Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Truyện Bác Ba Phi

Truyện Bác Ba Phi

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng sáu 26, 2012, 4:17 pm

Bác Ba Phi là một nhân vật trong văn học dân gian. Ông là nhân vật chính trong những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày nhưng được cường điệu quá đáng (như rắn tát cá, chọi đá làm máy bay rơi, leo cây ớt té gãy chân...) và được trình bày một cách tự nhiên khiến người nghe hoàn toàn bất ngờ và bật cười. Ông là nhân vật cận đại nhất trong lịch sử kho tàng truyện trạng (nói dóc) của văn học Việt Nam.

NGUYÊN MẪU CUỘC ĐỜI

Nhân vật nguyên mẫu của Bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Ông vốn là một nông dân tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích.

Ông sinh năm 1884 tại tỉnh Đồng Tháp, do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ ông phải đi cày thuê để nuôi tám người em nhỏ. Khi 15 tuổi, mẹ ông qua đời, ông trở thành một lao động chính trong gia đình. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm, ông thường tham gia tụ họp đờn ca, và được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái, đặc biệt là những câu chuyện kể và cách kể truyện lôi cuốn người nghe của ông.

Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế - một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể này và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Và cũng có thành ngữ "Tệ như vợ (thằng) Đậu" được dùng để chỉ những người vụng về.

Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái.

Bác Ba Phi qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1964 tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh Hạ.

Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau.

NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC VĂN HỌC

Bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở đất rừng U Minh. Cả quãng đời, mà đặc biệt là thời tuổi trẻ của bác Ba Phi, là quá trình khai phá đất rừng U Minh nguyên sinh, vốn rất hào phóng mà cũng lắm khắc nghiệt. Với tinh thần khai phá, tính lạc quan yêu đời, thế giới quan của ông hiện ra thật sinh động và đáng yêu.

Những câu chuyện kể của ông, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, đồng thời nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặc trưng Nam Bộ, lòng yêu thương thiên nhiên và con người.

Cho đến tận ngày ông qua đời, không có một văn bản nào chính thức có ghi chép lại những câu chuyện do ông kể, kể cả người trong thân tộc ông. Những câu chuyện kể của bác Ba Phi là những câu chuyện truyền miệng. Tuy nhiên, nó cũng đầy đủ hình thức cấu trúc văn học: mở đề, thắt nút và kết thúc. Một mặt, nó cũng hao hao một loại tiểu thuyết chương, hồi rút gọn, dù có đảo lộn trật tự thế nào cũng giữ được ý nghĩa và tính xuyên suốt của những câu chuyện kể độc lập.

Những câu chuyện của bác Ba Phi, do tính chất "truyền miệng", vì vậy thường bị “biên tập” hoặc “hiệu chỉnh” lại trong quá trình câu truyện “lưu lạc”. Thêm vào đó, cũng có không ít những câu chuyện do người khác sáng tác, nhưng vẫn lấy danh xưng bác Ba Phi.

BẮT GƯƠNG SEN

Trong kho tàng chuyện... dóc của bác ba Phi, có lẽ chuyện bắt gương sen (một loại chim khá to thường ăn cá tép trên đồng nước) làm người nghe phải nể phục về bộ óc quá ư giàu tưởng tượng của ông già nông dân xứ Cà Mau. Chuyện như thế này:

Năm đó, không biết mắc cái giống gì mà gương sen tụ về cánh đồng năn sau nhà bác Ba nhiều vô kể. Con nào con nấy cả chục ký chớ không ít, thấy bắt ham. Bác Ba định bắt vài con nhậu chơi, bèn lấy sợi dây gân tóm một lưỡi câu thật chắc, móc vào đuôi con lươn bằng ngón tay cái rồi gom cỏ thành mô thả nó lên đó. Để gương sen khỏi phát hiện, cách mô vài chục thước, bác Ba trầm mình xuống nước, đầu đội giề cỏ, tay giữ chặt đầu dây còn lại có buộc sẵn một khúc tre mấy tấc. Vừa thả lươn lên mô, một bầy gương sen sà xuống tranh mồi. Con đầu tiên gắp được lươn rẩy rẩy mấy cái rồi giương cổ nuốt vào, lươn trơn vọt liền ra lỗ đít. Con thứ hai tiếp tục mổ, nuốt cũng bị y chang như vậy. Chỉ trong chốc lát có hơn chục con gương sen bị lươn xỏ dính chùm. Bao nhiêu đó cũng đủ nhậu cả xóm, bác Ba liền rút mạnh sợi dây. Lưỡi câu móc vào đít con cuối cùng. Cả bầy hoảng vía bay lên trời. Bác Ba cố hết sức bình sanh kéo ngược nó trở lại nhưng vô phương. Bỏ thì uổng, hai tay bác Ba nắm chặt khúc tre đeo theo bầy gương sen bay tuốt ra biển. Ra đến biển, thấy một chấm nhỏ phía dưới, bác Ba ngỡ là Hòn Khoai bèn thả tay rơi xuống, định quá giang ghe biển vào bờ. Ai dè, đó không phải là Hòn Khoai mà là một... chiến hạm của Mỹ. Lính Mỹ trên chiến hạm đều nháo nhào, cho bác là người từ hành tinh khác đến. Thấy vậy, bác Ba xua tay: "Nô! Nô! Tui "nô phải" người hành tinh khác đến. Tui đi bắt gương sen nhậu chơi thôi, chẳng may bị gương sen kéo bay ra biển và rớt xuống đây!". Lính Mỹ quá khâm phục tài nghệ của bác Ba nên đem rượu thịt ra thết đãi, hứa tuần sau sẽ đưa bác vào bờ.

Ở dưới chiến hạm mới mấy hôm mà bác Ba cảm thấy nhớ bác gái quá xá nhớ. Một hôm, bác đứng xem lính Mỹ bắn pháo. Trời đất ơi! Nó bắn gì mà liên tù tì, hết trái này đến trái khác, phát nóng ruột. Bác nghi, chắc là nó bắn vào xóm lung của bác. Bác thủ bộ sẵn, chờ trái pháo vừa vọt ra khỏi nòng liền phóng theo om gọn phía đuôi, bay cái vèo về xóm lung. Khi bay qua xóm, bác Ba nhắm ngay cái sân trước cửa nhà mình rồi... buông tay rơi xuống. Vậy là bác Ba rơi mất... bảy ngày bảy đêm mới xuống tới đất "lận" đó(!?).

Có người cắc cớ hỏi bác Ba:

- Bác rơi lâu như vậy, lúc đói bác làm sao?

Bác Ba trả lời tỉnh queo:
-Thì... xuống ăn cơm rồi lên... rơi tiếp! Ngu sao để đói? Hổng tin... hỏi bác Ba gái tụi bây coi (?!).

Chuyện bắt gương sen của bác ba Phi xem ra còn thua xa chuyện nói dóc của ông Nguyễn Văn Hương (Quế Ninh, Quế Sơn, Quảng Nam).

Ông Hương bịa ra rằng, ông đi trên tàu đánh cá của bà Lê Thị Huệ ở Đà nẵng thì gặp bão Chanchu. Tàu chìm. Người trên tàu đều chết hết duy chỉ có ông là còn sống nhờ vớ được chiếc can nhựa chứa nước ngọt. Ông đeo chiếc can nhựa ấy chống chọi với sóng to gió lớn suốt muời ba ngày đêm giữa biển khơi(?!). Rất may, khi trôi dạt cách nơi đắm tàu hai ngàn cây số (nghĩa là chiều dài bằng thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội) được tàu của ông Hai nào đó ở Bình Định cứu vớt nên ông thoát hiểm. Mãi đến ba tháng sau ông mới được lên bờ và trở về nhà(!).

Eo ơi! Bác ba Phi từ trên trời rơi xuống đất mất bảy ngày đêm, khi đói còn có cơm mà ăn. Đằng này, ông Hương với một ít nước ngọt trong can nhựa, dầm mình giữa biển khơi mất mười ba ngày đêm, trôi gần hai ngàn cây số mà vẫn sống nhăn thì quả là... dóc bậc thầy! Nếu còn sống, chắc bác ba Phi cũng phải bái phục!

Cũng đều nói dóc như nhau, nhưng bác ba Phi nói dóc chủ yếu là để ca ngợi quê hương, giúp vui mọi người, chẳng có ý lừa ai. Còn ông Hương nói dóc lừa được khối người, nhất là mấy tay nhà báo thích viết những chuyện ly kỳ nhưng không "thích" điều tra kỹ lưỡng.

BẮT RẮN HỔ

Hồi ấy, chúng tui đầu quân gần Cơi Nam, nơi Bác Ba Phi ở. Thỉnh thoảng bác vô thăm tụi tui và cung cấp nhu yếu phẩm. Có lúc thì mấy cây thuốc gò, mấy lố ngoại cảm tán, không quên mấy cái lưỡi lam cạo râu. Một lần tụi tui ước:

- Mùa nắng này phải chi được một vài con rắn hổ nấu cháo đậu xanh ăn cho mát!

Nghe vậy Bác Ba quay sang:

- Cái gì? Tụi bây thèm rắn hổ hả? Tưởng chuyện gì chứ ba cái thứ đó, làm gì cho hết. Hồi hổm tao bắt được, rộng cả chục lu mái dầm chứa nước mưa.

- Làm sao mà bắt được nhiều vậy bác Ba?

- Dễ ẹt! Tao bắt con cóc, móc lưỡi câu rồi đem nhấp nhấp trước hang. Nghe hơi con cóc là rắn hổ bò ra liền. Thứ rắn hổ đó nghe "mê" có thổi lỗ tai, hổng nhả đó nghe.

Thấy con óc, nó nhảy chồm chồm, nó táp cái bốp mắc lưỡi câu, thế là bắt ngon ơ! Thứ đi chìa, đào hang đó nghe, có tì vết ăn hổng khoái!

Nghe tụi tui đòi học nghề bắn rắn của bác, bác Ba quay sang nói:

- Coi vậy mà bắt kiểu đó đâu có đủ nhậu, tao còn cách này bắt hết trơn rắn hổ mà khỏe re vậy đó!
- Trời! Tài quá ha! Ồ mà cách nào bác Ba?

Bác Ba lột cái khăn trên đầu xuống quấn choàng hầu, rồi thong thả vấn một điếu thuốc gò tổ bố ý chừng để tụi này tập trung suy nghĩ, rồi mới thong thả kể:

- Có gì khó đâu. Hôm trước, trời lụt, rắn hổ kéo nhau lên cái gò cao. Trời ơi! Nó nằm lên nhau chồng đống như nhọng trong khạp vậy. Mấy con chuột bò lên là nạp mạng sạch bách cho chúng. Thấy đã quá trời! Tao về, liền đốn tre, trúc làm cái lọp thiệt bự, bằng bốn cái lọp bình thường. Tao bắt mấy con chuột, con cóc bỏ ở sau đuôi lọp, làm mồi nhử, rồi chống xuồng ra gò đặt
day miệng ngay ở chổ bầy rắn ở. Tao chống xuồng lui ra bờ, ngồi đợi. Nghe hơi mồi, nó ngóc đầu lên, khừ khừng hổng thua cọp gừ. Vậy mà hổng con nào nhào vô ráo. Tại sao tụi bây biết không?

- Sao vậy bác Ba? Sao vậy?

- À! Tại tao chưa mở nắp lọp!

Tụi tui cười cái rần! Lọp có nắp sao bác Ba? Ờ lọp đâu có nắp, tao quên! À, mà nó biết mình gài bẫy, nên nó hổng vô. Chờ hoài hổng thấy chắc ăn, tao tính bỏ về thì thời may có con rắn nhỏ chắc là đói lắm, bạo dạn bò vô. Thấy con kia vô được không mắc bẫy như hồi trước, nên mấy con sau tiếp tục bò vô đầy lọp. Chờ cho con cuối cùng rúc vô lọp, tao mới dở lọp bỏ xuống xuồng, chống về. Chắc mẩm kỳ này chở ra chợ Cà Mau bán, mua thuốc gò hút xệ môi, ai ngờ một con rắn chừng năm kí lô vậy đó, nó tống sút đít lọp bò ra nhào tới, phóng vô mình tao táp cái bốp, dính ngay cái quần. Hết hồn, hết vía, tao chống sào phóng lên bờ. Ai dè dây lưng tuột, con rắn tiêu luôn cái quần của tao.

Tụi tui ôm nhau bò ra mà cười, cười đến chảy nước mắt, một lát có đứa cắc cớ hỏi:

- Rồi làm sao về nhà bác Ba?

- Tao theo kinh kéo xuồng về... lạnh muốn teo!

Hèn gì bữa nay bác đem vô cho tụi con có nữa khúc thuốc gò.


CÁ TRÊ LUNG TRÀM

Tui dẫn bày chó săn vô Lung Tràm định lùng thịt, cũng dạo mùa nước rọt này đây. Dưới kinh, cá quẫy ùn ụt, trên rừng chim chóc bay rần rần. Mình muốn kiếm bậy một con nai để làm đám kị cho bà già vợ, chớ loại cá, chim đó thường quá. Vùng Lung Tràm thưở đó còn thầy choại, dớn với cây tràm, đất trấp phập phếu, bởi vậy người ta mới kêu nó là Lung Tràm.

Đã quyết đi vào khu vực có nai, nhưng đến mặt trời lên cao mấy cây sào, tui vẫn chưa hạ được một chú nào. Bị nhiều bạn săn quần tới lui hoài, nên "bể" hay "đổ" nhanh như gió . Mỗi khi nghe chó vừa đánh hơi sủa lên , tức thì nghe một tiếng "bét" là chỉ còn đứng mà ngó theo.

Đến lúc mặt trời gần đứng bóng, người cùng chó đã mệt mỏi, tui mới rề lại một gốc cây tràm nghỉ mát. Chân bước từ từ, mắt cứ ngó dáo dác theo mấy con ong mật đang ăm bông trên đọt tràm, bất thần tui đạp lên mình một con nai chà đang nằm ngủ. Tui giật mình té ngửa, con nai cũng hoảng hồn nhảy dựng. Nó phóng một cái, đụng nhằm gốc cây to dội lại, té lên mình tui. Sẵn cây mác trên mình, tui vớ chân sau con nai. Khứa một nhát vào nhượng. Còn lại ba chân, con nai cố bươn chạy. Bầy chó thấy vậy, đuổi theo. Bị rượt ngột quá, con nai chạy giạt vào bìa rừng, phóng xuống Lung Tràm. Bầy chó chia làm hai, ven theo hai mé lung. Con nai lội qua bên này thì lũ chó bên này tấn công, hễ lội qua bên kia thì lũ chó bên kia ví ép. Nó lúng túng, lội qua lội lại mãi... Tui giục chó, vây chặt và ép lần cho con nai lội về hướng nhà mình.
Ra tới ngã ba lung, thấy thằng em tui đằng kia chống xuồng lại. Tui kêu tiếp. Thằng em tui nhấn sào chống vọt tới bên con nai. Bây giờ con nai còn cố lội lờ đờ, cái đầu trên mặt nước. Thằng em tui với nắm lấy cái chà gạt con nai, lôi mạnh lên xuồng. Nhưng trời ơi! Con nai chỉ có cái chùm ruột lòng thòng dính ở phía dưới. Té ra nãy giờ nó bị cá trê dưới Lung Tràm bu theo rỉa sạch trọn thịt thà, xương xóc. Bầy cá cứ vây lấy con nai mà rỉa thịt làm cho con
nai cứ trồi lui trồi tới, vậy mà tui cứ tưởng con nai còn lội. Thằng em tui kéo luôn lên xuồng cùng với xác còn lại của con nai cả tạ cá trê. Con nào con nấy bằng cườm tay người lớn.

CÁ NUÔI

- Nè nè. Anh em đừng chài cá bổi. Cái bổi ăn không được đâu! Anh em bộ đội thì tui thương lắm, mới nói cho mà biết vậy đó.

Cá bổi tui nuôi trong vuông đất này là loại đặc biệt, chớ không phải loại thường nuôi để bán đâu. Chú em mầy cất chài đi. Cá bổi phệt của qua coi lớn bằng cái quạt mo vậy, chớ thịt ăn chát ngấm thôi. Vô nhà biểu mấy đứa nhỏ lấy vài cần câu cá rô với một cần câu cá lóc ra đây. Đứa bắt cào cào, đứa bắt nhái nhót mà câu, mà nhắp một hồi ăn chết mệt không hết. Mấy con cá bổi phệt lỡ chài lên được đó, thả xuống đìa lại đi. Thứ cá rô mề của qua, hai đứa câu một lát có mà khiêng, chớ quân ngũ nào ăn cho hết. Con nào con nấy bằng bàn tay xòe, da đen trạy, trứng óc nóc, đuôi đỏ chót, mỡ cứng như mỡ rùa vậy. Còn nói chi đến thứ cá lóc kềnh của qua nuôi. Con nào mà không mọc hai sợi râu dài cỡ lóng tay sắp lên. Chú em mày thử nhắp lên vài con cá lóc thì biết. Tụi nhỏ xóm này thường lấy vảy cá lóc của qua làm đồng xu để đánh đáo đó. Vì cá của qua có cho ăn mồi đàng hoàng mà. Loại nào cho mồi nấy. Chú em mày trông thấy đó! Vườn qua trồng rặc có ba thứ cây: xoài, cau với dừa. Suốt năm cây sai oằn cứ để cho trái rụng xuống cho cá ăn. Cá bổi thì ăn cau tầm vun nên thịt nó chát ngấm. Cá rô thì ăn xoài, bởi vậy cá rô nấu canh chua không cần bỏ me, dầm me gì đâu. Nè! Ráng nhắp ít con cá lóc mang về tối nấu cháo ăn tẩm bổ nghe. Cả vườn dừa của qua vậy đó, dừa khô cứ rụng xuống mương , rụng bao nhiêu thì cá lóc táp ăn hết trọi. Bởi vậy thịt cá lóc nấu cháo thì khỏi phải vắt nước cốt dừa mà ăn cũng béo ngậy.

SỌ ĐẦU CÁ TRÊ

Ông Tư đưa tay vuốt chòm râu bạc đang bung trắng trước ngực. Ông say sưa kể tiếp chuyện cái "sọ đầu cá trê" của bác Ba Phi cho con cháu nghe.

- Nè... tụi con ngồi yên, đừng chồm tới nữa, để ông kể nữa cho nghe. Nhà bác Ba hồi đó có nuôi bầy heo nái... Ờ... ờ... chuyện này mấy con nghe chưa? Số là hôm nọ tới ngày bán đàn heo rồi, mà bầy heo đi đâu chẳng thấy hẻo lánh về. Bà con lối xóm tới bắt heo con, đứng chờ đông nghẹt, chật cả nhà. Sốt ruột quá, bác Ba lội đi lùng kiếm khắp vườn chẳng thấy.

Chắc là bị cọp ăn hết rồi! Bác Ba thất vọng than thở, vừa lê từng bước nặng nhọc trở về nhà.

Vừa tới sàn trước, bác giật mình thấy vật gì cứ làm nhúc nhích, nhúc nhích cái sọ đầu con cá trê trông hình như cái sọ đầu muốn "bò" đi mà "bò" không được. Trời đất, lại ma quỷ ám ảnh nữa rồi, hay là...

Bà con đứng chờ bắt heo trong nhà nghe tiếng bác Ba kêu la, liền chạy ra. Một tốp đứng cầm cây, dao mác vây quanh chực sẵn, số bà con còn lại thì ráp nhau cùng bác khiêng lật ngược sọ đầu cá trê lên. Hổng ngờ bầy heo con từ trong vù chạy ra. Con heo nái mẹ vú lòng thòng cũng chạy vụt ra theo.

Mọi người mới bật ngửa, cười ồ. Thì ra lúc nãy, heo nái mẹ dẫn đàn heo đến sàn lăng ủi tìm cái ăn, nhưng nó ủi phá thế nào, làm sọ đầu cá trê của bác Ba lật úp lại nhốt gọn lỏn bầy heo, cả mẹ lẫn con vào bên trong.

Kể tới đây, ông Tư đưa tay lên nắn nắn sửa lại cái búi tóc sau ót. Ông cười hề hề:

- Cái sọ đầu cá trê của bác Ba thời đó bự cỡ vậy lận đó, các con!

BẮT CÁ KÈO

- Hồi xưa bác cũng đi bắt cá kèo nữa hả, bác Ba?

Bác Ba đang cùng với mấy đứa cháu lối xóm ngồi chuyện trò từ trưa đến giờ dưới gốc bụi tre tàu trước nhà. Gió chướng thổi xạc xào cành lá. Ngồi thấy bác Ba có vẻ mỏi mệt, không muốn kể chuyện thêm nữa, thằng Truyền cắc cớ, kiếm chuyện hỏi thêm.

- Ừ! Cá kèo tao bắt dữ lắm. Có hôm lấy ghe mà chở - Bác Ba trả lời.

- Thiệt vậy hả bác? Ủa mà hồi đó bác bắt cá kèo ở đâu vậy?

Thằng Truyền lại hỏi, vẻ mặt coi bộ nghi ngờ, khó hiểu. Mấy đứa trẻ khác thì mở trừng mắt nhìn theo mấy ngón tay đang múa may như phù phép của bác.

- Nè, coi tao bắt đây! Bác Ba đứng dậy trỏ một ngón tay xuống đất. Tụi con nên nhớ vùng biển Đá Bạc của mình hồi đó vô cho tới tận con kinh Lung Tràm này. Cá kèo lội đặc như bánh canh trong nồi. Nhưng ngày xưa mà, đâu có phương tiện gì nhiều để bắt cá kèo như bây giờ. Chủ yếu là bắt bằng tay thôi. Cũng không phải ai cũng bắt bắng tay giỏi như tao. Tụi con coi đây.

Bác Ba xòe hai bàn tay giơ lên.

- Đơn giản như vầy chứ mỗi lần tao thò tay xuống sông rồi giở tay lên là bắt được mười con, mỗi kẽ tay một con, nằm im không vẫy gì được. Cá kèo coi nó trơn lùi vậy chớ không con nào chạy tuột ra khỏi được tay tao đâu.

Mấy đứa nhỏ ngồi nghe chợt thấm ý, bật cười, cái đầu tụi nó gục gặc. Chỉ riêng thằng Truyền không nói, cũng không cười. Nó ngồi yên, chỉ đưa hai bàn tay ra trước mặt, cái miệng nó lép nhép nói gì như đếm thầm. Vụt một cái nó đứng dậy bước tới, nắm tay áo bác Ba Phi lại, hỏi:

- Bác mới vừa nói mỗi kẽ tay bác bắt một con. Hai bàn tay có tám kẽ tất cả, vậy làm sao bác bắt được mười con một lần?

Thằng nhỏ bất ngờ hỏi "trẹo cẳng ngỗng", bác Ba đớ người một lúc rồi đưa tay vỗ vỗ xuống đầu nó như thể nựng nịu. Bác xuống giọng:

- Đúng thế. Thằng Truyền hỏi đúng. Thông thường làm gì bắt được một lúc mười con cá kèo như vậy. Nhưng vì tay tao bắt cá "dính" quá, nên có số cá kèo nịnh lội tới lội lui, chực sẵn bên ngoài, chờ tao thò bàn tay xuống mỗi lần như vậy, là chúng nó nhào vô hai con một lượt để "dính ké". Nhờ vậy mà mỗi lần tao giơ tay lên thì được đến mười con!

CON CHÓ SĂN DŨNG CẢM

Trời mới rạng đông, nghe con heo nái trong chuồng hộc hộc, tui biết là con heo rừng nọc chiếc vô nhảy đực heo nái mình nữa rồi. Tui chộp cây mác thong, kêu con chó Nô nhảy ra. Con chó Nô là loại chó nòi, giỏi vô cùng, nhưng lúc này nó đang có chửa gần đẻ nên cũng hơi ột ệt.

Lúc tui chạy tới thì con heo nọc chiếc cũng vừa bỏ chuồng đi ra rồi. Nó to cỡ con bò, màu lông vàng hực, da lăn dầu chai, có u có nần. Vừa đi, nó vừa nghếch cái mõm như cây đàn bầu lên táp bốp bốp, nghe chẳng khác mình cầm cái mủng dừa úp lại. Hai cục bọt trắng xóa đóng hai bên mép miệng, gần chỗ cặp nanh trắng ơn, cong vút.

Thấy tui với con Nô đuổi theo sát, nó quay lại, mái đít ngồi nhìn. Mũi nó khịt khịt như gà lôi kêu. Biết là gặp tay địch thủ đáng gờm, tui đứng chân chữ đinh, cầm phân hai cây mác, nhử nhử. Con nọc chiếc tưởng tôi đâm thiệt nên hất mõm qua bên. Tui lẹ làng thu lại, đâm một nhát chí tử vào nách nó. Coi như con nít chơi, con nọc chiếc liền hất trở lại một cái trông nhẹ hều làm cán mác của tui gãy làm hai. Tui chới với suýt cắm đầu, tay chỉ còn cầm khúc cán mác, đứng xơ rơ. Thấy chủ sắp lâm nguy, con Nô nhảy vô, nhưng vừa nhập vào liền bị con nọc chiếc đánh cho một cái văng bắn ra, va vào một gốc cây tràm đánh ẳng một tiếng, quỳ xuống đẻ ra một bầy con. Tám con chó mới đẻ liền nhào tới cắn bốn cái giò heo. Con Nô tuy bị thương, nhưng lại nhảy vô chính diện. Chẳng ngờ nó lại bị con nọc chiếc đánh bồi thêm một cái nữa, làm cho sọ đầu bể làm tư. Nó nằm giãy tê tê. Thấy vậy, tui nhảy lại bứt nắm cỏ thuốc dây, dóc kiền cái đầu nó lại. Con chó ngồi dậy nghỉ một lúc cho đỡ mệt, rồi lại xáp trận nữa.

Lần này thì con nọc chiếc có mà chạy đường trời. Tám con chó con cắn bốn cái giò căng ra, con Nô táp dính cái đuôi kéo nhủng nhẳng, còn tui thì xách khúc cán mác còn lại nhắm ngay đầu nó bổ xuống. Quần nhau một hồi, con nọc chiếc mệt lả, há họng thở dốc. Nhanh như chớp, tui thọc cho nó một cán mác vô họng thấu tuốt ra sau đít. Lũ chó con còn sung sức nên sủa gâu gâu. Con Nô, tuy cái đầu mới bể được ràng lại, chưa ăn khớp hoàn toàn nhưng cũng cất tiếng sủa trợ chiến cho lũ con "cạch, cạch... cạch cạch..."

THU HOẠCH LƯỠI NAI

Năm ấy, mấy chục công lúa tui đang cấy cặp mé rừng, tới mùa không còn thu hoạch được một hột để nhổ râu. Lúc lúa đứng cái, lũ nai kéo về cả bầy, ăn tới tới. Cất chòi giữ ngày giữ đêm, giật banh mất chục cái thùng thiếc mà chúng vẫn trơ trơ không sợ. Đánh bẫy, giặng giò bắt được một, thì chúng kéo lại hai. Nai chà tràn vô xóm rượt chém bò cổ, nhảy đực bò cái, đẻ ra con nào cũng có nhánh nhóc.

Ai cũng bảo là chắc phải để xứ này cho nai ở. Tui nhất định không chịu thua, cố tìm hết cách để trị lũ nai này. Đêm đêm tui đi rình xem cách chúng ăn lúa. Nó ăn cũng như trâu bò ăn vậy thôi. Nghĩa là lưỡi cũng le ra, nghoéo gọn bụi lúa rồi giựt mạnh lên.

Tui về nhà, ngồi suy nghĩ, nhủ thầm: "Như vậy là chết cha chúng mày rồi!". Xách mác ra vườn, tui đốn những cây tre lồ ô mang vô. Tui lần lượt bập nhẹ nhẹ lưỡi mác vào cật cây tre rồi lẩy ra lấy một miếng cật tre dài cỡ chiếc đũa bếp, hai bề cạnh bén như nước. Làm tới chiều, tui đem ra ruộng, mỗi bụi lúa tui cắm vào giữa một miếng tre cho thật chắc. Làm xong về nhà, tui biểu mấy đứa nhỏ cứ việc ngủ cho thẳng giấc đi, đừng lo canh tuần gì nữa.

Sáng bữa sau, tui chống chiếc xuống be ra ruộng. Tui xăn quần lội xuống, tay nắm be xuồng dắt tới, vừa đi vừa mò theo từng gốc lúc mà lượm lưỡi nai. Thứ tre lồ ô chẻ mỏng, cật bén như nước. Vô phúc cho con nai nào nhè ngoéo cái lưỡi vô đó mà giật lên thì thế nào cũng phải đứt lưỡi ra.

Mùa đó, ngoài cái chuyện bán thịt lưỡi nai tươi cho bà con lối xóm nhậu chơi, tui còn phơi khô chở lên Sài Gòn bán cho cửa hàng mua để xuất sang Hồng Kông, Singgapo được một tấn hai lưỡi nai khô. Không tin thì hỏi bả thử coi.

TÔM U MINH

Cái năm đó trời nắng hạn đến lung, bàu đều khô sạch trọi, không còn một miếng nước thấm tay. Hạn đến chó nằm ở hàng ba nhìn trời lè lưỡi, gà ấp trên ổ hót cổ thở hết ra hơi, trâu thèm nước đổ bọt mồm. Nhà tui chỉ có mấy cái đìa cá giống với một cái búng đập thông ra kinh Ngang là còn nước chút đỉnh.

Một bữa nọ, nhà có khách, túng thức ăn quá tui mới sai con Út nhà tui mò quanh rìa búng đập kiếm ít con cá. Con nhỏ nghe lời lấy khăn choàng tắm trùm đầu, xăn quần lội xuống, bắt nào cá bổi phệt, cá lóc kềnh, cá trê nộng, cá sặc bản, cá rô mề quăng lên bờ. Thấy cá nhiều quá tui biểu thôi, nhưng con nhỏ còn ham , mò rán thêm chút nữa. Nó bảo mò rán ra búng đập, bắt mớ tôm càng cho tui với khách nhậu lai rai. Con nhỏ vừa khom xuống ngay miệng ống gộng mặt đập, tui bỗng thấy từ dưới nước vụt dậy lên một cái rầm. Trời đất ơi! Tôm! Con nhỏ nghiêng mặt né tránh.

Nào là tôm càng, tôm thẻ, tôm đất, tôm lóng phóng lên ghim ngập gai vô chiếc khăn trùm đầu của nó, đuôi chỏng ra ngoài búng lách chách. Cái đầu của con Út có chà, có chôm chẳng khác nó đang đội mớ san hô vậy. Mẹ nó bưng rổ ra gỡ hết chỗ tôm đóng trên chiếc khăn đội đầu cân được hai ký tám.



GÁC KÈO ONG MẬT

Mùa hạn năm đó, tui quảy gùi, vác mác lội từng ăn ong. Đi từ suốt sáng cho tới trưa mà vẫn chưa cạo được ổ nào, còn đóng kèo gát toàn là loại mới ốp lưỡi mèo, mật mới tráng ống. Buồn tình, tui mới lột gùi để mác với dao tre một bên, lấy tấm vải nhựa ra, trải dựa gốc tràm, nằm ngủ một giấc. Tui nằm tréo nguẩy, chân này gác xiên lên chân kia. Lúc nghe nắng nóng nóng bên mang tai, tui mới giật mình thức dậy.

Cũng còn nằm nguyên tư thế cũ, tui móc gói thuốc ra vấn hút. Đang lúc nhả khói, phun mây phì phèo, tui bỗng nghe ở đâu đây có tiếng bầy ong mật vỗ cánh rì rào. Tui ngó dáo dác, định ngồi dậy đi tìm. Nhưng chực nhìn xuống cái chân đang tréo nguẩy của mình thì... trời đất! Ổ ong đang đóng dưới bụng ống chân tui. Thấy mình ngủ nằm tréo nguẩy, nó tưởng đâu cái kèo mà áp lại đóng.

"Mầy đem nạp mạng, sẵn đây tao cạo luôn". Nghĩ vậy nên tui hút mạnh mấy hơi thuốc phà khói vào tổ ong. Bị khói thuốc Gò Vấp cay mắt, bầy ong bỏ ổ, bay tán loạn. Tui với lấy cây dao tre để bên cạnh xắn lấy tàn ong bỏ đi, tấm tàn lớn bằng cái sàn vậy. Còn lại khúc mức, tui xeo thêm mấy nhát dao tre nữa, nó rớt xuống tấm vải nhựa cái đụi, một khối mật vàng óng bằng trái dừa khô nằm trưu trứu trên tấm vải nhựa.

NAI TRẦM THỦY

Năm nọ, tui đi rừng, gặp cái bàu lớn. Giữa trưa đang lúc nóng nực nên tui hăm hở lội ngay xuống tắm. Tui cởi áo ra, ngáng lên nhánh chà kề bên mé bàu. Vừa khoác nước kỳ cọ, tui vừa khoan khoái nghĩ:

"Chà, không ai sướng bằng ta lúc này. Giữa rừng, ngồi tắm mát một mình mà còn có chổ máng áo khô sạch nữa. Đã thiệt...". Tui thò tay xuống lần mở mối lưng, cởi ra thêm chiếc quần đùi. Tui vừa vói tay sang nắm lấy nhánh chà, định máng tiếp cái quần thì bất ngờ... cái nhánh chà "giật mình" vụt đứng dậy phóng chạy...

- Ơ... ơ. Nai trầm thủy. Trời. Nai trầm thủy!

Tui sợ mất cái áo , quýnh quáng tức tốc đuổi theo con nai :
- Nai ơi... tao tưởng mày là nhánh chà, mày trả lại tao cái áo. Trả... lại tao! Nghe có tiếng người chạy đuổi theo kêu la vang rừng phía sau nên con nai càng sải bốn chân phóng hết tốc độ. Mệt quá, không còn cách nào khác, tui buộc lòng phải đứng lại, vừa thở hổn hển vừa chắp tay lên miệng làm loa, la lớn:

- Nai ơi... nai! Tao nói thiệt, đừng chạy nữa!

Mày không có áo "bận" thì tao tặng cho mày cái áo đó. Còn gói thuốc trong túi áo mày nhớ trả lại giùm. Tao ghiền... tội nghiệp tao, nai ơi, nai ơi!...

CÁI TĨN NAM VÀNG LẺ BẠN

Mấy chú hỏi tại sao nhà tui có cái tĩn Nam Vang lớn mà tốt vậy à? Cái tĩn màu da lươn bóng ngời, đựng trên một giạ gạo đó. Hồi xưa, nhà tui có chẵn cặp chớ đâu phải cu ki một cái này. Cặp tĩn của ông bà để lại mấy đời. Từ miệt Sa Đéc, vợ chồng tui xuống chỉ có một cặp tĩn đó với chiếc giỏ mây, đến đây sanh cơ lập nghiệp. Gia sản lưu truyền mà, nhưng đã bị mất đi một cái. Mỗi lần nhớ tới, tui thấy tiếc hùi hụi trong bụng.

Đó là một buổi chiều, tui xác cặp tĩn ra lung , định múc nước về xài. Ra đến, thấy cá rô phóng như cơm sôi, tui mới nghĩ cách kiếm vài con cá để chiều ăn. Tui bẻ một nhánh trắm con làm cần câu, bứt sợi dây bẫy cò của ai đó làm nhợ, rút cây lông nhím trên đầu tóc xuống uốn cong làm lưỡi câu, bắt một mớ cào cào làm mồi. Cá rô vùng đất U Minh này hồi mới khai mở thì khỏi phải nói, con nào con nấy cân nặng tay, màu da đen trạy, có râu. Vừa bỏ mồi xuống là thấy "chàng y" đớp liền. Nhợ câu bị lôi xiên xiên về phía trên gió. Mình nhóng nhóng thử ngọn cần câu , nghe bên dưới trì trì thì giật lên một cái. Một chú rô mề đỏ đuôi, có hai sợi râu dài thượt, giãy lõm bõm. Cứ vậy mà lôi lên. Cái miệng tĩn vòng cỡ hai gang tay, nhưng phải cầm con cá rô ấn mạnh thì cái đầu nó mới chụp được vào trong . Tui vừa câu vừa "ấn" một hơi độ nửa tiếng đồng hồ thì đầy nhóc một tĩn cá. Còn lại một tĩn múc nước, tìm một khúc cây làm đòn, gánh về. Đến chừng bắt cá ra làm thịt, bà vợ tui cằn nhằn vì lấy cá ra khó quá. Thử hỏi, cá rô mà cầm hai tay ấn mạnh cái đầu nó mới phụp vô miệng tĩn thì tới chừng bắt ra làm sao lôi ngược nó ra được? Bị vợ cằn nhằn một hồi tui nổi khùng, xách cây đập cái tĩn một phát cho xong. Thế là bây giờ chỉ còn có một cái.

CÂY MẬN BIẾT ĐI

Thu hoạch mùa màng xong rồi cứ ngửa ra nằm gác giò giàn bếp, nghỉ ngơi riết rồi cũng đâm ra chán. Tui móc đất vò bậy vài chục viên đạn bắn ná thun chơi, rồi thả rề rề ra hậu đất.

Mọi khi ở con bờ này vào những buổi trưa trích cồ về đậu nghỉ mát nơi ngọn cây đen kịt. Vậy mà bữa nay im lìm, vắng hoe. Đi vòng vòng một hồi, tui thấy buồn, bắn bậy ba con chim sâu một hồi hết sạch mấy chục viên đạn. Nghe khát nước, tui rề lại cây mận chổ góc bờ để bẻ vài trái ăn chơi . Đến nơi, thấy cây mận sai trái , chùm nào chùm nấy oằn xuống như buồng dừa nước. Cái thứ mận rài này coi trái bóng lưỡng vậy chớ bên trong hột lớn.

Tui leo lên cây mận, nằm ngửa chỗ cháng ba, bẻ từng trái nhấm nháp. Tàng cây mát như che dù, lại có gió thổi hiu hiu, tôi nghe lòng thơ thới làm sao.

Cộng thêm mấy con chim chìa vôi "kéo đờn vu-long" đâm hứng chí, tui nói lối rao ra giọng nam xuất một hồi rồi vô mùi sáu câu vọng cổ. Đôi mắt lim dim mơ màng, tui đưa giọng ca trầm bỗng theo làn gió rì rào qua đọt cây. Các loại chim nghe tui ca, bu quanh, nhảy nhót, hót theo ríu rít. Đến chỗ xuống mùi, tui búng song loan cái tróc , bỗng nghe tiếng động rột rẹt. Mở mắt ra, tui vụt thấy một con nai chà cũng đang đứng gần bên thưởng thức giọng ca của tui. Thấy con nai chờn vờn sắp chạy, tui vội vã bẻ một trái mận bóc lấy hột , nạp vô ná thun bắn vào mặt nó một phát. Hột mận xuyên lủng vào mắt con nai . Nó đau quá , la lên "bét bét" rồi chạy tuốt vào rừng.

Câu chuyện con nai đó lâu ngày tui đã quên mất. Đến ba năm sau, nào ngờ một bữa tui đi gặt lúa ở miếng đất cặp mé rừng thì được tái diễn lại. Số là vào lúc nắng trưa gay gắt, tui máng vòng hái lên cùi chỏ tay đi lại bờ để tìm một bóng cây đụt mát. Hai mắt đã tá hỏa nên tui tấp đại vào một tàng cây gần nhất mà ngồi dựa lưng. Hết cơn mệt, tui nhìn kỹ lại, cây ấy là một cây mận. Ôi nó đang sa oằn những trái! Buồn ngủ lại gặp chiếu manh, tui với tay bẻ vài trái mận ăn thử. Mận này cũng khá ngọt, nhưng sao lại có mùi hơi tanh tanh.

Tui với bẻ một trái nữa. Nào ngờ cây mận vụt nhích đi chỗ khác và kêu lên một tiếng "bét". Tui giật mình, đứng dậy. Ối trời ơi! Cây mận vụt tốc chạy ào ào vào phía rừng!

Lấy làm lạ tui đuổi theo xem thử. Chẳng ngờ tui càng rượt theo, cây mận càng chạy nhanh hơn, để lại đằng sau những tiếng kêu "bét bét".

ẾCH ĐỜN VỌNG CỔ

Tui có bầy vịt, hễ bum búp lông cánh là lần lượt bị mất sạch trơn. Tức quá, rình mò mấy bữa tui mới biết là bị ếch ăn. Chỗ đuôi đìa, dưới gốc bụi tre có một hang ếch lớn quá cỡ.

- "Ăn thịt vịt tao thì mày phải đền mạng". Nghĩ vậy, tui mới lấy sợi dây thép quai thùng dầu uốn thành một lưỡi câu, lấy sáu sợi dây chì bệnh lại làm nhợ, một đầu buộc con vịt xiêm vừa ra ràng, một đầu buộc vào bụi tre.

Mặt trời lên độ một con sào. Tôi ngồi rình, thấy một con ếch bà từ trong góc tre lù lù lội ra. Con ếch thấy con vịt, men lại ngửi ngửi rồi lắc đầu, bỏ đi. Biết nó chê con vịt này còn hôi lông nên chưa chịu ăn. Bữa sau, tui đổi một con vịt mái đang đẻ, mập sà đít. Hừng sáng là tui cũng đến chổ hôm qua ngồi rình.

Cũng đến lúc mặt trời lên độ một con sào, con ếch bà đó lại cũng vạch bèo lội ra. Trông thấy con vịt ta mập ú, nó ngó dáo dác, mặt mày hớn hở, gật gật đầu mấy cái. Con ếch khỏa bèo, hớp nước súc miệng sào sạo, phun ra cái phèo rồi chồm tới bên con vịt. Nó nhướng mắt, táp bụp rồi nhai rau ráu, nuốt một cái ực. Như vướng phải lưỡi câu, nó nhợn trở ra. Thấy tình thế không xong, tui vụt đứng dậy la "ếch" một tiếng. Con ếch giật mình nhào ngang, bị lưỡi câu xóc hàm hạ, nó giãy đùng đùng sáu sợi nhợ cây thẳng băng. Nó lúc la lúc lắc cái đầu, sáu sợi dây chì rẽ quạt ra. Hai tay nó quày lia lịa. Sáu sợi dây bật ra những tiếng kêu bỗng trầm "tằng tăng , tủng tẳng" khác nhau. Tui ngồi nghe. Sao có chổ vô sang, ra hò mùi quá! Một hồi phát ngứa miệng, tui ứng thanh theo, ca bậy vài câu vọng cổ chơi...

GÀI BẪY BẮT CHIM

Cánh đồng Kinh ngang này vào mùa nước ngọt, các thứ chim lớn như gà dãy, giang sen, chàng bè, lông ô, khoang cổ, diệc mốc từ trong rừng U Minh lũ lượt kéo ra kiếm ăn. Chúng quần đảo mát trời, giậm nhẹp những đồng lúa sạch trọi.

Tất cả các loại chim đó chỉ có giang sen với khoang cổ là thịt ăn có lý, còn phần lớn ăn xảm xì như trứng rồng. Nói thì nói vậy chứ dù ngon hay dở mình cũng phải gài bắt cho ráo đợt để đem ra chợ bán, kẻo chúng phá lúa chịu không thấu.

Cái đám thằng Cường, thằng Thọ gài bẫy đạp, bẫy cò ke, bẫy mổ chỉ bắt trầm kha mỗi ngày vài chục con, có thấm bổ gì. Tui nghĩ ra một cách gài khác tụi nó. Bữa đó tui bỏ một ấm trúm xuống xuồng chống vô rừng đặt lươn. Đem về, tui lựa rặc thứ lươn da vàng, đầu nhọn, loại này mạnh lắm. Tui lấy chỉ ni-long thật chắc cắt ra một sợi dài chừng hai tầm đất, một cầu khúc cây ngáng ngang, một đầu tui cột ngay vào chỗ rún con lươn. Làm xong, tui ôm ra bẫy ruộng thả hai con lươn thành một cặp gần nhau.

Sáng ngày hôm sau, tôi bò ra ruộng rình xem. Ban đầu có một con gà dãy đi lọm khọm tới bên con lươn vừa trông thấy rồi đứng khựng lại, ngóng cổ, liếc mắt nhìn. Thấy con lươn bò nhọi nhọi, nó nhảy vọt tới mổ vào đầu. Con lươn bị đau quá vọt luôn vô bụng con chim rồi tuột ra sau đít. Tới con giang sen cũng vậy. Nó nhảy tới mổ vào đầu con lươn, con lươn vọt mạnh vô bụng, dùi luôn ra sau. Rồi lại đến con chàng bè cũng y vậy...

Một con lươn mồi của tui vọt đến chết xỏ lụi ít nhất cũng một chục con chim. Như vậy là cứ hai xâu làm một, tôi cầm mỗi tay một cây ngáng, la cho chim bay lên, mang tui theo. Tui bay bỗng mặt đất mà lái từng cặp xâu chim thả ra ví vô, về nhà giao cho bả trói đem ra chợ Sông Đốc bán. Vậy mới đã!

ÔM CỔ RẮN

Mùa hạn năm đó, tui đi ăn ong mật sâu trong rừng U Minh. Đến trưa, ngồi dựa lưng vào gốc cây tràm nghỉ mát, tui móc gói thuốc ra ngồi hút. Thấy đằng kia, cách chừng ba công bề đứng, có một cây móp hay cây gì đó chết khô, cành lá rụng rơi đâu hết, chỉ còn lại thân cây trơ trọi.

Cây khô này cao hơn các cây xung quanh. Gốc ngọn nó nứt nẻ, thẳng băng, da đen hơi mốc, trên có cái cháng hai. Một điều kỳ lạ là mỗi khi có con chim nào đậu lên cháng hai đó liền bị mất hút, không thấy bay ra.

Tui cũng không để ý, cứ quảy gùi, xách mác đi ăn. Đến xế qua, mật ong đã đầy gùi, tui định về, bỗng nghe có tiếng lửa cháy ào ào từ phía trên gió. Rừng U Minh này bị lửa cháy vào mùa hạn thì ngọn lửa bốc cao ngất trời, táp tới ầm ầm, như một trận bão. Đi rừng mà gặp lửa cháy thì phải mau mau đào đất trấp, chui xuống dưới hoặc trèo lên những cây thật cao, chờ lửa cháy ào qua chớ không phương nào chạy kịp. Lúc đó tui đào đất trấp chui không kịp, phải chạy tìm cây cao mà leo. Tui chạy đến, quăng bỏ gùi mật ong, bỏ cây mác còn lại và tìm được một cây. Tui ôm cây, trèo lên tuột xuống. Cái cây gì mà trơn chuồi, thót lên ba phóng thì bị tuột trở xuống hết hai. Nhưng lửa cháy đã tới gần, tui phải cố trèo. Trèo lên vừa tới chỗ cháng hai thì lửa cũng vừa cháy tới, nhưng chổ cháng hai cái cây sao có nhiều mảnh dầm lười xười tách ra đâm tay tôi đau quá. Mặc dù mỏi run tay nhưng ngó xuống thấy lửa đã cháy tới phía dưới, tui lấy làm khoái chí.

Lửa cháy qua rồi, tui định tụt xuống, nhưng sao nghe cái cây động đậy. Rồi ngay chổ cháng hai lại mọc ra nhánh chà cây quơ qua quơ lại, cào cào vào đầu tui. Tui thụt xuống chút nữa. Cái cây kia cứ ngoéo xuống quét vào đầu tui, vào cổ tui. Nó còn trây vào mình tui một thứ gì nhớt nhợt như nước miếng. Trời đất! Chổ cháng hai lại có hai cái mu lồi ra láng bóng và rực sáng như đèn xe hơi. Trời! Khi không hai cây khép lại, mở ra nghe bầm bập...

Hồn vía lên mây, tay chân rũ liệt, tui ngã người ra, sút tay rớt luôn xuống đất. Hai lỗ tai nghe vo vo, mắt nhắm híp lại, phú mặc số mạng cho trời đất.

Khi rớt xuống tới đất, tui thấy mình nằm y chổ ngồi hút thuốc hôm qua. "Cái cây" đằng kia bắt đầu bò đi, le lưỡi, thổi hơi phèo phèo.

CHIM CHUỘT Ở U MINH

Năm đó, tui làm đám mạ ở gần mé rừng. Nói là "làm đám mạ", vậy chớ có làm gì đâu. Ở xứ này mà, tháng hạn châm một mũi lửa là mặt đất bị cháy sạch, chờ tới sa mưa, đội lúa giống ra, coi chổ nào ưng ý là gieo.

Giống lúa tôi đã ngâm lên đủ ba càng một mộng đàng hoàng, từ trong nhà đội ra. Bữa đó trời trong, im gió . Nhưng không biết sao tui nghe dường như có mây che mù mịt trên đầu. Có cả tiếng gió rì rầm đâu xa xa trên đầu. Có cả tiếng gió rì rầm đâu xa xa nữa, ra đến nền đám mạ, tui để thúng lúa giống trên đầu xuống thì... Trời ơi! Chim dòng dọc với chim lá rụng nằm đầy nhóc thúng giạ. Chúng đã ăn sạch sẽ cái thúng lúa giống của tui, không còn một hột để nhổ râu. Nghe động, chúng bay lên cái rần chỉ còn lại cái thúng không.

Tức quá, tui về nhà ngâm thêm một giạ lúa giống nữa. Vài ngày sau, tui cũng đội lúa ra gieo y nền cũ. Lần này biết khôn, tui không để thua mấy con chim này nữa. Một tay tui vịn thúng, một tay cầm nhánh chà quơ quơ phía trên đầu. Vậy mà tới đám mạ, thúng lúa giống cũng bị chim ăn hết phân nữa.

Bây giờ mới bắt đầu gieo hột. Tui cặp thúng lúa vào nách, đi thụt lùi, vãi ào ào. Vãi hết thúng lúa giống, đến chừng coi lại thì không có một hột nào rơi được tới đất. Chuột! Chuột đứng xếp hàng. Con nào cũng vậy, một tay chắp sau đít, một tay đưa ra hứng lúa. Chúng vừa ăn vừa vuốt râu. Có mấy con chuột già không hứng được lúa để ăn, ngồi ngoài rìa đám mạ mặt mày buồn thiu.

RẮN HỔ MAY TÁT CÁ

Hồi xửa hồi xưa, khi mới tới đất này khai phá, rắn trong rừng U Minh con nào con nấy lớn lắm. Mới đầu, người ta kể, tui còn chưa tin. Nhưng rồi có một bữa tui cùng bả vô rừng, tính kiếm cái đìa nào lớn, nước cạn, tát bắt ít cá về ăn.

Tui với bả tát tới ven rừng, nghe như có tiếng ai đang tát nước từ xa vọng lại. Chả là trong rừng có một cái đìa bề ngang chừng năm thước, bề dài chừng hơn bốn mươi thước, tui đã nhắm chừng từ bữa hổm. Tiếc thiệt, bây giờ mới tới ven rừng đã có người tát rồi. - "Ai đó mà lẹ vậy!". Tui nói bả vậy. Nhưng rồi cả hai vẫn lẹ làng đi tới. Đứng ở mé bờ đìa bên này, núp sau một thân cây tràm bự chảng, tui thấy một con rắn hổ mây ở mé đìa bên kia. Cái đuôi nó ngoéo một đầu, cái đầu nó ngoéo một bên, thân hình nó dẹp lại đu đưa. Thì ra nó đang tát nước cạn để bắt cá ăn. Tui bấm tay bả một cái đau điếng, ra hiệu đứng yên để coi con rắn hổ mây nó làm chi. Gần xế bóng mặt trời, cái đìa đã cạn, những con cá rô, cá trê đen thùi quẫy đành đạch trên bùn. Bả thích quá, kêu trời một tiếng. Thấy động, con rắn vội bỏ chạy vô rừng. Tui chỉ việc bảo bả về kêu bà con ấp xóm ra bắt mang về. Hỏng tin, mọi người hỏi bả thử coi!

CHIẾC TÀU RÙA

Mùa khô năm đó, túng tiền xài, tui mới nghĩ ra một cách bắt rùa để chở ra chợ Sông Đốc bán. Ra dượng tư nó, tôi mượn một chiếc ghe cà vom chở chừng năm trăm giạ lúa, chống vô Lung Tràm đậu cặp mé phía dưới gió, cặm sào banh hai đầu cho thật chắc. Tui còn kéo tấm đòn dày bắc thẳng lên bờ. Làm xong, tui đi vòng phía trên gió, nổi lửa đốt một hàng dài... Mùa khô ở đây, cỏ ủ lên tới lưng quần dễ làm mồi cho lửa lắm.

Lửa bắt đầu bốc ngọn, tui lội trở về chổ đậu ghe ngồi chờ. Độ chừng hút tàn điếu thuốc, tôi đã thấy rùa bắt đầu bò xuống lai rai. Lửa phía trên gió bắt đầu vào sậy, cháy, nổ rốp rốp. Rùa bò xuống mỗi lúc một nhiều. Chúng xếp hàng một, nối đuôi nhau bò tới. Con nào cũng nghểnh cổ lên cao, mắt ngó chừng dáo dác. Một lúc, gió thổi mạnh lên, lửa cháy nà nà xuống, tốp sau hoảng hồn kéo chạy đùng đống, không còn trật tự gì nữa. Rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém... dồn tới từng bầy kéo xuống ghe. Giống rùa là chúa sợ lửa, chúng chạy bằng ba chân, còn một chân trước đưa lên che mặt. Con nào cũng chảy nước mắt, nước mũi choàm ngoàm.

Thấy chúng tràn xuống quá sá, tui ngồi gần đầu cây đòn dày, coi con nào lớn thì cho đi, con nào nhỏ thì cứ bạt tay một cái là lọt xuống sông. Một hồi, rùa xuống đầy ghe. Tui nhổ sào, rút đòn dày, dông luôn ra chợ. Nhưng khổ nỗi số rùa nhỏ bị rớt xuống nước cứ bấu theo be ghe kết thành bè, một tay chúng vịn vào be ghe, còn ba chân cứ đạp nước, theo trớn ghe đi tới. Chiếc ghe bị rùa đẩy chạy tới ào ào. Tui thấy vậy, cười khà, ngồi phía sau kềm lái, mở gói thuốc ra hút phì phèo.

Ra gần tới chợ Sông Đốc, tui bỗng nghe mấy người đàn bà bên kia sông la chói lói:

- Xuồng chở lúa, khẳm lắm. Tàu làm ơn tốp máy lại chút nghen!

Thật hết phương khả đảo, chỉ còn ngồi lắc đầu chịu chết. Tui khoát tay:

- Mấy bà con cảm phiền ép xuồng sát vào bờ giùm chút đi! Tui tốp máy không được. Chiếc tàu rùa...


HEO ĐI CÀY

Nhà tui không nuôi bò, chỉ có một bầy heo với một bầy trâu. Đứng trong nhà dòm ra thì chuồng trâu ở phía tay trái, chuồng heo ở phía tay mặt. Ở xứ này, mùa mưa là muỗi kêu như sáo thổi, trâu hay heo gì cũng phải giăng mùng cho nó ngủ.

Đầu canh năm, bà nhà kêu tui thức dậy, mở chuồng lùa trâu ra ruộng cày. Tui chỉ để ý một điều là lúc ngủ phải quay đầu vô vách để khi giật mình đứng lên, đi ngay ra mở chuồng trâu phía tay trái, rồi lùa đi.

Giống trâu ở nhà tui là giống trâu "phồn" rất to con và mạnh: vai ngang, bụng eo thắt, mông to... Hôm đó, hừng đông, tui lùa hai con trâu "phồn" ra ruộng, gách ách cày. Nhưng không hiểu sao hai con trâu hôm ấy chúng lại cày hăng quá, bước đi ào ào nhanh vô cùng. Khoảnh đất một mẫu tây, cặp trâu đã cày khoảng được gần một nửa thì mặt trời ló mọc. Cặp trâu bắt đầu đi chậm lại, tui cứ cầm cày, mặt ngó xuống đường cày, miệng la: "Ví! Thá! ...", tay thì quất roi tới tới. Nhưng lạ đời, chẳng những hai con trâu không chịu nghe "ví, thá" gì mà miệng cứ thở hồng hộc, bước đi lệch bệch... Cày thêm một lúc nữa, hai con nằm ì ra. Tui nổi giận đánh mỗi con một roi thật mạnh. Nó la một tiếc "éc". Đến chừng nhìn kỹ lại tui mới bật ngửa ra... Hồi khuya, vì vợ tui sửa lại cái chõng ngủ ngược đầu, trước khi đi ngủ tui quên để ý. Đến chừng nghe bả kêu, ba sờ ba sết bật dậy, tui cứ đi ngay ra mà mở chuồng phía tay trái như hằng bữa. Ai ngờ mở lộn nhằm chuồng heo.

CÂU CÁ SẤU

- Xứ mình có nhiều sấu không bác Ba Phi?

- Ôi! Sấu ở đây no lên bờ nằm nhiều như củi lụt.

- Vậy làm thế nào bắt nó? Bác Ba Phi cười rồi nói:

- Câu bắt nó thôi. Hôm ấy, tui đi làm một cái đõi đi bắt con sấu, hai vợ chồng chèo thuyền đi. Gặp con sấu lớn ở sông Quảng Phú. Hai sợi đõi nổi lên khúc eo sông. Tui kéo sợi đõi trước mũi thuyền. Thế là con sấu chạy, kéo luôn cả thuyền. Con sấu kéo thuyền thạy 15km từ Quảng Phú đến vàm Cái Đôi. Lúc đó mới bắt được nó đấy!

- Ồ! Ồ! Vậy làm sao qua được cái đập hả bác Ba?

- Ờ thì... nó qua đập, kéo ghe qua luôn mà!

CON CHÓ SĂN DŨNG CẢM

Trời mới rạng đông, nghe con heo nái trong chuồng hộc hộc, tui biết là con heo rừng nọc chiếc vô nhảy đực heo nái mình nữa rồi. Tui chộp cây mác thong, kêu con chó Nô nhảy ra. Con chó Nô là loại chó nòi, giỏi vô cùng, nhưng lúc này nó đang có chửa gần đẻ nên cũng hơi ột ệt.

Lúc tui chạy tới thì con heo nọc chiếc cũng vừa bỏ chuồng đi ra rồi. Nó to cỡ con bò, màu lông vàng hực, da lăn dầu chai, có u có nần. Vừa đi, nó vừa nghếch cái mõm như cây đàn bầu lên táp bốp bốp, nghe chẳng khác mình cầm cái mủng dừa úp lại. Hai cục bọt trắng xóa đóng hai bên mép miệng, gần chỗ cặp nanh trắng ơn, cong vút.

Thấy tui với con Nô đuổi theo sát, nó quay lại, mái đít ngồi nhìn. Mũi nó khịt khịt như gà lôi kêu. Biết là gặp tay địch thủ đáng gờm, tui đứng chân chữ đinh, cầm phân hai cây mác, nhử nhử. Con nọc chiếc tưởng tôi đâm thiệt nên hất mõm qua bên. Tui lẹ làng thu lại, đâm một nhát chí tử vào nách nó. Coi như con nít chơi, con nọc chiếc liền hất trở lại một cái trông nhẹ hều làm cán mác của tui gãy làm hai. Tui chới với suýt cắm đầu, tay chỉ còn cầm khúc cán mác, đứng xơ rơ. Thấy chủ sắp lâm nguy, con Nô nhảy vô, nhưng vừa nhập vào liền bị con nọc chiếc đánh cho một cái văng bắn ra, va vào một gốc cây tràm đánh ẳng một tiếng, quỳ xuống đẻ ra một bầy con. Tám con chó mới đẻ liền nhào tới cắn bốn cái giò heo. Con Nô tuy bị thương, nhưng lại nhảy vô chính diện. Chẳng ngờ nó lại bị con nọc chiếc đánh bồi thêm một cái nữa, làm cho sọ đầu bể làm tư. Nó nằm giãy tê tê. Thấy vậy, tui nhảy lại bứt nắm cỏ thuốc dây, dóc kiền cái đầu nó lại. Con chó ngồi dậy nghỉ một lúc cho đỡ mệt, rồi lại xáp trận nữa.

Lần này thì con nọc chiếc có mà chạy đường trời. Tám con chó con cắn bốn cái giò căng ra, con Nô táp dính cái đuôi kéo nhủng nhẳng, còn tui thì xách khúc cán mác còn lại nhắm ngay đầu nó bổ xuống. Quần nhau một hồi, con nọc chiếc mệt lả, há họng thở dốc. Nhanh như chớp, tui thọc cho nó một cán mác vô họng thấu tuốt ra sau đít. Lũ chó con còn sung sức nên sủa gâu gâu. Con Nô, tuy cái đầu mới bể được ràng lại, chưa ăn khớp hoàn toàn nhưng cũng cất tiếng sủa trợ chiến cho lũ con "cạch, cạch... cạch cạch..."

GÀI BẪY BẮT CHIM

Cánh đồng Kinh ngang này vào mùa nước ngọt, các thứ chim lớn như gà dãy, giang sen, chàng bè, lông ô, khoang cổ, diệc mốc từ trong rừng U Minh lũ lượt kéo ra kiếm ăn. Chúng quần đảo mát trời, giậm nhẹp những đồng lúa sạch trọi. Tất cả các loại chim đó chỉ có giang sen với khoang cổ là thịt ăn có lý, còn phần lớn ăn xảm xì như trứng rồng. Nói thì nói vậy chứ dù ngon hay dở mình cũng phải gài bắt cho ráo đợt để đem ra chợ bán, kẻo chúng phá lúa chịu không thấu.

Cái đám thằng Cường, thằng Thọ gài bẫy đạp, bẫy cò ke, bẫy mổ chỉ bắt trầm kha mỗi ngày vài chục con, có thấm bổ gì. Tui nghĩ ra một cách gài khác tụi nó. Bữa đó tui bỏ một ấm trúm xuống xuồng chống vô rừng đặt lươn. Đem về, tui lựa rặc thứ lươn da vàng, đầu nhọn, loại này mạnh lắm. Tui lấy chỉ ni-long thật chắc cắt ra một sợi dài chừng hai tầm đất, một cầu khúc cây ngáng ngang, một đầu tui cột ngay vào chỗ rún con lươn. Làm xong, tui ôm ra bẫy ruộng thả hai con lươn thành một cặp gần nhau.

Sáng ngày hôm sau, tôi bò ra ruộng rình xem. Ban đầu có một con gà dãy đi lọm khọm tới bên con lươn vừa trông thấy rồi đứng khựng lại, ngóng cổ, liếc mắt nhìn. Thấy con lươn bò nhọi nhọi, nó nhảy vọt tới mổ vào đầu. Con lươn bị đau quá vọt luôn vô bụng con chim rồi tuột ra sau đít. Tới con giang sen cũng vậy. Nó nhảy tới mổ vào đầu con lươn, con lươn vọt mạnh vô bụng, dùi luôn ra sau. Rồi lại đến con chàng bè cũng y vậy...

Một con lươn mồi của tui vọt đến chết xỏ lụi ít nhất cũng một chục con chim. Như vậy là cứ hai xâu làm một, tôi cầm mỗi tay một cây ngáng, la cho chim bay lên, mang tui theo. Tui bay bỗng mặt đất mà lái từng cặp xâu chim thả ra ví vô, về nhà giao cho bả trói đem ra chợ Sông Đốc bán. Vậy mới đã!

MỘT SỐ CÂU CHUYỆN CỦA BÁC BA PHI

NẾP DẺO


“Gần tết năm đó, hai vợ chồng tôi quết bánh phồng thứ nếp dẻo của đất U Minh. Do tôi bổ mạnh tay, bột nếp văng lên xà nhà. Con chó mực thấy vậy liền nhảy lên táp miếng bột. Tức thì cái miệng của nó bị dính trong miếng bột ấy, toàn thân nó treo lên xà nhà như cá mắc câu. Nó la hoảng và giãy rất dữ. Cuối cùng nó rơi xuống đất nghe một cái “bịch”.
Coi kỹ lại cái đầu của nó còn dính lại trên xà nhà”.

CỌP XAY LÚA

“Đêm hôm đó, lúc tôi đang xay lúa, bỗng nghe hơi cọp, liền biết “ông thầy” đang rình bên ngoài. Nhờ biết trước, tôi vừa xay lúa vừa thủ thế. Quả nhiên, trong chớp mắt cọp nhào vô chụp tôi. Tôi liền né sang bên. Cọp lỡ đà vướng hai chân trước vào giằng xay. Thế là nó sa đà theo vòng quay của cái cối đang quay. Thấy vậy, tôi hối “Bả” xúc lúa đổ vào cối. Đợi cho tới lúc cọp xay hết 20 giạ lúa, tôi liền hét lên một tiếng thật to: “Cọp”! Nó hoảng quá, đâm đầu chạy tuốt ra rừng. Từ đó về sau cọp “bỏ tật” bắt người ăn thịt”.

CÂU ẾCH

“Năm rồi, trời sa mưa đầu mùa, ếch kêu khắp bốn phía, đâu đâu cũng có tiếng “uệch uệch”. Chỉ riêng trong vườn nhà tôi có một tiếng ếch rất đặc biệt, nó kêu đến cảm thấy thèm ăn thịt ếch mà ngủ không yên. Tôi biết đây là loại “ếch bà”.

Sáng hôm sau, tôi bắt một con vịt mới nở làm mồi, trong khi tôi thả con mồi chưa tới mặt nước thì con ếch từ trong hang ló ra; nó lắc đầu lia lịa rồi ngồi chờ ở miệng hang.

Tôi biết con ếch này đòi ăn mồi lớn, tôi bắt con vịt mái đẻ ra câu. Vừa trông thấy con mồi, con ếch gật đầu liên tiếp mấy cái rồi hớp nước súc miệng. Xong, ếch khoát tay ra hiệu cho tôi thả con vịt mái xuống. Thế là ếch đưa hai tay ra đón con mồi đưa thẳng vào mồm.

Đợi cho ếch nuốt mồi xong, tôi giật mạnh một phát. Té ra, hàng cau của tôi gãy liền một lúc đến 3 cây, con ếch thì vẫn nằm yên tại chỗ. Còn sợi nhợ câu lúc này căng thẳng tối đa. Thấy vậy, tôi ngồi xuống khảy vào sợi nhợ ấy mà ca luôn 6 câu vọng cổ”.

THÔNG TIN THÊM VỀ BÁC BA PHI

Ðến bây giờ chắc không ai bàn cãi về chuyện thích cười của người Việt Nam. "Hóm hỉnh, thích cười, hay cười là một đặc điểm của người Việt Nam" (Nguyễn Ðức Dân - Tiếng cười thế giới). Chính vì vậy, nhà văn Nguyễn Tuân đã tổng kết được một biên chế đầy đủ thang bậc" gồm 39 kiểu cười của nhân dân ta.


Ông Ba Phi, một người ở vùng U Minh, nơi cuối trời Tổ quốc ta cũng là một "người góp cười cho một bản đại hòa tấu cười kéo dài hàng nghìn năm gồm đủ mọi âm sắc, thanh điệu mà may mắn chúng ta còn biết rõ lai lịch đời tư và hành trang văn học truyền khẩu của ông đến bây giờ. Hiện nay, người dân Tây Nam Bộ - từ già đến trẻ - không mấy ai không biết, không thuộc đôi ba chuyện kể của ông Ba Phi. Các chuyện này do ông tự nghĩ ra và dung phương pháp truyền ngôn kể lại cho một vài người quen biết trong xóm làng nghe. Rồi người nghe tiếp tục kể lại cho người khác, cứ thế mà lan dần ra. Thời trẻ của ông Ba Phi có câu chuyện phổ biên quanh vùng là chuyện "ăn trứng rồng". Ðên giai đoạn sau năm 1954 mới "rộ" lên nhiều chuyện mới và lan ra khỏi vùng U Minh, mà phần nhiều là do cán bộ, chiên sĩ đi công tác có dịp ghé nhà ông ở xã Khánh Bình Tây (Cà Mau) truyền miệng cho nhau nghe.

Trước năm 1970 là năm ông Ba Phi qua đời, không có văn bản nào ghi chép lại các chuyện đó, kể cả người trong thân tộc ông. Ðiều này chứng tỏ các câu chuyện kể của ông Ba Phi là chuyện truyền ngôn. Tuy vậy các chuyện này mang hình thức cấụ trúc văn học: Có mở đề (exposition), thắt nút (noeud) và kết thúc (dénouement). Dòng chuyện kể của ông Ba Phi cho phép chúng ta hình dung một loại tiểu thuyết chương, hồi rút gọn mà dù có đảo lộn trật tự thế nào cũng giữ được ý nghĩa và tính xuyên suốt của các chuyện kể.

Nhìn chung hệ thống chuyện kể này, chuyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, còn ở tầng sâu câu chuyện thường là có sự gởi gắm sâu sắc về nội dung. Trước khi đi sâu vào những vấn đề cốt lõi, ta hãy nghe ông kể về chuyện nếp dẻo của đất U Minh.

"Giáp tết năm đó, hai vợ chồng tôi quết bánh phồng bằng thứ nếp cấy tại rừng U Minh. Do tôi bổ mạnh tay, bột nếp văng lên xà nhà. Con chó mực thấy vậy liền nhảy lên táp miếng bột. Tức thì nó bị treo lơ lửng trên xà nhà như cá mắc câu. Sợ quá con chó vẫy vùng dữ dội. Cuối cùng nó sứt ra rớt xuống đất nghe cái "bịch". Coi kỹ lại cái đầu nó cũng dính trên xà nhà'. Tính tất yếu của chuyện kể dân gian thường bị "biên tập" hoặc "hiệu chỉnh" lại trong quá trình câu chuyện "lưu lạc" trong "Công - chúng - đồng - tác - giả". Lại có trình trạng công chúng hâm mộ tự giác đóng góp sáng tác của mình vào đó, gây sự pha tạp làm lẫn lộn với dòng chuyện kể chính thống của người khởi xướng. Một vài người còn sáng tác ngay trên cái nền câu chuyện của ông Ba Phi bằng văn học thành văn. Chính điều này vừa góp phần "tam sao thất bổn" vừa làm lệch lạc, méo mó phong cách Ba Phi. Ðôi khi chuyện kể còn đánh mất nguồn cảm hứng chủ đạo lẫn nghệ thuật đặc trưng của dòng chuyện kê đặc sắc này. Từ sau thập niên 70 của thế kỷ này, chuyện kể của ông Ba Phi càng "rộ" lên trên báo chí nhiều nơi như một dấu hiệu chấm hết chiếc hoa mai cuối cùng trên cành xuân rực rỡ của dòng chuyện Ba Phi. Tuy nhiên, trong đám lẫn lộn, chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng các chuyện kể chính thống của dòng chủ lưu của tác giả Ba Phi bởi tính đặc thù của nó: không tên, ngắn gọn, sắc sảo, trào lộng, nhiều tầng ý nghĩa. Chuyện kể của ông Ba Phi hoàn toàn nằm trong địa giới rừng U Minh với những "nhân vật" vốn là đặc sản của khu rừng đặc chuẩn này như lúa gạo, trăn, rắn, rùa, ong mật... Mỗi "nhân vật" này được xây dựng thành một chuyện kể. Với lươn, trăn, rắn, ông có chuyện "ăn trứng rồng", với rùa, có "Tàu rùa", với ếch nhái, có "Câu ếch"; với ong mật, có "Gác kèo", với heo rừng, có "Chó nhà săn heo rừng"...

Các "nhân vật" này thường xuyên chi phối nguồn cảm hứng sáng tạo của tác giả. Tài năng sáng tạo của ông Ba Phi, trước hết là cảm hứng nhận thức thế giới và phương pháp chiếm lĩnh hiện thực. Ðó là quá trình thông qua tư duy sáng tạo, xác lập mối quan hệ giữa hiện thực và hư cấu, nhằm hợp lý hóa chúng trong quá trình vận động của dòng chuyện kể. Nghệ thuật chuyện kể của tác giả Ba Phi luôn luôn tuân thủ pháp trào lộng thông qua phương thức phóng đại sự vật vốl là nguôn cảm hứng chủ đạo hoặc chủ đề tư tưởng. Phương thức phóng đại trong chuyện kể của ông Ba Phi được hiểu như mộ thứ thuật ngữ (terme technique) hoặc một kỹ xảo (adroi) đầy bản lĩnh, rất đặc trưng. Cấu trúc chuyện của ông là kết quả của một quá trình lĩnh hội thế giới thông qua bản lĩnh Ba Phi để cho thấy một thế giới thứ hai hấp dẫn, sinh động và sâu sắc hơn. Chuyện kể luôn luôn gây không khí hào hứng, nôn nao, háo hức, một tâm lý chờ đợi hồi kết cục vốn không lâu lắc gì. Và tại thời điểm đó, chuyện kể bao giờ cũng nổ ra một trận cười mang ý nghĩa thế giới sâu sắc. Chuyện kể của ông Ba Phi thuộc loại đa tầng thông tin.

Chuyện "Cọp xay lúa" sau đây là một thí dụ:

"Ðêm hôm đó, lúc tôi đang xay lúa, bỗng nghe hơi cọp, liền biết "ông thầy' đang rình bên ngoài. Nhờ biết trước tôi vừa xay lúa vừa thủ thế. Quả nhiên trong chớp mắt, cọp nhào vô chụp tôi. Tôi liền né sang bên. Cọp lỡ đà, vướng hai chân vào giằng xay, thế là nó sa đà theo vòng quay của cái cối đang quay. Thấy vậy, tôi hối "bả" xúc lúa đổ vào cối. Ðợi cho tới lúc cọp xay hết tám giạ lúa, tôi liền hét một tiếng thật to: "Cọp" nó hoảng quá, đâm đầu chạy tuốt vào rừng. Từ đó về sau cọp "bỏ tật" bắt người ăn thịt".
Trong chuyện này, tầng thứ nhất, ông thông tin về loài cọp. Phương, pháp của tác giả là lợi dụng kiến thức phổ biến trong đời thường: cọp là loài thú dữ, rất hung hăng, bắt người ăn thịt... mà không cần kê lể lôi thôi gì cả. Tầng hai: quan niệm của tác giả: con người thông minh hơn thú vật, kể cả thú dữ. Tầng ba: lời nhắn nhủ người đời: cần phải thông minh, tỉnh táo, thận trọng và gan góc mới bám được rừng mà sống. Tầng thông tin này có ý nghĩa quan trọng hơn, vì nó thuộc phạm trù chinh phục thiên nhiên mà cả loài người không ngừng phấn đấu để vươn tới làm chủ thiên nhiên (Các chuyện khác cũng có mô-típ tương tự chuyện này). Về mối quan hệ trong câu chuyện vừa kể, là hoàn toàn mang tính chân thật. Bởi vì cái cối xay luôn luôn quay theo lực tác động, đồng thời trong chuyển động quay ấy, bản thân nó còn có một lực tự thân được sinh ra trong quá trình chuyến động mà môn vật lý học gọi là quán tính. Về phía cọp, nó giữ thăng bằng nhờ bốn chân, nên khi nó bị kẹt hai chân ở giằng xay, (lại gặp phải quán tính quay tác động, cùng với tâm lý thất bại do chụp hụt con mồi) cọp mất đà, lúng túng? buộc phải phục tùng vòng quay của cối xay. Vậy là từ chỗ chiếm lĩnh hiện thực, tác giả Ba Phi tạo ra mối quan hệ với sự vật tưởng như phi lý mà hữu lý đến kinh ngạc. Tất nhiên, việc phóng đại sự vật vốn là phương thức có tính đặc thù của dòng chuyện kể này.

Do tính cách ông Ba Phi vốn là một con người thích hài, nên khẩu khí trong đời thường của ông bị một ít người ngộ nhận là ông nói dóc. Thực ra, trong từ vựng (vocabulaire) tiếng Việt, các từ như láo, dóc, phét, đùa... không hề đồng nghĩa với nhau. Tất nhiên, trong thực tế xử sự có lúc có nơi nào đó, ông Ba Phi đã sử dụng một trong các cách nói vừa kể trên. Nhưng theo chúng tôi trong một chừng mực nghiên cứu, cần phải có cách nhìn khoa học, nghiêm túc để thẩm định trong đám "sa khoáng" kia, đâu là vàng ròng, đâu là sạn sỏi.

Trở lên, chúng tôi cho rằng phương thức phóng đại sự vật của ông Ba Phi là một thuật ngữ, một kỹ xảo được ông sáng tạo trong quá trình sáng tác, nếu không nói là một thứ ngôn ngữ chuyên ngành được coi là mấu chốt có tính quyết định vận mệnh của các chuyện kể của tác giả dân gian Ba Phi.

Trong chuyện cười Trung Quốc có "Lịch đại tiếu thoại tập" do tác giả Vương Lợi Chi tuyển trong số 70 truyện cười trong nước từ thời Tam quốc đến cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 . Tuy nhiên, phần lớn các truyện trong sách này không thuộc truyện cười như các loại truyện Trạng ở miền Bắc nước ta (Trạng Quỳnh, Trạng Bột, Trạng Bùng...) hoặc truyện tiếu lâm, trạng hài kiểu Bai Giai - Tú Xuết mà phần lớn là các câu chuyện vui, ý nhị. Các nhà nghiên cứu văn học hiện thực phê phán phương Tây cho biết, họ cũng không tìm thấy ở đó có tiếng cười trào lộng như dạng truyện cười ở nước ta. Ngay cả truyện có dạng "Bợm Bảy" (roman picaresque) cũng không chứa đựng yếu tố cười như ở các truyện cười Việt Nam. Thế mà ven rừng U Minh có một Ba Phi đã góp phần vào kho tàng văn học truyền khâu của nhân dân ta những tiếng cười sáng giá.

Văn học truyền khẩu vốn có nguồn gốc từ xa xưa. Chính loại hình văn học bình dị và sống động này đã.tạo nến những huyền thoại, những truyền thuyết mà bất cứ ở đâu, bất cứ thời kỳ nào cũng có. Nhưng trong số đó, không phải không có sự rơi rụng vì bản thân nó không được cuộc sống thừa nhận. Vì thế mà sổ lượng cũng không nhiều so với các loại hình văn học khác. Vả lại, lực lượng sáng tác loại hình văn học này xưa nay rất hiếm, nó giống như cây gụ, cây chò vốn mọc trong rừng, nhưng tự nó không bao giờ mọc thành rừng thuần chủng, càng không phải rừng nào cũng sản sinh được loài gỗ quí hiếm đó. Ðiều này càng làm ta trân trọng biết bao các tác giả văn học truyền khẩu nói chung, tác giả dân gian Ba Phi nói riêng. Trước khi từ biệt khu rừng U Minh hùng vĩ của phương Nam Tổ quôc để yên nghỉ đời đời, các câu chuyện truyền ngôn của tác giả dân gian Ba Phi đã dựng nên cho ông một tượng đài đứng mãi cùng năm.

BÁC BA PHI VÀ CHUYỆN KỂ CỦA BÁC BA PHI

Rừng U Minh mới được khai phá khoảng 300 năm nay. Ba Phi chính là lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở đất rừng U Minh. Ông tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, từ trần ngày 3/11/1964 tại rừng U Minh Hạ nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Do hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên từ thuở bé Ba Phi phải làm lụng đầu tắt mặt tối để nuôi tám đứa em thơ dại. Khi mới lên 15 tuổi, mẹ qua đời, Ba phi trở thành một lao động chính trong gia đình. Suốt từ sáng đến chiều, Ba Phi cùng bạn bè trang lứa trong xóm đi khẩn hoang, lo cày cuốc ruộng vườn, tối đến tụ họp đờn ca. Hầu hết bà con trong xóm ai cũng mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái, đăc biệt là những câu chuyện kể và cách kể truyện lôi cuốn người nghe của Ba Phi.
Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế - một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, Ba Phi được Hương Quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải ở rể ba năm. Ba năm trời đằng đẵng dầm mưa, dãi nắng phá rừng trồng lúa, Ba Phi ít gặp được người con gái sắp làm vợ mình. Mãi tới ngày cưới hỏi…

Hương Quản Tế tin yêu ba Phi nên cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Sẵn có sức lực điền cộng với khát vọng từ bao đời của người nông dân muốn có đất canh tác, Ba Phi ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.

Ba Lữ không có con. Thấu hiểu được nỗi lòng của chồng, chính bà đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Không lâu, người vợ hai của Ba Phi sinh được một đứa con trai đặt tên là Nguyễn Tứ Hải. Lớn lên, Hải sánh duyên cùng Nguyễn Thị Anh sinh hạ cho Ba Phi một đứa cháu trai – Cháu đích tôn – tên Nguyễn Quốc Trị. Còn người vợ hai, không rõ vì lý do nào bà gởi con lại cho chồng lúc nguyễn Tứ Hải mới lên ba tuổi rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời.

Ba Phi cưới vợ ba. Vợ thứ ba của Ba Phi người dân tộc Khmer tên Chăm. Bà Chăm sinh hạ cho Ba Phi hai đứa con gái. Cho đến khi Ba Phi từ trần, phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh Hạ… Tất cả những điều kể trên, cả quãng đời mà đặc biệt là tuổi trẻ của Ba Phi là quá trình ông tiếp xúc với rừng U Minh nguyên sinh. Thuở ấy, thiên nhiên tỏ ra rất hào phóng mà cũng lắm khắc nghiệt. Nhưng dưới mắt Ba Phi, thế gới hiện ra rất đáng yêu.
Trước khi đi sâu vào nội dung truyện kể của ba Phi, chúng ta hãy nghe Ba Phi kể về chuyện nếp dẻo :

“Gần tết năm đó, hai vợ chồng tôi quết bánh phồng thứ nếp dẻo của đất U Minh. Do tôi bổ mạnh tay, bột nếp văng lên xà nhà. Con chó mực thấy vậy liền nhảy lên táp miếng bột. Tức thì cái miệng của nó bị dính trong miếng bột ấy, toàn thân nó treo lên xà nhà như cá mắc câu. Nó la hoảng và giãy rất dữ. Cuối cùng nó rơi xuống đất nghe một cái “bịch”. Coi kỹ lại cái đầu của nó còn dính lại trên xà nhà”.

Và đây nữa, chúng ta cùng nghe Ba Phi kể chuyện cọp xay lúa:

“Đêm hôm đó, lúc tôi đang xay lúa, bỗng nghe hơi cọp, liền biết “ông thầy” đang rình bên ngoài. Nhờ biết trước, tôi vừa xay lúa vừa thủ thế. Quả nhiên, trong chớp mắt cọp nhào vô chụp tôi. Tôi liền né sang bên. Cọp lỡ đà vướng hai chân trước vào giằng xay. Thế là nó sa đà theo vòng quay của cái cối đang quay. Thấy vậy, tôi hối “Bả” xúc lúa đổ vào cối. Đợi cho tới lúc cọp xay hết 20 giạ lúa, tôi liền hét lên một tiếng thật to: “Cọp”! Nó hoảng quá, đâm đầu chạy tuốt ra rừng. Từ đó về sau cọp “bỏ tật” bắt người ăn thịt”.

Như đã kể trên, năm 1964 là năm ông Ba Phi qua đời, không có văn bản nào có ghi chép lại các chuyện đó, kể cả người trong thân tộc ông. Điều này những câu chuyện kể của ông Ba Phi là chuyện truyền ngôn. Các truyện này mang hình thức cấu trúc văn học: Có mở đề, thắt nút và kết thúc. Dòng chuyện kể của Bác Ba Phi cho phép chúng ta hình dung một loại tiểu thuyết chương, hồi rút gọn mà dù có đảo lộn trật tự thế nào cũng giữ được ý nghĩa và tính xuyên suốt của hệ tư tưởng quán xuyến toàn bộ dòng chảy của các chuyện kể.

Nhìn chung, hệ thống chuyện kể trên, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, còn ở tầng sâu câu chuyện thường có sự gửi gắm sâu sắc mà có lẽ sự khám phá nó còn phải lâu dài.
Tính tất yếu của loại truyện kể dân gian thường bị “Biên tập” hoặc “hiệu chỉnh” lại trong quá trình câu truyện “lưu lạc”. Lại có tình trạng công chúng hâm mộ đã tự giác đóng góp sáng tác của mình vào đó, gây ra sự pha tạp lẫn lộn với dòng truyện kể chính thống của người khởi xướng. Một vài người còn sáng tác ngay trên cái nền câu truyện của ông Ba Phi bằng văn học hành văn. Chính điều này vừa góp phần “tam sao thất bổn” vừa làm lệch lạc, méo mó phong cách Ba Phi. Đôi khi câu chuyện còn đánh mất nguồn cảm hứng chủ đạo lẫn nghệ thuật đặc trưng của dòng chuyện kể đặc sắc này.

Từ sau thập niên 70 của thế kỷ này, chuyện kể của ông Ba Phi càng rộ lên trên báo chí nhiều nơi như một đấu hiệu chấm hết chiếc hoa mai cuối cùng trên cành xuân rực rỡ của dòng chuyện kể Ba Phi. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng các chuyện kể chính thống của dòng chủ lưu của tác giả Ba Phi bởi tính đặc thù của nó: Không tên, ngắn gọn, sắc xảo, trào lộng, nhiều ý nghĩa sâu sắc v. v…

Chuyện kể của ông Ba Phi hoàn toàn nằm trong địa giới rừng U Minh với những “nhân vật” vốn là đặc sản khu rừng đặc chủng này như lúa gạo, trăn, rắn, rùa, mật ong v. v… và ông - người dẫn. Mỗi nhân vật này được xây dựng thành một chuyện kể. Với lươn, trăn, rắn, ong có chuyện “Ăn trứng rồng”; với rùa có “Tàu rùa” ; với ếch, nhái, có “Câu ếch” ; với ong mật, có “Gác kèo” ; với heo rừng có “Chó nhà săn heo rừng” v. v…

Các “nhân vật” này thường xuyên chi phối nguồn cảm hứng sáng tạo của tác giả. Tài năng sáng tạo của Ba Phi, trước hết là cảm hứng nhận thức thế giới và phương pháp chiếm lĩnh hiện thực. Đó là quá trình thông qua tư duy sáng tạo, xác lập mối quan hệ giữa hiện thực và hư cấu nhằm hợp lý hoá trong quá trình vận động của dòng chuyện kể.

Chúng ta hãy nghe tiếp câu chuyện ếch sau đây:

“Năm rồi, trời sa mưa đầu mùa, ếch kêu khắp bốn phía, đâu đâu cũng có tiếng “uệch uệch”. Chỉ riêng trong vườn nhà tôi có một tiếng ếch rất đặc biệt, nó kêu đến cảm thấy thèm ăn thịt ếch mà ngủ không yên. Tôi biết đây là loại “ếch bà”.
Sáng hôm sau, tôi bắt một con vịt mới nở làm mồi, trong khi tôi thả con mồi chưa tới mặt nước thì con ếch từ trong hang ló ra; nó lắc đầu lia lịa rồi ngồi chờ ở miệng hang.

Tôi biết con ếch này đòi ăn mồi lớn, tôi bắt con vịt mái đẻ ra câu. Vừa trông thấy con mồi, con ếch gật đầu liên tiếp mấy cái rồi hớp nước súc miện., Xong, ếch khoát tay ra hiệu cho tôi thả con vịt mái xuống. Thế là ếch đưa hai tay ra đón con mồi đưa thẳng vào mồm.

Đợi cho ếch nuốt mồi xong, tôi giật mạnh một phát. Té ra, hàng cau của tôi gãy liền một lúc đến 3 cây, con ếch thì vẫn nằm yên tại chỗ. Còn sợi nhợ câu lúc này căng thẳng tối đa. Thấy vậy, tôi ngồi xuống khảy vào sợi nhợ ấy mà ca luôn 6 câu vọng cổ”.

Qua chuyện câu ếch này, cũng như toàn bộ hệ thống chuyện dân gian Ba Phi, chúng ta thấy cái nghịch dị ở ông là thứ “Nghịch dị hai chiều”. Ở đó, một chiều ông phóng đại cái cần được trân trọng nhằm đưa hiệu quả tối đa đến cho người nghe, còn một chiều kia là sự hạ bệ nếu như cái đó không xứng đáng tồn tại. chúng ta hãy dừng lại với chuyện cọp xay lúa lần nữa. Trong chuyện này, Ba Phi chẳng những đã thắng cọp, mà còn sai khiến, điều khiển được cọp. Sự kiện này vốn có trong kho tàng truyện cổ nước ta. Chuyện người nông dân trói cọp để ông về nhà lấy “Trí khôn”. Trong đời thực cũng không thiếu những điển hình về người đã thắng cọp. Còn trong hành động của ba Phi trong đêm xay lúa ấy, ông đã cho thấy con người luôn thông minh – cái mà dã thú không thể có. Ở đây, Ba Phi đã chỉ ra rằng : Phải biết thận trọng, đề cao cảnh giác, phải biết tỉnh táo và gan góc – ít ra là trong cuộc sống đương thời, nơi “xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha” này.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong tiếng cười Ba Phi luôn có sự lý giải thông minh; nó không hề làm méo mó bản chất vốn có của sự vật, cho dù sự vật đã được phóng đại và đôi khi trong chuyện kể của mình, Ba Phi còn có ý định “lấn sân” sang lĩnh vực giáo dục luân lý. Trong chuyện “Tàu rùa”, khi ông bắt đám rùa cái bỏ vào “chiếc tàu rùa” của mình thì toàn bộ đám rùa kéo theo tàu ông. Chính bọn rùa đực là động lực làm cho “chiếc tàu rùa” ấy chạy như thuyền gắn máy. Soát lại toàn bộ hệ thống truyện dân gian Ba Phi, chúng ta nhìn thấy ông, một Ba Phi - Nghệ sĩ dân gian, nhưng là một nghệ sĩ dân gian rất độc đáo, một nghệ sĩ có “cái tạng” rất đặc thù. Trong cuộc sống nơi rừng U Minh hoang dã, Ba Phi là người có lòng tin mãnh liệt vào công cuộc chinh phục rừng đất U Minh của cộng đồng người Việt. Từ đó, ông luôn bình tĩnh, lạc quan. Trong công cuộc này, ông luôn tìm cách lý giải sự tất thắng của cộng đồng.

Trong chuyện kể của mình, Ba Phi luôn tỏ ra là một người bản lĩnh trong sự tiếp thu thế giới. Ông luôn đại diện cho lý tưởng của những người đi chinh phục thiên nhiên, mở mang bờ cõi. Có thâu tóm được “cái hồn thiêng” của rừng U Minh đương thời mới nhận thức đúng Ba Phi trong Ba Phi - Nghệ sĩ dân gian. Lý tưởng của ông đối với thiên nhiên, nơi cuối trời Tổ quốc này là con người phải chinh phục thiên nhiên cho đến kỳ cùng, họ phải là những người “sắp xếp trật tự” của thiên nhiên.

Trước khi từ biệt rừng U Minh hùng vĩ của phương Nam Tổ quốc để yên nghỉ đời đời trong lòng đất U minh, các chuyện truyền ngôn của tác giả dân gian Ba phi đã dựng lên cho ông một tượng đài đứng mãi cùng năm tháng bên ven rừng U Minh bát ngát hương tràm.
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam
Handphone: 0

Quay về Các tin hay/Các bài viết hay (News - Special Reports)

Points: 0

cron