Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

"Tôi đưa em sang sông" Y Vũ-Nhật Ngân

Âm nhạc

"Tôi đưa em sang sông" Y Vũ-Nhật Ngân

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng tư 01, 2012, 8:46 pm

[align=center]
(classic guitar by Đỗ Đình Phương)

[/align]
Tôi là bạn thân với nhạc sĩ Y Vân - anh ruột của nhạc sĩ Y Vũ - từ ngày chúng tôi còn lang thang đi kháng chiến chống Pháp 1945-1954, và cùng thọ giáo nhạc sư Tạ Phước ở Hậu Hiên, Thanh Hóa. Chúng tôi đều bỏ kháng chiến về Hà Nội, nhưng tại đây tôi không được gặp Y Vân lần nào vì lý do sau đó ít lâu tôi theo gia đình vào miền Nam. Tới ngày chia đôi đất nước, sau cuộc di cư vào miền Nam, hai chúng tôi mới gặp lại nhau tại đài phát thanh Sài Gòn.

Mừng rỡ khi gặp lại nhau, Y Vân rủ tôi về nhà chơi, ăn cơm, hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm hồi còn ở vùng kháng chiến, hỏi thăm các bạn cùng học với thầy Tạ Phước để biết ai đã vào Nam và ai còn ở lại miền Bắc. Anh giới thiệu mẹ anh và em trai anh là Y Vũ. Anh sáng tác nhạc, lấy tên hiệu là Y Vân, tên trên giấy khai sinh của anh là Trần Tấn Hậu, và em là Trần Gia Hội (Y Vũ). Y Vũ nhỏ hơn Y Vân 9 tuổi, được anh dạy kèm môn âm nhạc. Y Vân hợp tác với nhiều ban nhạc của Đài Phát Thanh Sài Gòn. Bài “Ngăn Cách" là bản nhạc đầu tay anh sáng tác. Y Vân rất nổi tiếng với bài đó và bài "Lòng Mẹ". Còn tôi (Trịnh Hưng), phần lớn sáng tác dân ca quê hương, cũng được mọi người mến mộ. Tình bạn giữa tôi và Y Vân ngày thêm thắm thiết.

Tháng 4 năm 1975, gia đình tôi và gia đình nhạc sĩ Y Vân không có điều kiện di tản, ở lại Sài Gòn. Tôi tiếp tục sinh sống bằng cách dạy nhạc tại gia. Y Vân vẫn tiếp tục làm cho đài phát thanh, vì anh là nhạc sĩ có tài, chuyên viết về phối khí cho các ban nhạc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn cũ, nên khi Bắc Việt chiếm miền Nam vẫn lưu dụng anh. Anh làm việc chỉ cốt được yên thân, khỏi bị đuổi đi vùng kinh tế mới, bởi vì thù lao chẳng có gì ngoài mấy ký gạo hàng tháng ăn cầm hơi. Thỉnh thoảng, hai chúng tôi gặp nhau, rủ nhau ra quán uống cà-phê, nhìn nhau mà ngao ngán cho cuộc sống hiện tại.

Năm 1982, tôi bị Công an bắt đi tù 8 năm, vì tội lén lút sáng tác. Đến năm 1990, mãn án, ra tù, được gia đình bảo lãnh qua Pháp nên không gặp Y Vân thêm lần nào nữa. Năm 1991, ở Pháp, tôi được tin nhạc sĩ Y Vân mất. Anh mất vào năm lục tuần, thọ 60 tuổi. Tôi tiếc thương anh vô hạn và nghĩ rằng bài ca đó‚ “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời " do anh sáng tác, khá nổi tiếng, là lời tiên báo về thời gian tại thế của anh.

Năm ngoái, tôi có dịp về thăm lại quê hương, trước là thăm phần mộ cha mẹ và anh em‚ mà tôi đã xa từ năm 1945, đã trên nửa thế kỷ chưa có dịp về thăm. Cũng trong dịp này, tôi may mắn gặp lại một số bằng hữu trong giới âm nhạc cũ, như vợ chồng ca sĩ Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cầm, các nhạc sĩ Thanh Bình, Huyền Linh, Hoài An, Chây Kỳ, Khánh Băng, v.vvvv... Các nhạc sĩ miền Nam còn ở lại đa số đều nghèo cả. Nguyễn Hữu Thiết và Khánh Băng đã mù vì bệnh tiểu đường, không có tiền thuốc thang, chữa chạy.

Nhớ tới nhạc sĩ Y Vân, người bạn thâm niên cũ đã mất, tôi muốn tìm đến nhà vợ con anh để thăm hỏi và thắp ném nhang trên bàn thờ anh. Hỏi thăm người này, người nọ mãi mới tìm gặp được người em của Y Vân là nhạc sĩ Y Vũ. Y Vũ làm cho nhà hàng Arnol, 176 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Sài Gòn, được chủ nhà hàng là Lê Văn Danh cấp cho một căn phòng nhỏ ở tạm qua ngày. Căn phòng của người nghệ sĩ độc thân bừa bãi như cái ổ chuột. Đồ đạc trong phòng chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cây đờn làm phương tiện tối đi chơi nhạc kiếm cơm. Tôi tâm sự với Y Vũ rằng tôi ở Pháp, nay tuổi đã già, chẳng làm ăn gì được nữa cả.

Nhạc Việt Nam ở Pháp không có môi trường sinh hoạt như bên Mỹ. Nhưng tôi được Chính phủ Pháp cấp dưỡng tiền già, cũng đủ xài và cuộc sống tự do thoải mái. Tuổi trẻ thì sống cho Tương Lai; người già sống với Kỷ Niệm Quá Khứ. Ở bên Pháp, người già cả như tôi, không có thể làm được một công việc gì mà hàng tháng có tiền đủ ăn, nếu không có trợ cấp của chính phủ. Bên Pháp, thành phố rất đẹp, rực rỡ ánh đèn, đường xá sạch sẽ, không có ruồi muỗi như ở Việt Nam, ít thấy xe gắn máy và xe đạp. Xe Honda hai bánh thì tuyệt nhiên không thấy ở bên ấy. Người dân đi làm bằng xe hơi, xe Bus, hoặc xe Métro. Người dân có công ăn việc làm có thể mua xe hơi trả góp hàng tháng. Mùa Đông giá rét, tuyết trắng xóa, tôi ở nhà buồn không biết làm gì cho hết thời giờ, bèn làm thơ, viết báo Việt ngữ ở khắp nơi. Tôi là nhạc sĩ có chút tên tuổi nên các chủ báo đề nghị tôi viết về kỷ niệm và sinh hoạt của giới ca nhạc sĩ trước đây mà tôi biết, hoặc viết về các tác phẩm thơ nhạc nổi tiếng đã từng làm rung động và đi vào lòng người.

Ở hải ngoại, sống xa quê hương, người Việt tị nạn ưa thích được nghe lại những bản nhạc của Sài Gòn xưa. Các hãng sản xuất băng Video, CD, Karaoké khai thác thị hiếu, đáp đúng tâm trạng người Việt xa xứ đua nhau hốt bạc làm giàu.

- Tôi nghĩ nếu mọi người biết được xuất xứ của những bản nhạc, trong trường hợp nào nhạc sĩ đã thai nghén và sáng tác ra nhạc phẩm thời danh ấy, chẳng hạn như Bến Xuân của Văn Cao, Dư Âm của Nguyễn Văn Tý, Hồn Vọng Phu của Lê Thương, hoặc Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, vân vân... Và các bài ca được ưa chuộng của chú, như “Tôi Đưa Em Sang Sông", “Tình Yêu Thủy Thủ" v.v. Lần này về thăm quê, tôi muốn được đến thắp nhang trên bàn thờ của anh Y Vân, một người bạn thân lâu đời của tôi. Hôm nay may mắn được gặp chú. Chú có thể vui lòng kể cho tôi biết tâm sự và cảm xúc đã khiến chú sáng tác nên bản nhạc “Tôi Đưa Em Sang Sông" không?

Y Vũ ngậm ngùi tâm sự:
- Đó là bản nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học sinh trường trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên là Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng. Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi chứ chưa một lần nắm tay nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở Ngã Bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo, chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Roamic do anh Y Vân mua cho. Nàng dặn em, mỗi ngày cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền. Và cứ thế, rồi bẵng đi một tuần, không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh do cha mẹ gả cho một ông Bác Sĩ cũng hơi lớn tuổi. Được tin nàng lấy chồng, em buồn quá, lủi thủi ghé nhà một người bạn ở một xóm nghèo, gần nghĩa trang. Tối đó, lần đầu tiên em uống rượu say. Mãi đến khoảng 2 giờ sáng mới tỉnh rượu, em mở cửa sổ, nhìn ra thấy mưa rơi hiu hắt trên những nấm mộ, em bèn cầm cây đàn guitar và ứng khẩu hát như người ứng tác:

[align=center]“Nếu như trời không mưa
Đường đâu cần tôi đưa
Nàng đã quên cả lối về,
quên cả người trong gió mưa..."
[/align]
Từ đó đến sáng, em đã hoàn thành bài nhạc một cách không ngờ. Và chỉ trong vòng 3 tháng, ca khúc “Tôi đưa em sang sông" trở nên thịnh hành, được hát liên tục ở các Đại Hội Ca Nhạc và Đài Phát Thanh Sài Gòn với tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ Lệ Thu.

Hôm đám cưới nàng, em có nhận thiệp mời tới dự, bàn tiệc chẳng có ai quen ngồi chung cả. Ra về với tâm trạng buồn tủi, em sáng tác ngay bản nhạc “Ngày Cưới Em", với những câu:
[align=center]“Hân hoan tay em mang đến tôi cây đàn
mà rằng để mừng xin hát cho một lần
ngượng ngùng tôi mới ca rằng:

Ngày xưa đưa em sang sông
Ngày nay đưa em bước sang ngang..."
[/align]


[align=center]
[/align]

Tôi cảm ơn Y Vũ đã tâm sự cho biết và hỏi thêm:
“Còn bài nhạc "Kim" cũng khá nổi, chú sáng tác trong trường hợp nào?

Y Vũ kể rằng: “Vào năm 1969, em làm việc ở Vũng Tàu, tối tối thường đi chơi ở vũ trường Blue Star, em quen rồi yêu một vũ nữ tên là Kim. Nàng có một hoàn cảnh đáng thương. Em sáng tác bài ca để động viên tinh thần Kim:

[align=center]“Cớ sao buồn này Kim
Cớ sao sầu này Kim
Em như hoa nở giữa mùa mưa
Sống giữa khi trời đất dông tố
Anh đem yêu thương xóa muôn áng mây mờ..."
[/align]

Y Vũ sáng tác không nhiều, nhưng bài nào cũng được mọi người yêu thích. Và mỗi ca khúc đều thấp thoáng hình ảnh một thiếu nữ đã đi qua và để lại những tình cảm tha thiết trong đời tác giả.
Tôi hỏi Y Vũ: “Chú có nhớ một vài kỷ niệm riêng về mấy ca khúc của Y Vân? "

- Nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1931. Anh mất năm 1991, ứng với bản nhạc anh sáng tác, anh chết năm vừa tròn 60 tuổi. Y Vân bỏ kháng chiến, trở về thành, chơi đại hồ cầm cho mấy ban nhạc ở Hà Nội rồi Sài Gòn sau năm 1954. Anh sáng tác nhạc rất sớm. Ca khúc Ngăn Cách là sáng tác đầu tay của anh, ghi lại những kỷ niệm về mối tình đầu trắc trở của anh ấy với một cô gái Hà Nội, tên là Tường Vân.
Năm 1954, di cư vào Nam, nhà nghèo quá, anh phải đi đàn đêm cho vũ trường đến 1 giờ sáng, và phải ở nhờ cư xá Chí Hòa, nơi giam giữ phạm nhân. Một buổi tối, anh đi làm về khuya như thường lệ, bà cụ dọn cơm cho anh ăn. Ăn xong, anh đi ngủ. Bà cụ em thì ít ngủ và hay đỡ đần các con. Tối đó, vào gần 2 giờ sáng, bà cụ em mang áo quần của cả nhà ra máy nước công cộng ngồi giặt. Chẳng may, ảnh sát đi tuần, thấy bà cụ lom khom đang giặt đồ, bèn bắt bà cụ lên xe chở về bót cảnh sát giam giữ vì tội không tuân hành lệnh giới nghiêm. Em đánh thức anh dậy, báo tin mẹ bị bắt. Anh thương mẹ già vất vả, buồn và khóc nức nở, làm em cũng khóc theo. Anh lấy cây đàn Guitar, vừa khóc vừa viết ca khúc“Lòng Mẹ "(1956) mà đồng bào Việt Nam ta ngày nay không ai là không biết:

[align=center]“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Thương con thao thức bao đêm dài
Lặn lội gieo neo mái tóc trót đành đẫm sương "
[/align]
Anh Y Vân là người con chí hiếu và ca khúc Lòng Mẹ quả thật là một bài nhạc bất hủ. Khi chia tay, Y Vũ còn nói với tôi tâm trạng của người nghệ sĩ rằng:“Em muốn về một vùng quê xa để sống bình dị, vui thú điền viên với bà con chòm xóm chân chất, quên đi những bước thăng trầm vinh nhục của đời nghệ sĩ. Nhưng có lẽ cũng khó mà dứt được những gì đã tơ vương, anh ạ!


[align=right]Paris, 1/7/2003
Nhạc sĩ Trịnh Hưng
[/align]

----------------------

Tôi không biết Nhạc sĩ Trịnh Hưng hư cấu hay lấy thông tin ở đâu về bài hát "Tôi đưa em sang sông" là của nhạc sỹ Y Vũ sáng tác.
Thật ra chính Trần Nhật Ngân, còn lấy tên là Trịnh Lâm Ngân, mới chính là tác giả của bản nhạc này.

"Tôi đưa em sang sông" là nhạc phẩm đầu tay của Nhật Ngân khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ông cũng không ngờ đó lại là một ca khúc tình cảm nổi tiếng sau này.

Nhật Ngân cho biết: Khi trở về dạy học ở Ðà Nẵng, ông có một người yêu. Mà thời đó các gia đình ở miền Trung, vấn đề là phải có chức phận, thì họ mới gả con gái cho mình. Thế nhưng thuở đó ông chỉ là người dạy học thôi, nhất là còn trẻ lắm, nên gia đình cô ấy không chịu gả và cô ấy đi lấy chồng. "Thật sự là ngẫu hứng thôi, tôi làm bài hát đó".

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng "Tôi Ðưa Em Sang Sông" đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay chuyền cho nhau hát.

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông Tin, lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ" được nhạc sĩ Y Vân đổi thành "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ" cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Câu kết của bản chính là "Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" cũng đã được Y Vân đổi thành "Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa." Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho cảm thấy "hẫng" đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên với "Tôi Ðưa Em Sang Sông" để dễ dàng đến với quần chúng hơn. Khi được phát hành, "Tôi Ðưa Em Sang Sông" được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ.
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
TagsÂm Nhạc

Re: Nhạc sĩ Y Vũ với bài ca "Tôi đưa em sang sông"

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng sáu 28, 2012, 6:03 pm

Trong gia tài sáng tác khá đồ sộ của nhạc sĩ Y Vân, có một bản nhạc đặc biệt: Thúy đã đi rồi
Bản nhạc này rất thịnh hành vào thập niên 60 thế kỷ trước. Tuy nhiên, đằng sau bản nhạc là một bí mật ít người biết tới.

Nghệ sĩ vốn đa tình, cho nên chuyện trăng hoa, ong bướm âu cũng là nghiệp chướng. Nhưng trường hợp của nhạc sĩ Y Vân lại khác, bởi bà Minh Lâm – vợ ông, từng khẳng định với người viết là ông rất đứng đắn, nghiêm túc trong chuyện tình cảm và không giấu bà điều gì. Ngay cả bút danh Y Vân bà cũng biết, đó là cuộc tình thời trai trẻ của ông và thiếu nữ mang tên Tường Vân. Cuộc tình không thành nhưng để lại dấu ấn trong cái tên ký dưới mỗi bản nhạc do ông sáng tác: Y Vân (nghĩa là “Yêu Vân”). Cả chuyện cô gái chủ quán bi-da mà ông hay đến chơi, thường nhìn ông với ánh mắt “bất thường” để ông có cảm xúc viết thành ca khúc Khi em nhìn anh ông cũng kể hết với bà. Vậy, sao lại có bản Thúy đã đi rồi, gọi đích danh tên một người con gái với những ca từ mang tâm trạng của một kẻ đắm đuối trong bể tình: “Thúy đã đi rồi. Những ngày băng giá không tiếng cười. Thúy đã đi rồi. Biết làm sao cho nhớ thương nguôi. Đời em về đâu? Cho gió trăng sầu. Tìm em ở đâu? Đường mây tìm dấu… Thúy quá vô tình. Ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn…”.

[align=center]Hình ảnh
Ca sĩ Thanh Thúy[/align]

Do nhạc sĩ Y Vân đã mất (năm 1992), nên tôi đem điều này hỏi người em ruột của ông là nhạc sĩ Y Vũ. Ông tiết lộ: “Tôi nói rõ sự thật nhé, anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long (còn gọi là Long Đất). Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy nhưng cô ca sĩ tài danh này không chút mảy may động lòng. Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình. Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng “ngó phát chán”, Y Vân hỏi han và Long Đất đã thổ lộ mối tình sâu kín.

Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài này trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc blue thời bấy giờ. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát, nhưng con tim của nàng chẳng chút lay động, cho dù hằng đêm anh chàng Nguyễn Long vẫn bám theo nàng “trên từng cây số”, qua những phòng trà mà cô đến biểu diễn. Người đẹp vẫn đó, vẫn đùa vui trước đôi mắt ngây dại của gã si tình mà chẳng hề quan tâm”.

Đến đây, người viết xin được mở ngoặc để nói về tài sắc của nữ ca sĩ Thanh Thúy. Chị sinh năm 1943 tại Huế. Đi hát từ năm 16 tuổi (1959) và sở hữu một giọng hát hết sức đặc biệt: khàn đặc như có pha rượu, nghẹn ngào, nức nở với dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy… Giọng hát ấy, dáng dấp ấy như có ma lực khiến ai “lỡ nghe” rồi là say như điếu đổ… Chẳng thế mà hầu hết văn nghệ sĩ cùng thời đã “nghiện” tiếng hát mà họ ví von với rất nhiều hình ảnh: lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.

Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” suốt 3 năm liền.

Tháng 11.1961, Nguyễn Long thực hiện cuốn phim Thúy đã đi rồi, theo ca khúc của nhạc sĩ Y Vân và nhạc phim do ca sĩ Hùng Cường hát. Nữ ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên kịch sân khấu, kịch truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung… đều đã đóng vai Thanh Thúy. Thanh Thúy thật sự là một con người tài sắc nổi trội khiến cánh đàn ông hồi đó có đủ “lý do chính đáng” để mê mệt cô như một thần tượng.

Trở lại với chàng tình si Nguyễn Long – dù đã nặng tình đeo đuổi, thậm chí đã làm phim về nàng nhưng không sao lọt vào mắt xanh của nàng. Mang tâm trạng u uất, Nguyễn Long đã trải lòng qua bài thơ tự sáng tác Thôi. Bài thơ này cũng được Y Vân phổ thành tình khúc mà cho đến nay vẫn còn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ: “Thôi, em đừng khóc nữa làm gì! Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa. Thôi em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư… Ôi cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người. Lệ sầu chia ly buồn tê tái. Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài. Thu man mác buồn, mùa thu ơi!…”.

Nguyễn Long khi ấy mới khoảng 30 tuổi, nghe nói phải hơn mười năm sau ông mới lập gia đình, còn ca sĩ Thanh Thúy đã lấy chồng trước đó (năm 1964).

Thanh Thúy cũng là “người yêu trong mộng” của rất nhiều người. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi dành tặng Thanh Thúy. Tôn Thất Lập viết Tiếng hát về khuya vì Thanh Thúy. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly “tán”: “Từ em tiếng hát lên trời/Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh/Sợi buồn chẻ xuống lòng anh/Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”. Họa sĩ Vũ Hối buông cọ để làm thơ: “Liêu trai tiếng hát khói sương/Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình/Nghiên sầu từng nét lung linh/Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”… Nhà văn Mai Thảo gọi cô là “Tiếng hát lúc 0 giờ”, giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì cho là “Tiếng hát liêu trai”, nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là “Tiếng sầu ru khuya”…
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0


Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron