và ngày nay, nhiều nghệ sĩ Jazz đang nỗ lực cho điều đó. Là một nghệ sĩ Jazz lớn, có giọng hát đặc biệt, ông đã tiến hành các nghiên cứu về nguồn gốc nhạc Jazz từ thời Louis Amstrong, Ông bắt đầu làm những chương trình trên Radio, đưa nhạc Jazz đến dạy cho dân. Với những người như Wynton Marsaliss, chúng ta tin rằng, rồi một ngày kia Jazz sẽ trở thành một thứ âm nhạc cổ điển của thế kỉ XX.
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Bình Luận Về Nhạc JAZZ

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng bảy 25, 2012, 10:59 am


Nhạc Jazz

Jazz là một nét văn hoá bản xứ ban đầu chỉ của riêng người Mỹ và đã được tạo ra bởi người Mỹ. Âm nhạc phương Tây và châu Phi là nơi đã gieo hạt nên jazz, nhưng chính văn hoá Mỹ mới là nơi jazz nảy mầm và phát triển. Jazz không phải là loại nhạc của người da trắng, cũng chẳng phải là của người da đen, mà nó là cả một câu chuyện về những phong tục, di sản và cả triết học.

Trong suốt những năm đầu tiên phát triển của đất nước Mỹ, chế độ sở hữu nô lệ được coi là một chuẩn mực. Nô lệ bị ép buộc đến từ châu Phi phải làm việc vất vả trong các đồn điền của người Mỹ. Những nhạc công và những tài năng âm nhạc trong số đó đã học được rất nhanh nền âm nhạc vốn có sẵn của phương Tây, cùng lúc đó, âm nhạc phương Tây cũng đã có không ít bài học về âm nhạc Phi châu.

Nền văn hoá sơ khai của châu Phi coi trọng âm nhạc hơn phương Tây rất nhiều. Âm nhạc là một khía cạnh quan trọng trong những hoạt động hàng ngày của thổ dân châu Phi. Thổ dân châu Phi rất coi trọng các hoạt động theo nhịp điệu khá phức tạp và tiến bộ dựa trên một ca từ và giai điệu đơn giản. Những nét nhịp điệu này đã gắn liền với nô lệ châu Phi trong suốt thời gian họ bị bắt ép làm nô lệ ở Mỹ.

Hơn nữa, một số những người Mỹ da đen mới cũng thể hiện mình thông qua nét âm nhạc truyền thống của họ. Vì cách xa quê hương nên âm nhạc truyền thống một phần cũng không thể thể hiện chính xác được vì rất nhiều lý do, ví dụ như không được sử dụng các nhạc cụ châu Phi truyền thống. Có thể hiểu như một ban nhạc rock của các nghệ sỹ châu Phi khi biểu diễn ở Mỹ không được sử dụng bất cứ một cây guitar điện, một dàn trống… Tuy vậy, ban nhạc này vẫn đủ nội lực để có thể sử dụng các nhạc cụ có sẵn tạo ra âm nhạc của mình và điều này là chính xác đối với các nô lệ da đen ở Mỹ.

Bên cạnh việc tìm các nhạc cụ mới, các nhạc sỹ châu Phi cũng đã mở rộng mình để tìm hiểu âm nhạc của phương Tây. Sự mở rộng này là khởi nguồn nảy mầm của nhạc jazz. Những ca từ, giai điệu, nhịp điệu, và cả văn hoá Tây phương không ít thì nhiều cũng đã dần thấm vào những người da đen. Tất nhiên, các nhạc sỹ da trắng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều khi nghe nhạc của người da đen. Thời gian trôi qua, và sự trao đổi âm nhạc này đã tạo ra Jazz.

Một số các nghệ sỹ đã nổi lên vào thời điểm này như Don Redman (saxophone), Bix Beiderbecke (trumpet), Fletcher Henderson (band leader), Jelly Roll Morton (piano/composer), và Kid Ory (trombone/composer).

Một nghệ sỹ đã trở nên chín chắn và được mọi người thán phục vào thời kỳ này là Louis “Satchmo” Armstrong (trumpet). Armstrong đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhạc Jazz, vì vậy nhiều người gọi ông là “cha đẻ” của Jazz. Muốn thêm thông tin thì có thể vào trang web http://louis-armstrong.net

Vào thời của Armstrong, các nhạc sỹ gọi ông là “Pops” như là dấu hiệu của sự kính trọng. Armstrong là nghệ sỹ solo lớn đầu tiên trong lịch sử nhạc Jazz và những nốt nhạc phiêu du của ông đánh dấu một bước ngoặt trong Jazz với việc xuất hiện những khúc solo ngẫu hứng mà trước đây là của một nhóm nhạc sỹ. Satchmo cũng là người đầu tiên đã định lại nhịp điệu của Jazz bằng cách bỏ tính cứng nhắc trong Ragtime, áp dụng nhịp 8 nốt du dương, và làm cho người nghe cảm tưởng những nốt nhạc của ông luôn đi sau nhịp của bản nhạc. Tất cả những thay đổi này khiến người nghe có cảm giác thư giãn và được gọi về sau là Jazz swing.

Armstrong mang đến một cách nghĩ mới, âm nhạc của ông được dựa trên một cấu trúc chặt chẽ và không phải chỉ là một nét tô điểm thêm cho bản nhạc mà trái lại là một giai điệu riêng dựa trên các hợp âm đã có sẵn(khái niệm âm nhạc này vẫn còn được áp dụng cho các khúc ngẫu hứng hiện nay).

Bên cạnh tiếng trumpet đầy cảm xúc của mình, Armstrong có một cách hát ảnh hưởng rất nhiều đến các ca sỹ hát Jazz. Ông đã phổ biến một lối hát Jazz không thành lời (scat). Trong lối hát này, các ca sỹ hát ngẫu hứng các âm tiết thay cho các từ.
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Nhạc JAZZ

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng tư 04, 2014, 12:55 pm

Về nhạc Jazz Việt

Nhạc Jazz bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi châu sống ở miền nam nước Mỹ, xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20. Sau đó đã phát triển mạnh với những tên tuổi như Bessie Smith, Louis Armstrong,...

Ở Việt Nam, dòng nhạc Jazz Việt được du nhập vào khoảng thập niên 60, có lẽ cùng thời với dàn nhạc kèn đồng của lính Mỹ đem vào trình diễn nhiều nơi, cả thành phố và nông thôn. Số lượng các bài nhạc Jazz Việt không nhiều, thường được viết theo điệu blues khá hay, sâu lắng. Thỉnh thoảng có những bài nhạc với nhịp thức 4/4 được hát theo phong cách Jazz nhưng không hay lắm, một phần có lẽ người nghe đã quen với giai điệu gốc của nó, chẳng hạn như bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương, mặc dù được Ánh Tuyết hát đi nữa.

Sau đây là một số bài thuần Jazz (cả cũ và mới sáng tác gần đây).

1. Phố nghèo



2. Xích lô



3. Xin mặt trời ngủ yên



4. Thưở ấy có em



5. Vết lăn trầm



6. Xóm đêm



7. Đêm nguyện cầu của Lê Minh Bằng cũng là bài hát âm hưởng Jazz rất rõ, cũng khá hay. Tuy nhiên chỉ có Tuấn Vũ mới hát theo giai điệu này.



8. Một số bài hát theo phong cách "semi-jazz" cũng có vẻ 'quyến rũ' hơn bình thường, chẳng hạn "Linh hồn tượng đá" do Tuấn Ngọc hát.


Nguyễn Hoàng
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện, power saving, thực phẩm chức năng


Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron