Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Âm nhạc bán cổ điển là gì?

Âm nhạc

Âm nhạc bán cổ điển là gì?

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng sáu 22, 2012, 11:53 am


Phong cách âm nhạc: Bán cổ điển là gì?

Bán cổ điển là một từ ngữ thông dụng hiện nay trong làng âm nhạc, bên cạnh những R&B hay hip-hop thời thượng. Khi mà nền âm nhạc đại chúng Việt Nam chưa có sự phân định thể loại rõ ràng, chỉ quanh quẩn các khái niệm mơ hồ “nhạc sang”, “nhạc sến”, “nhạc trẻ”... thì có thể coi “bán cổ điển” cùng phe với “nhạc sang”, như có ca sĩ từng tuyên bố nhạc của mình giờ đây đã sang trọng hơn, bởi trong hòa âm có dùng nhiều tiếng piano và violin (!).

Không khó khăn gì để ta nghe được, đọc được đâu đó những lời khẳng định của ca sĩ, hay nhận định của báo chí về album này, bài hát kia là theo dòng bán cổ điển, thường được viết một cách rất sai về thuật ngữ là semi-classic. Nhưng cũng chung tình cảnh với những dòng nhạc khác được du nhập một cách vội vã vào thị trường âm nhạc Việt Nam, chưa bao giờ “bán cổ điển” được định nghĩa một cách nghiên túc, để từ đó các ca sĩ, nhà sản xuất có được những sản phẩm thực sự “bán cổ điển”.

Hình ảnh
Sarah Brightman, siêu sao của dòng classical crossover


Vậy “bán cổ điển” là gì? Và khi một ca sĩ hát nhạc “bán cổ điển”, âm nhạc vang lên ra sao? Điều ấy không phải người trong cuộc nào, hay các nhà báo sính dùng chữ nào cũng có thể hiểu cặn kẽ. Phạm vi bài báo này cũng khó có thể nêu chi tiết được, chỉ xin đưa những thông tin căn bản nhất về dòng nhạc này, vốn đang rất thịnh hành trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn gây nhiều nhầm lẫn ở Việt Nam, vì thế mới có những vụ kiện lẩm cẩm như hồi ông Cù Huy Hà Vũ kiện ca sĩ Mỹ Linh (chuyện sẽ được nói tiếp ở phần sau).

Như đã nói, “semi-classic” là một từ sai, đúng ra phải viết là semi-classical, được dịch nghĩa đúng là bán cổ điển. Semi-classical không phải để chỉ riêng âm nhạc mà còn dính với nhiều lĩnh vực khác, từ nghệ thuật tới khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, rất rộng không thể kể hết. Gọn lại trong phạm vi một thuật ngữ âm nhạc, nó được dùng nói về những tác phẩm âm nhạc na ná như nhạc cổ điển, nhưng không phức tạp, có cấu trúc đơn giản và nhiều tính đại chúng, dễ nghe, dễ cảm.

Định nghĩa như thế hẳn là không đầy đủ lắm so với những gì vẫn được gọi là “bán cổ điển”. Và đã từ lâu, để chỉ “bán cổ điển”, trong âm nhạc thế giới đã có từ “classical crossover” - nhạc cổ điển giao thoa. Đây là thuật ngữ được dùng chính thức trong các bảng xếp hạng âm nhạc, các tờ báo âm nhạc uy tín và cả trên kệ đĩa các hệ thống bán CD lớn trên thế giới. Nhắc đến classical crossover là người ta nhớ ngay đến những ngôi sao lớn của dòng này, như Sarah Brightman, Andrea Bocelli, Sissel, Josh Groban, Katherine Jenkins, Hayley Westenra, Russell Watson, Charlotte Church... đôi khi người ta cũng xếp họ vào danh sách nhạc cổ điển (classical) nữa, theo cách hiểu rằng đó là kiểu nhạc cổ điển của ngày hôm nay.

Classical crossover được mô tả thế này: Một số tác phẩm âm nhạc cổ điển thực sự, dần trở thành phổ biến trong đối tượng khán giả thường nghe các loại âm nhạc đại chúng, và theo đó, chúng được biến hóa, thay đổi cho gần với các thể loại đại chúng kia. Có thể kể sơ sơ ra Canon của Johann Pachelbel (thế kỷ 17), một số bản concerto, giao thưởng của Mozart, vài bài hát (lied) của Schubert, Giao hưởng số 3 của Henryk Górecki (nhạc sĩ tiêu biểu của trường phái tối giản, thế kỷ 20 - tác phẩm này nghe rất gần với các bản hòa tấu new age thịnh hành sau này)... còn rất nhiều thí dụ khác.

Trong ngành ghi âm, cụ thể là thị trường âm nhạc cổ điển, khái niệm “giao thoa” ban đầu được dùng để chỉ các album của những nghệ sĩ chuyên về âm nhạc cổ điển, như các nghệ sĩ độc tấu, các ca sĩ opera trình diễn các tác phẩm âm nhạc đại chúng theo phong cách cổ điển, tiếp sau đó, ở phía ngược lại, một số nghệ sĩ nhạc pop, rock, jazz cũng ghi âm các tác phẩm cổ điển theo những phong cách thiên về đại chúng hơn, thậm chí sáng tác các tác phẩm mới theo phong cách cổ điển. Có thể kể ra đây bản Concerto cho Ban nhạc và Dàn nhạc (Concerto for Group and Orchestra) của ban nhạc rock lừng danh Deep Purple được trình diễn và ghi âm cuối những năm 60 thế kỷ trước.

Sự pha trộn vẫn tiếp diễn, và ngày nay, classical crossover bao gồm một thị phần âm nhạc rất lớn với nhiều phong cách khác nhau, các nghệ sĩ đại chúng và cổ điển cũng kết hợp với nhau rất thường xuyên. Người ta thấy các ban nhạc rock như Metallica, Scorpions, Manowar trình diễn với các dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng đồ sộ theo hình thức và quy mô các buổi hòa nhạc cổ điển. Sắp tới đây, tại Việt Nam, lần đầu tiên có một buổi hòa nhạc như thế, với sự kết hợp của ban nhạc rock Unlimited và Dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện TP.HCM. Phổ biến hơn, với sự có mặt của các ca sĩ vừa kể tên ở phần trên, công chúng được nghe một thứ âm nhạc cổ điển mới - vừa là sự pha trộn nhạc pop và nhạc cổ điển, vừa là những tác phẩm mới tinh theo kiểu cổ điển, cầu kỳ hơn kiểu giao thoa, dòng này được gọi là néo-classical (tân cổ điển) - mà một đại diện tiêu biểu hiện nay là ca sĩ giọng tenor người Ý Alessandro Safina đang nổi như cồn.

Như vậy, bán cổ điển thực ra phức tạp hơn nhiều những gì vẫn được nói một cách đơn giản ở Việt Nam là “semiclassic”. Và “vụ kiện lẩm cẩm” được nhắc ở phần đầu bài viết này, là cái cớ để nhắc tới hình thức “bán cổ điển” rất thịnh hành trên toàn thế giới, nhưng lại dễ gây hiểu lầm ở Việt Nam, đó là việc lấy các tác phẩm âm nhạc cổ điển ra để “cải biên” lại, từ biến các bản romance, aria thành ca khúc, tới viết lời cho các tác phẩm nhạc không lời... Chỉ xin kể ra đây vài trường hợp là các bài hát khá quen thuộc với người nghe ở Việt Nam: Lara Fabian viết lời cho bản Adagio của Albinoni (bản này còn có một phần lời khác do Sarah Brightman hát tên là Anytime, Anywhere, trong album Eden), bài rap bốc lửa Prince Igor của Warren G. và nữ ca sĩ giọng nữ cao người Na Uy Sissel có phần chính lấy từ một đoạn giai điệu trong vở opera Prince Igor của Borodin. Đoạn nhạc này rất nổi tiếng, từng được lấy để viết thành một ca khúc tên là Stranger In Paradise, đưa vào một vở nhạc kịch Broadway là Kismet, bản thân bài hát là một “hit” lớn trên thế giới, và ca sĩ Mỹ Linh có đưa khúc nhạc này vào album Chat với Mozart dưới “hình thức” bài hát Sớm nay mùa Xuân, bài Attesa mà Sarah Brightman hát trong album mới nhất Symphony, cùng chung gốc với bài Sancta Maria mà Katherine Jenkins và Sissel hát, là một đoạn nhạc trong vở opera Cavaleria Rusticana.

Bài hát “phổ thông” đầu tiên được ghi nhận chuyển thể từ nhạc cổ điển và trở thành “hit” là I’m Always Chasing Rainbows của Joseph McCarthy và Harry Carroll sáng tác năm 1918, dựa trên tác phẩm Fantasie Impromptu cung Đô thăng thứ của Chopin. Còn có thể kể ra rất nhiều các thí dụ tương tự, là ca khúc khai thác từ các tác phẩm cổ điển, mà thuật ngữ bản quyền gọi là “public domain”- “phạm vi phổ biến dùng chung”. Điều này là bình thường, ở cả các quốc gia có luật pháp về bản quyền rất nghiêm ngặt, chứ không phải là hiện tượng cá biệt như hồi vụ kiện ầm ĩ ông luật sư nọ đã (chắc là vì mất bình tĩnh) quy kết là “các nhà quản lý ở những nước đó ăn hối lộ” (!)

Cuối cùng, trở lại với những gì vẫn được gọi là “bán cổ điển” ở Việt Nam, những gì mà các ca sĩ được cho rằng theo dòng bán cổ điển, như Đức Tuấn, Khánh Linh đang làm vẫn chỉ là hình thức mô phỏng tương đối kiểu classical crossover. Họ dùng ít nhiều các phong cách biểu diễn cổ điển, từ cách hát, tới soạn hòa âm, cho các bài hát Việt Nam có thể mang trong đó chút sắc thái nhạc cổ điển, như Đức Tuấn đang làm với các album nhạc Văn Cao và Phạm Duy, và Khánh Linh đã hát trong các album của cô trước giờ. Mọi thứ mới chỉ dừng lại ở đó, đơn giản như cách mọi người vẫn nói về “bán cổ điển” nhẹ tênh, mà ít có thời gian để ý rằng nó cũng khá... rắc rối và cũng mênh mông đáng kể.


Nguyễn Minh
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron